Tại sao người thiết kế bom hydro lại che giấu vai trò của mình suốt 50 năm? - Kỳ cuối
Trong suốt nhiều thập niên, Tiến sĩ Richard Garwin đã nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy một lệnh cấm toàn diện các vụ thử hạt nhân.
Kỳ cuối: Di sản kiểm soát vũ khí hạt nhân
Tính đơn giản khiến quả bom thả xuống Hiroshima trở thành một điều chắc chắn: không cần thử nghiệm, nhưng bom hydro thì phức tạp hơn. Theo định nghĩa, bom hydro cần nhiều vụ thử để phát hiện lỗi và tối ưu hóa hiệu suất.

Tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống cho nhà vật lý Richard Garwin ngày 22/11/2016. Ảnh: Getty Images
Trong nhiều thập niên, nỗ lực của Garwin nhằm kêu gọi lệnh cấm toàn diện các vụ nổ thử nghiệm chủ yếu dựa trên thực tế đó, tức là không thử nghiệm thì không có bom hydro. Dù ông xem lệnh cấm thử nghiệm ngoài không gian dưới thời Tổng thống Kennedy là một khởi đầu tích cực, nhưng ông vẫn muốn ngăn chặn không chỉ các cuộc chạy đua vũ trang mới mà cả tham vọng sở hữu loại vũ khí hủy diệt nhất thế giới của các quốc gia mới nổi.
Kết thúc Chiến tranh Lạnh dường như là thời điểm thích hợp. Năm 1993, Tổng thống Bill Clinton công bố kế hoạch đàm phán một hiệp ước theo đó tất cả các quốc gia sẽ từ bỏ mọi vụ nổ hạt nhân, giống như Mỹ đang đơn phương thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc cấm cả các vụ thử dưới lòng đất - vùng thử nghiệm cuối cùng còn được cho phép.
Cũng trong năm 1993, Tiến sĩ Garwin trở thành chủ tịch Ban Cố vấn về Kiểm soát Vũ khí và Chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Bộ này hướng dẫn các quan chức cấp cao liên bang, bao gồm cả Nhà Trắng, đồng thời vận động công chúng ủng hộ hiệp ước cấm thử nghiệm.
Một bước ngoặt quan trọng xảy ra vào tháng 8/1995, khi Garwin giúp giải quyết một tranh cãi kỹ thuật có nguy cơ phá vỡ các cuộc đàm phán. Vấn đề xoay quanh việc liệu hiệp ước có nên cho phép các vụ nổ ở quy mô cực nhỏ hay không. Là thành viên lâu năm của nhóm Jasons (nhóm cố vấn khoa học độc lập bí mật cho chính phủ Mỹ), Garwin tham gia xử lý tranh cãi đó. Trong một báo cáo dài, nhóm này ủng hộ lệnh cấm toàn diện, khẳng định Mỹ vẫn có thể ký hiệp ước kể cả khi cấm cả các vụ thử ở mức cực nhỏ.
Vài ngày sau, Tổng thống Clinton đã nhắc lại kết luận đó khi tuyên bố ông sẽ theo đuổi cấm hoàn toàn mọi vụ thử hạt nhân. Ông nói: “Tôi hy vọng điều này sẽ dẫn đến đồng thuận sớm tại bàn đàm phán”.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn kéo dài. Trong lúc đó, Pháp và Trung Quốc đã thực hiện những vụ nổ thử nghiệm cuối cùng trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Cuối cùng, vào tháng 9/1996, một phái đoàn trang trọng gồm các đại diện chính phủ thế giới, trong đó có ông Clinton, đã ký Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT).
Rồi mọi chuyện sụp đổ. Ông Clinton tái đắc cử vào tháng 11 năm đó nhưng giờ phải đối mặt với sự kiểm soát của đảng Cộng hòa tại cả Hạ viện và Thượng viện. Tệ hơn, mối quan hệ của ông với thực tập sinh Monica Lewinsky bị phanh phui đầu năm 1998, tạo ra một cơn bão chính trị làm tê liệt Nhà Trắng.
Khi phe Cộng hòa tại Thượng viện đẩy nhanh bỏ phiếu thông qua hiệp ước, Garwin đã điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông lập luận: “Chúng ta sẽ tốt hơn nếu có lệnh cấm thử nghiệm, còn hơn không có”.
