Ông Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria, hướng tới bình thường hóa quan hệ
Tổng thống Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria, mở ra hy vọng mới cho quan hệ Mỹ - Trung Đông và tạo cơ hội phát triển cho Damascus.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 thông báo sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt “hà khắc và tàn khốc” mà Mỹ từng áp đặt lên Syria dưới thời cựu Tổng thống Bashar al-Assad, đánh dấu bước đi đầu tiên nhằm bình thường hóa quan hệ với chính quyền mới tại Damascus.
Phát biểu tại Ả Rập Xê-út – điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông – ông Trump cho biết sẽ gặp Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa trong tuần này và “trao cho Syria một cơ hội để trở nên vĩ đại”. Ông nhấn mạnh: “Syria đã trải qua quá nhiều khổ đau và chết chóc. Giờ đây có một chính quyền mới, và chúng ta cần hy vọng họ sẽ thành công".

Ông Trump tại diễn đàn đầu tư.
Chính quyền al-Sharaa lên nắm quyền sau khi lật đổ ông Assad vào năm ngoái, do lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu. HTS từng là một nhánh của al-Qaeda nhưng đã nỗ lực cải tổ hình ảnh và vận động để được Mỹ xóa khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
Ông Al-Sharaa – người từng bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD – cũng vận động hành lang mạnh mẽ để được dỡ bỏ trừng phạt, như đề nghị xây dựng Trump Tower ở Damascus, thiết lập quan hệ hòa dịu với Israel và mở cửa ngành dầu khí Syria cho Mỹ. Chính quyền mới tại Syria cũng hợp tác với tình báo Mỹ, bắt giữ chỉ huy cấp cao của ISIS hồi tháng 2.
Tổng thống Trump cho biết quyết định dỡ bỏ trừng phạt được Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdoğan khuyến nghị. Ông đùa tại Diễn đàn đầu tư Mỹ - Ả Rập Xê-út ở Riyadh: “Ôi, hãy xem những điều tôi làm vì Thái tử".
Dưới thời ông Assad, Syria bị cắt hoàn toàn khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt hình phạt tài chính với bất kỳ cá nhân hoặc công ty nào hỗ trợ chính quyền Syria, cấm người Mỹ giao dịch với các thực thể Syria, và đóng băng toàn bộ hoạt động của các ngân hàng nước này.
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump vẫn gây tranh cãi. Nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham cảnh báo rằng Syria hiện vẫn nằm trong danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố và việc dỡ bỏ danh hiệu này đòi hỏi báo cáo chi tiết từ chính quyền Trump gửi lên Quốc hội – điều chưa được thực hiện.
Cựu đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford nhận định al-Sharaa tuy thực dụng nhưng vẫn là một nhà lãnh đạo có khuynh hướng chuyên quyền, và chính quyền mới tại Damascus còn yếu, chưa kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Marlin Stutzman – người mới gặp ông al-Sharaa – bày tỏ lạc quan: “Nếu Mỹ không can dự, Syria có thể lại ngả về phía Nga hoặc Iran. Đây là cơ hội để kéo họ theo một hướng khác”. Ông Al-Sharaa được cho là đã bày tỏ mong muốn biến Syria thành trung tâm thương mại và du lịch như Qatar hay UAE, với các tuyến giao thương xuyên lục địa chạy qua nước này.
Quyết định của ông Trump cho thấy Syria có thể trở thành một mắt xích chiến lược mới trong nỗ lực định hình lại cấu trúc ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, đồng thời mở ra khả năng khôi phục quan hệ sau hơn một thập kỷ gián đoạn.