Pakistan: Tìm cách đảm bảo nguồn cung thuốc sau khi cắt quan hệ thương mại với Ấn Độ

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Ấn Độ sau vụ tấn công tại Pahalgam, Chính phủ Pakistan đã chính thức đình chỉ toàn bộ quan hệ thương mại song phương, đồng thời chỉ đạo các cơ quan y tế triển khai các biện pháp 'khẩn cấp' nhằm đối phó với nguy cơ gián đoạn nguồn cung dược phẩm trên toàn quốc.

Cửa khẩu Attari-Wagah ở biên giới Ấn Độ - Pakistan. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cửa khẩu Attari-Wagah ở biên giới Ấn Độ - Pakistan. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một quan chức cấp cao của DRAP cho biết: “Chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ sau cuộc khủng hoảng năm 2019. Giờ là lúc các kế hoạch đó được triển khai. Các nỗ lực hiện nay đang tập trung vào việc tìm kiếm nguồn thay thế từ Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu thuốc trên diện rộng".

Theo ước tính, khoảng 30-40% nguyên liệu thô phục vụ sản xuất thuốc tại Pakistan, đặc biệt là API (thành phần dược phẩm hoạt tính), hiện đang được nhập khẩu trực tiếp từ Ấn Độ. Ngoài ra, nhiều loại biệt dược như vaccine phòng bệnh dại, huyết thanh chống nọc rắn, thuốc điều trị ung thư và sản phẩm sinh học cũng phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ nước láng giềng này.

Một đại diện cấp cao của Bộ Dịch vụ Y tế Quốc gia Pakistan phân tích: "Việc đứt gãy đột ngột chuỗi cung ứng khiến giới chuyên gia và các nhà sản xuất dược phẩm cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng thuốc nếu Chính phủ Pakistan không có hành động ngay lập tức. Có những loại thuốc cứu sinh mà nguyên liệu chỉ có thể nhập từ Ấn Độ. Nếu không được miễn trừ khỏi lệnh cấm, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng".

Để đối phó, một phái đoàn lãnh đạo Hiệp hội Các nhà sản xuất dược phẩm Pakistan (PPMA) đã đến Islamabad để vận động Chính phủ đưa ngành dược phẩm ra khỏi danh sách các lĩnh vực chịu lệnh cấm giao dịch thương mại. Trong khi đó, một vấn đề khác gây lo ngại là hoạt động buôn lậu thuốc đang có dấu hiệu gia tăng qua các tuyến biên giới với Afghanistan, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và thậm chí là biên giới phía Đông. Dù các kênh này phần nào đáp ứng nhu cầu thị trường, song chúng không đảm bảo chất lượng, tính ổn định hay an toàn cho người sử dụng.

Căng thẳng giữa hai quốc gia bùng phát sau vụ xả súng tại khu du lịch Pahalgam, thuộc vùng Jammu và Kashmir ngày 22/4 vừa qua, khiến 26 người thiệt mạng phần lớn là khách du lịch Ấn Độ. Vụ việc được xem là cuộc tấn công đẫm máu nhất tại khu vực này kể từ sau vụ Pulwama năm 2019.

Đáp lại, Chính phủ Ấn Độ thông báo đình chỉ Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn với Pakistan ký kết từ năm 1960. Động thái này đã kéo theo chuỗi phản ứng từ Islamabad, bao gồm cả việc cắt đứt các kênh thương mại còn lại giữa hai nước.

Trong bối cảnh bất ổn này, tương lai của ngành dược Pakistan phụ thuộc vào khả năng phản ứng nhanh chóng của Chính phủ, cũng như việc mở rộng hợp tác chiến lược với các đối tác khác để đảm bảo an ninh y tế cho người dân.

Quang Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/pakistan-tim-cach-dam-bao-nguon-cung-thuoc-sau-khi-cat-quan-he-thuong-mai-voi-an-do-20250427062210952.htm
Zalo