Mạnh tay trấn áp các trung tâm lừa đảo trực tuyến
Một nhóm gồm 50 công dân Trung Quốc được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar đã lên chuyến bay về nước ngày 20-2.
Theo tờ Bangkok Post, máy bay chở số người nói trên cất cánh từ sân bay Mae Sot ở tỉnh Tak - Thái Lan. Đây là một phần của nỗ lực nhằm hồi hương 600 công dân Trung Quốc. Bắc Kinh đã thuê máy bay của hãng China Southern Airlines để đưa những người này về nước trên 16 chuyến bay từ ngày 20 đến 22-2. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người tự nguyện tham gia các vụ lừa đảo và bao nhiêu người là nạn nhân của nạn buôn người.
Việc hồi hương những người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác dự kiến được tiến hành sau đó. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra hôm 19-2 cho biết khoảng 7.000 người đã được giải cứu khỏi các cơ sở lừa đảo ở Myanmar và đang chờ được chuyển đến Thái Lan.

Một máy bay của hãng China Southern Airlines đến sân bay Mae Sot ở tỉnh Tak - Thái Lan ngày 20-2 để đưa công dân Trung Quốc về nước Ảnh: Bangkok Post
Trong khi đó, Lực lượng Biên phòng Karen (BGF), một nhóm dân quân liên minh với chính quyền quân sự Myanmar, cho biết đang chuẩn bị trục xuất đến 10.000 người liên quan các trung tâm lừa đảo trực tuyến tại những khu vực họ kiểm soát dọc biên giới với Thái Lan. Các trung tâm này sử dụng lao động là người nước ngoài. Nhiều người trong số đó cho biết mình là nạn nhân của bọn buôn người, bị ép tham gia các vụ lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân trên thế giới.
BGF có bước đi trên sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực và Thái Lan đình chỉ cung cấp điện, dầu và dịch vụ internet đến thị trấn Myawaddy ở Myanmar vào đầu tháng 2. Đáng chú ý, ông Lưu Trung Nghĩa, Trợ lý Bộ trưởng Công an Trung Quốc, đã đến Thái Lan để phối hợp với chính quyền Thái Lan và Myanmar trong việc trấn áp các trung tâm lừa đảo và giám sát tiến trình hồi hương công dân Trung Quốc.
Theo Liên hợp quốc, trong nhiều năm qua, các băng nhóm tội phạm đã buôn bán hàng trăm ngàn người đến các khu trại lừa đảo khắp Đông Nam Á, trong đó có những địa điểm dọc biên giới Thái Lan - Myanmar, ép buộc họ tham gia hoạt động phi pháp. Dù đã hoạt động trong nhiều năm, các trung tâm loại này chỉ bị "soi" gắt gao sau vụ một nam diễn viên Trung Quốc được giải cứu từ Myanmar hồi tháng 1-2025. Người này bị bắt cóc ở Thái Lan sau khi bị lừa đến đây với lời hứa về một công việc hấp dẫn.