Ông Trump công du Trung Đông: Nước nào được lợi, nước nào bất lợi?

Không phải Saudi Arabia, Qatar hay UAE, những nước được lợi lớn khi ông Trump công du Trung Đông được đánh giá là các quốc gia không có trong danh sách điểm đến thậm chí còn mang tính đối đầu với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có chuyến công du đến 3 nước Trung Đông và giàu có nhất vùng Vịnh là Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), từ ngày 13-5 đến ngày 16-5.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai và được quan tâm đặc biệt. Mọi diễn biến xung quanh chuyến thăm đều được quan sát kỹ và động thái thu hút sự chú ý không phải là những gì diễn ra tại các điểm đến, mà là với những nước chẳng những không có trong danh sách công du mà thậm chí còn mang tính đối đầu với Mỹ.

Dỡ bỏ trừng phạt Syria

Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư ở Saudi Arabia ngày 13-5, ông Trump công bố kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, tin tưởng rằng quyết định của Mỹ sẽ mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho chính phủ mới của Syria.

“Syria, họ đã có đủ sự nhạo báng, chiến tranh, giết chóc trong nhiều năm. Đó là lý do tại sao chính quyền của tôi đã thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc khôi phục quan hệ bình thường giữa Mỹ và Syria lần đầu tiên sau hơn một thập niên” - ông Trump nói.

“Chúc may mắn, Syria. Hãy cho chúng tôi thấy điều gì đó rất đặc biệt” – ông Trump phát biểu từ Saudi Arabia, bày tỏ hy vọng rằng chính phủ mới của Syria "sẽ thành công trong việc ổn định đất nước để giữ gìn hòa bình".

Bên cạnh dỡ bỏ trừng phạt với Syria, Tổng thống Trump dự kiến sẽ chào Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa một cách không chính thức tại Riyadh trong ngày 14-5, CNN dẫn thông tin từ một quan chức Nhà Trắng. Ngoại trưởng Marco Rubio dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Syria Asaad Al-Shaibani tại Thổ Nhĩ Kỳ "vào cuối tuần này", theo lời ông Trump.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa dự kiến sẽ có cuộc gặp không chính thức tại Saudi Arabia ngày 14-5. Ảnh: TIMES OF ISRAEL

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa dự kiến sẽ có cuộc gặp không chính thức tại Saudi Arabia ngày 14-5. Ảnh: TIMES OF ISRAEL

Đây sẽ là các cuộc gặp gỡ cấp cao nhất cho đến nay giữa chính phủ Syria mới và chính quyền ông Trump. Mỹ chưa chính thức tái lập quan hệ ngoại giao hoặc công nhận chính phủ al-Sharaa, nhưng các nguồn tin cho biết đã có cuộc gặp gỡ cấp thấp hơn.

Ông Trump cho biết ông đã đưa ra quyết định sau khi thảo luận với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng như với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Các lệnh trừng phạt Syria có từ thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad (đã bị lật đổ vào tháng 12-2024) nhằm mục đích hạn chế sức mạnh của chế độ ông al-Assad nhưng lại dẫn đến hậu quả kinh tế tàn khốc cho người dân Syria. Trong nhiều tháng sau khi ông al-Assad bị lật đổ, Mỹ vẫn giữ các lệnh trừng phạt vì chưa chắc chắn về ý định của các nhà lãnh đạo mới của Syria – vốn trước đây có mối liên hệ với al-Qaeda song đã từ bỏ.

Trong thời gian này có nhiều ý kiến chỉ trích cả trong và ngoài nước Mỹ rằng việc duy trì trừng phạt quá lâu có nguy cơ gây mất lòng các nhà lãnh đạo mới của Syria, những người có thể sẵn sàng hợp tác với Washington song cũng có thể làm tăng sự phụ thuộc của Syria vào những nước ủng hộ khác, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ - nước vốn có mối liên kết phức tạp về địa chính trị với Mỹ ở khu vực.

Việc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt là một chiến thắng quan trọng cho chính phủ mới của Syria do ông Ahmed al-Sharaa lãnh đạo.

Ngoại trưởng Syria Asaad Al-Shaibani hoan nghênh tin tức Mỹ nới lỏng trừng phạt.

“Chúng tôi coi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là một khởi đầu mới trên con đường tái thiết. Nhờ lập trường của những người anh em Ả Rập của chúng tôi — trước hết là Saudi Arabia — chúng tôi đang mở ra một chương mới hướng tới một tương lai xứng đáng với người dân Syria và lịch sử của họ” – ông Al-Shaibani đăng trên nền tảng X.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Syria, Geir Pedersen, cũng hoan nghênh diễn biến này và nói rằng việc dỡ bỏ trừng phạt là bắt buộc để cho phép cung cấp các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng như phục hồi nền kinh tế.

