Những biến số trên bàn cờ
Cuộc đàm phán giữa phái đoàn cấp cao Nga và Mỹ ở Saudi Arabia, mặc dù đánh dấu 'chu kỳ mới' trong quan hệ hai cường quốc và mở ra cơ hội giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, song cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng triển khai những kết quả này trong bối cảnh tồn tại không ít khác biệt về quan điểm, lập trường của các bên trong thế cờ đang bày ra.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ 2, trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Liệu đây có phải là nền móng vững chắc để đạt được tiến trình hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine cũng như góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu, hay chỉ là một nước đi khó lường trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump.
Cuộc họp đã thống nhất 3 vấn đề chính: thành lập các nhóm ngoại giao nhằm cải thiện các hoạt động ngoại giao tại Moskva và Washington; thành lập các nhóm cấp cao để sắp xếp "các thông số của cuộc xung đột" ở Ukraine và xác định các cơ hội hợp tác kinh tế có thể phát triển sau khi cuộc xung đột ở Ukraine được giải quyết. Trong đó, kết quả thứ hai thu hút mối quan tâm hơn cả. Có thể thấy, đây là sự điều chỉnh trong cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Trump so với người tiền nhiệm, tìm kiếm giải pháp thương lượng thay cho sức ép quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, việc triển khai nhóm này như thế nào, nội dung thảo luận những gì hay giải pháp như thế nào để đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên liên quan, gồm cả Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Quan điểm và lập trường của các bên về vấn đề lãnh thổ và an ninh của Ukraine hậu xung đột có thể là rào cản trong tiến trình thảo luận hướng tới giải pháp cho cuộc xung đột. Việc Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz, người tham gia cuộc đàm phán, nhấn mạnh đến chủ đề lãnh thổ và đảm bảo an ninh cho thấy các cuộc thảo luận sau này sẽ không chỉ xoay quanh lệnh ngừng giao tranh mà còn đề cập đến tương lai địa chính trị của Ukraine. Kiev lâu nay cho rằng điều kiện để duy trì một thỏa thuận chấm dứt xung đột tại Ukraine là nước này được đảm bảo an ninh dài hạn, như tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự hiện diện của "lực lượng gìn giữ hòa bình" phương Tây. Trong khi đó, Moskva coi việc triển khai quân đội phương Tây tại Ukraine là "mối đe dọa trực tiếp" đối với Nga, như tuyên bố của Ngoại trưởng Sergey Lavrov là “không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, đại diện Washington tuyên bố không có khả năng Ukraine gia nhập NATO ở thời điểm hiện tại, cũng như quân đội Mỹ sẽ không tham gia lực lượng NATO triển khai ở Ukraine sau xung đột. Dường như, Washington muốn trao “chiếc ô an ninh" cho Ukraine vào tay châu Âu, song lại không coi tư cách thành viên NATO của Kiev là giải pháp cho cuộc xung đột. Chuyên gia Nigel Gould-Davies, nghiên cứu viên cao cấp về Nga và Á - Âu tại Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở London (Anh) bình luận có sự mâu thuẫn trong cách tiếp cận này. Ông lập luận: “Điều đó báo hiệu rằng chỉ riêng Mỹ sẽ đàm phán chấm dứt chiến tranh nhưng cũng chỉ riêng châu Âu phải trả giá và thực thi một kết quả mà họ không đóng vai trò quyết định”.
Việc Ukraine và EU không có đại diện tham gia các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ cũng gây ra một làn sóng chỉ trích ở châu Âu, dẫn đến hai cuộc họp "khẩn cấp" do Pháp triệu tập (nhưng không bao gồm một số thành viên NATO phản đối việc duy trì chiến tranh Ukraine) để thảo luận về vai trò của châu Âu trong việc bảo đảm an ninh cho Kiev. Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), nhận định “an ninh của châu Âu đang ở thời điểm bước ngoặt”. Rõ ràng các nước châu Âu quan ngại một thỏa thuận vội vàng có nguy cơ làm suy yếu an ninh của Ukraine và thay đổi cán cân địa chính trị khu vực.
Anh và Pháp đang dẫn đầu nỗ lực thành lập một lực lượng bảo đảm an ninh châu Âu gồm tối đa 30.000 binh sĩ để bảo vệ Ukraine trong trường hợp nước này đạt thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Điểm mấu chốt là kế hoạch triển khai lực lượng này chắc chắn sẽ chạm tới "làn ranh đỏ" của Nga, bởi theo chuyên gia Nga Vladimir Evseev thuộc Viện nghiên cứu các nước SNG (Nga), Moskva sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì có thể đe dọa đến an ninh quốc gia. Hơn nữa, giới phân tích cho rằng một lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine khó có thể tồn tại nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ, bởi sự đảm bảo an ninh của Washington đóng vai trò quan trọng trong việc lực lượng này được chấp nhận về mặt chính trị từ quốc hội của một số nước. Theo phân tích của Giáo sư Lawrence Freedman thuộc Đại học King’s College London (Anh), giới chức Mỹ nhận thức được tầm quan trọng của cam kết an ninh của mình đối với châu Âu, theo đó có thể vẫn duy trì một số chính sách truyền thống về an ninh. Tuy nhiên, mục tiêu của Tổng thống Trump khó đoán định nên có thể đưa ra những quyết định khó lường, gây tổn hại đến quan hệ hai bờ Đại Tây Dương – điều khiến châu Âu bất an.
Ngay cả châu Âu cũng chia rẽ về việc triển khai quân đội ở Ukraine. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người có truyền thống ủng hộ Ukraine, đã phản đối việc triển khai lực lượng của châu Âu khi tuyên bố rằng Mỹ phải tham gia vào việc cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Berlin nhận thấy "hoàn toàn quá sớm và hoàn toàn không đúng thời điểm" để thảo luận về lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine. Tây Ban Nha cũng cho biết cần phải chờ xem các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra như thế nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Những phát biểu chỉ trích gay gắt gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tổng thống Ukraine, cho rằng Kiev là bên chịu trách nhiệm về cuộc xung đột với Nga, cũng khiến các đối tác vô cùng choáng váng, nếu không muốn nói là “bị sốc”, như bình luận của ông Ian Brzezinski, nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương. Mike Quigley, nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc bang Illinois và là đồng Chủ tịch Nhóm nghị sĩ ủng hộ Ukraine tại Quốc hội Mỹ, cho rằng cách tiếp cận ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump có thể đẩy Ukraine – một bên của cuộc xung đột – vào thế yếu hơn so với bên còn lại.
Nhìn rộng hơn, đây không chỉ là bài toán đối với Mỹ và Nga mà còn đối với châu Âu và Ukraine. Việc cân bằng phương trình giữa một bên là mục tiêu đạt được một nền hòa bình bền vững và một bên là những nhượng bộ có thể chấp nhận được sẽ là thách thức lớn đối với các bên trong thời gian tới.
Mặc dù kết quả ban đầu từ đối thoại cấp cao Mỹ - Nga tại Saudi Arabia cho thấy những động lực tích cực, song vẫn còn quá nhiều biến số ẩn chứa sau những nước đi khó lường trong ván cờ chiến lược này. Như trong vấn đề Ukraine, liệu có thể đạt được cân bằng giữa chấm dứt xung đột với đảm bảo các nguyên tắc và lợi ích của các bên liên quan hay không? Câu trả lời sẽ định hình không chỉ quan hệ Nga-Mỹ mà còn cả cục diện an ninh châu Âu và thế giới trong thời gian tới.