PAN Group liên tục thay 'ghế nóng' ở công ty thành viên: Chiến lược đầy toan tính
Thay đổi lãnh đạo ở PAN Group không đơn thuần là sự chuyển giao quyền lực mà còn là chuyển hướng kinh doanh, làm mới bộ máy điều hành và nâng cấp năng lực quản trị toàn diện.
Không chỉ chuyển giao mà còn chuyển hướng
Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn xem đội ngũ lãnh đạo cấp cao là biểu tượng của sự ổn định, thì PAN Group lại có một góc nhìn khác biệt. Với tập đoàn này, thay đổi lãnh đạo không đơn thuần là sự chuyển giao quyền lực mà còn là chuyển hướng kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng, làm mới bộ máy điều hành và nâng cấp năng lực quản trị toàn diện.
“Đến lúc cần thay đổi thì chúng ta phải thay đổi. Đó không chỉ là nguyện vọng của người lao động mà còn là quy luật của thực tiễn”,ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn PAN (PAN Group) khẳng định tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2025 về việc thay đổi lãnh đạo các công ty thành viên.
Đơn cử như tại Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), sau khi ghế chủ tịch HĐQT được chuyển giao cho bà Nguyễn Thị Trà My - người đang là Tổng giám đốc PAN Group - vào tháng 2/2025 thì ngay lập tức doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng 14% so với năm trước.
“Nếu không có một ‘đầu tàu’ dũng cảm, sẽ không ai dám đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng như vậy”, ông Hưng nhận xét về mục tiêu lợi nhuận của Vinaseed.
Với bề dày kinh nghiệm quản trị ở PAN Group, bà My không chỉ am hiểu sâu sắc về lĩnh vực nông nghiệp mà còn tận dụng tối đa hệ sinh thái của tập đoàn từ tài chính, nghiên cứu và phát triển cho tới các mối quan hệ mang tầm quốc tế. Do đó, cổ đông, nhà đầu tư kỳ vọng bà My sẽ đưa Vinaseed bước sang một chương mới: phát triển nhanh, bền vững và đột phá.
Đây không phải năm đầu tiên PAN Group thay lãnh đạo các công ty thành viên. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tập đoàn này đã không ít lần thực hiện chiến lược “thay ghế để tăng” ở nhiều công ty thành viên.
Cụ thể, sau khi PAN Group tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 76%, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Aquatex) cũng đã tiến hành tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo. Ông Nguyễn Văn Khải thay thế ông Đặng Kiết Tường làm chủ tịch HĐQT.
Sau lần tái cấu trúc này, từ 2020 đến nay, doanh thu và biên lợi nhuận của Aquatex tăng qua từng năm. Đặc biệt năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Aquatex tăng gần 20%, cao nhất trong 14 năm và được đánh giá là hạt nhân tăng trưởng mới trong hệ sinh thái PAN Group.
Công ty CP Bibica cũng là một thương vụ thành công của PAN Group sau khi nắm quyền kiểm soát và tiến hành tái cấu trúc. Bibica từng là tâm điểm của những cuộc chiến cổ đông kéo dài, đặc biệt trong giai đoạn hợp tác với Tập đoàn Lotte. Những mâu thuẫn quyền lực kéo dài đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động và chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong nhiều năm.
Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đến với Bibica khi Lotte chính thức thoái vốn và PAN Group nắm quyền kiểm soát vào năm 2017. Sự thay đổi này đã giúp Bibica thoát khỏi tình trạng rối ren nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc toàn diện và định hình lại chiến lược phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trương Phú Chiến, Chủ tịch HĐQT, Bibica từng bước ổn định tổ chức, chú trọng phát triển sản phẩm và làm mới thương hiệu theo hướng bền vững, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2025, ông Chiến rời ghế chủ tịch HĐQT sau 38 năm gắn bó và cống hiến cho Bibica để nhường ghế ông Nguyễn Văn Khải - một nhân sự nội bộ dày dạn kinh nghiệm, từng đảm nhận nhiều vị trí quản lý chủ chốt trong công ty.
Ông Khải được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì những giá trị cốt lõi mà Bibica đã xây dựng trong suốt hành trình phát triển, đồng thời đưa ra các chiến lược mới để đưa thương hiệu Bibica ngày càng vươn xa.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch hội đồng quản trị PAN Group. Ảnh: PAN Group
Kỳ vọng giá cổ phiếu cũng tăng tương xứng lợi nhuận
PAN Group không đơn thuần là thay đổi người doanh nghiệp này còn tái định hình lại chiến lược vận hành. Ở đây, “chuyển giao” không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho một hướng đi mới. Những “ghế nóng” được trao cho người xứng đáng, dũng cảm và đủ tầm để tạo ra sự khác biệt, đem lại hiểu quả cho doanh nghiệp.
Năm 2024, PAN Group đạt doanh thu kỷ lục 16.182 tỷ đồng và 1.167 tỷ đồng lãi sau thuế hợp nhất, tăng trưởng lần lượt 22,5% và 42,8% so với năm 2023.
Trong đó nhuận mảng thủy sản tăng trưởng cao nhất với mức tăng lần lượt 33% và 38% so với năm 2023; mảng thực phẩm đóng gói tăng trưởng lần lượt 18% và 28%; còn nông nghiệp tăng trưởng lần lượt 13% và 15%.
“Về mặt lợi nhuận, chúng tôi đã hoàn thành những gì đã cam kết. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu vẫn là điều mà chúng tôi đang nỗ lực cải thiện”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN Group nói và kỳ vọng năm 2025 thị giá cổ phiếu có chuyển biến tích cực hơn.
Căn cứ để ông Hưng kỳ vọng thị giá cổ phiếu PAN Group tích cực hơn là khi làn sóng đầu tư vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro dần hạ nhiệt, nhà đầu tư sẽ quay lại với những giá trị bền vững, gắn liền với nhu cầu cần thiết như an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước. Đó chính là cơ hội để PAN khẳng định vị thế và bứt phá, không chỉ trong năm nay mà còn ở những giai đoạn phát triển tiếp theo.