Chìa “cành ô liu” với Iran

Cũng tại Saudi Arabia ngày 13-5, ông Trump tuyên bố hùng hồn bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất rằng ông mong muốn đàm phán với Iran.

Về tiến trình đàm phán để Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lấy việc được Mỹ nới lỏng trừng phạt, ông Trump nói rằng ông sẵn sàng cho một thỏa thuận và mong muốn Tehran chấp nhận cành ô liu mà ông đưa ra. Tuy nhiên ông Trump nói rằng ông sẽ không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân.

Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Trung Đông lần này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ với khu vực. Tuyên bố của ông Trump báo hiệu sự sắp xếp lại chính sách đối ngoại của Mỹ rằng không có “kẻ thù vĩnh viễn” – CNN

Đoàn kết cùng có lợi với Saudi Arabia

Với Saudi Arabia, chuyến thăm của ông Trump mang lại nhiều lợi ích. Theo các nhà quan sát, ông Trump đã thể hiện tốt sự đoàn kết với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, giọng điệu mà ông chuyển tải đến các nhà lãnh đạo nước này khác xa của người tiền nhiệm Biden khi đến thăm Saudi Arabia 3 năm trước. Ông Biden từng tuyên bố sẽ khiến Saudi Arabia trả giá thậm chí “bị ruồng bỏ” vì những vi phạm nhân quyền, đối đầu với Thái tử Salman liên quan vụ nhà báo Jamal Khashoggi (thường trú nhân ở Mỹ, cộng tác với tờ Washington Post) bị sát hại năm 2018. Thái tử Salman cũng không ra sân bay ông ông Biden như đã đích thân ra đón ông Trump ngày 13-5.

 Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay ở Riyadh (Saudi Arabia) ngày 13-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay ở Riyadh (Saudi Arabia) ngày 13-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Saudi Arabia đã phần nào bị cộng đồng quốc tế và nhiều doanh nghiệp tẩy chay một thời gian sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại, và thời điểm này các nhà đầu tư và các thương hiệu dần quay trở lại. Diễn đàn đầu tư mà ông Trump phát biểu tại thủ đô Riyadh ngày 13-5 có sự tham dự của các CEO từ Uber, Amazon, BlackRock và SpaceX.

“Chúng tôi tái khẳng định mối quan hệ quan trọng này và chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để làm cho mối quan hệ của chúng tôi gần gũi hơn, mạnh mẽ hơn. Nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và nhân tiện, nó sẽ vẫn như vậy. Chúng tôi không ra vào như những người khác” - ông nói tại diễn đàn đầu tư ở Riyadh.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 13-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 13-5. Ảnh: GETTY IMAGES

Một mục tiêu của ông Trump trong chuyến thăm Saudi Arabia là tìm cách bơm tiền từ quốc gia giàu dầu mỏ này vào nền kinh tế Mỹ. Vị tổng thống Mỹ đã dành cả một ngày 14-5 để ký một loạt thỏa thuận đầu tư (tổng trị giá 600 tỉ USD), đảm bảo một loạt các thỏa thuận cho các ông trùm công nghệ và giám đốc điều hành doanh nghiệp tháp tùng cùng ông.

Nước bất lợi nhất: Israel

Việc ông Trump chấm dứt trừng phạt Syria và chìa “cảnh ô liu” với Iran đều là đòn giáng vào Israel, theo CNN. Cả Iran và Syria đều là nước đối thủ với Israel ở Trung Đông. Israel đang trong cuộc xung đột kéo dài và chưa hồi kết với các lực lượng ủy nhiệm trong trục kháng chiến Iran như Hamas (Gaza), Hezbollah (Lebanon), Houthis (Yemen). Với Syria – nước có tranh chấp lãnh thổ lâu dài, Israel tấn công quân sự sang Syria sau sự sụp đổ của ông al-Assad và chính quyền mới nắm quyền.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 2-4. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 2-4. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Trước đó, quyết định của ông Trump loại Israel – nước được xem là đồng minh số một của Mỹ ở Trung Đông – khỏi danh sách các điểm đến trong chuyến công du của ông đến khu vực vốn đã là một điều “khó nuốt” với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tham dự cuộc họp của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh vào sáng 14-5 trước khi khởi hành đến Qatar vào buổi chiều cùng ngày. Ông Trump dự kiến sẽ sang điểm đến cuối cùng là UAE vào ngày 16-5.

Trước đó ông Trump nói rằng ông có thể đến Thổ Nhĩ Kỳ nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đàm phán trực tiếp ở Istanbul. Về chính thức, theo lời ông Trump ngày 13-5, Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ tham dự các cuộc đàm phán vào cuối tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các đặc phái viên Steve Witkoff và Keith Kellogg cũng có kế hoạch tham dự, theo một quan chức Nhà Trắng.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ong-trump-cong-du-trung-dong-nuoc-nao-duoc-loi-nuoc-nao-bat-loi-post849658.html
Zalo