Sáu ngày sau, vào ngày 13/10/1999, Thượng viện Mỹ bác bỏ hiệp ước. Dù sau đó được 187 quốc gia ký kết, nhưng hiệp ước chưa bao giờ có hiệu lực vì Mỹ cùng một số nước chủ chốt khác không phê chuẩn.
Tuy vậy, Garwin và các đồng nghiệp đã tạo ra một chuẩn mực toàn cầu mới. Quá trình dài và gian nan nhằm đạt được đồng thuận quốc tế về giá trị của lệnh cấm – vốn được cả các cường quốc hạt nhân ủng hộ – đã mở ra một thời kỳ ổn định hơn. Những rung chấn từ các bãi thử dưới lòng đất từng lan khắp thế giới đã biến mất. Từ đó đến nay, Mỹ và các cường quốc hạt nhân lớn khác không còn thử nghiệm vũ khí.
Năm 1979, ông Edward Teller bị đau tim và từ đó nhận ra, như ông nói với một người bạn “rằng tôi không bất tử”. Trong thời gian hồi phục, ông chia sẻ những ký ức về quá trình chế tạo bom hydro với người bạn đó, người đã mang theo một máy ghi âm. Ông Teller nói: “Vậy nên thiết kế đầu tiên đó là do Dick Garwin thực hiện”. Ông lặp lại câu nói để tránh mọi hiểu lầm.
Trong 22 năm, đoạn ghi âm ấy bị rơi vào quên lãng. Tình cờ, điều đó cũng phù hợp với quyết tâm của Tiến sĩ Garwin trong che giấu vai trò của mình trong việc chế tạo bom hydro.
Nhiều huyền thoại lan truyền. Năm 1995, cuốn Dark Sun (một bản tường trình dài 700 trang về quá trình chế tạo bom hydro) nói rằng một ủy ban gồm các nhà khoa học lớn tuổi đã thiết kế quả bom hydro. Cuốn sách không hề nhắc đến chàng trai trẻ đến từ Cleveland.
Điều đó thay đổi vào tháng 4/2001. George A. Keyworth II - người bạn nói trên của ông Teller và sau này là cố vấn khoa học của Tổng thống Ronald Reagan - đã đưa bản chép lại đoạn ghi âm cho một phóng viên và người này đã viết trên tờ The New York Times. Bài viết thu hút chú ý, kể cả sự chú ý của Tiến sĩ Garwin và gia đình ông.
Dù trước đó ông Teller đã thừa nhận vai trò của nhà vật lý trẻ Garwin, nhưng lần đề cập này bị chôn vùi trong các tài liệu chuyên môn và các cuộc họp kín. Giờ đây, đột ngột nửa thế kỷ sau sự kiện, Tiến sĩ Garwin được công nhận rộng rãi là người thiết kế bom hydro.
Bà Lois, vợ ông, nói với một nhà sử học: “Chính lúc đó người ta mới thực sự biết. Và những người rất thân với Dick, quen ông ấy đã lâu, cũng vô cùng ngạc nhiên”.
Sau đó, như trước giờ vẫn thế, ông tiếp tục tiến bước không ngơi nghỉ. Ông giảng dạy và viết các bài nghiên cứu về vũ khí không gian, mìn sát thương, khủng bố, đại dịch, tàu ngầm, cố vấn khoa học, chương trình viện trợ lương thực, máy rút tiền tự động, tham vọng hạt nhân của Iran, mạng lưới điện quốc gia, xử lý chất thải phóng xạ, rủi ro thảm họa và giải trừ vũ khí hạt nhân. Tài liệu cuối cùng trong kho lưu trữ đồ sộ của ông được ghi ngày đầu năm 2025.
Cũng vào thời điểm đó, “vị bô lão” trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân, cũng như ông Teller, có lẽ rồi cũng không thể sống mãi. Khi ấy, ông đã 96 tuổi và có cuộc phỏng vấn cuối cùng.
Trong cuộc phỏng vấn đó, điều ngạc nhiên là Tiến sĩ Garwin nói rằng ông Fermi đã nhấn mạnh sai mối nguy khi từng gọi bom hydro là “một thứ xấu xa” vì có sức công phá không giới hạn.
“Không phải vậy mới là mối đe dọa”, ông nói. Theo ông, mối nguy lớn nhất là có quá nhiều vũ khí hạt nhân vì làm tăng nguy cơ bị đánh cắp, vận hành sai, tai nạn, sử dụng trái phép và đẩy thế giới rơi khỏi trạng thái răn đe lẫn nhau xuống một vực thẳm nhiệt hạch.