Ông Trump 'nổ phát súng' chiến tranh thương mại với Mexico, Canada và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/2 đã ra lệnh áp thuế toàn diện đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc, chính thức khởi động một cuộc chiến thương mại có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thổi bùng lạm phát.

Reuters đưa tin Mexico và Canada, hai đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ ngay lập tức tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan trả đũa, trong khi Trung Quốc cho biết sẽ phản đối động thái của Trump lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thực hiện các "biện pháp đối phó" khác.

Trong ba sắc lệnh hành pháp, Trump đã áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu của Mexico và hầu hết các mặt hàng nhập khẩu của Canada và 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày ngày 2/2. Ông tuyên bố sẽ duy trì các mức thuế này cho đến khi tình trạng khẩn cấp quốc gia mà ông mô tả về fentanyl, một loại ma túy gây chết người và tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ kết thúc.

Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ thông số nào khác để xác định những gì có thể đáp ứng được các yêu cầu của Trump. Đáp lại những lo ngại do các nhà máy lọc dầu và các tiểu bang vùng trung tây nêu ra, Trump chỉ áp thuế 10% đối với các sản phẩm năng lượng từ Canada, trong khi năng lượng nhập khẩu từ Mexico phải chịu mức thuế 25%.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Canada sẽ đáp trả bằng mức thuế 25% đối với 155 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm bia, rượu vang, gỗ xẻ và đồ gia dụng, bắt đầu với 30 tỷ đô la có hiệu lực vào ngày 2/2 và 125 tỷ đô la sau đó 21 ngày.

Trudeau cảnh báo công dân Mỹ rằng thuế quan của Trump sẽ làm tăng chi phí mua sắm thực phẩm và xăng dầu của họ, có khả năng khiến các nhà máy lắp ráp ô tô phải đóng cửa và làm hạn chế nguồn cung cấp các mặt hàng như niken, kali, urani, thép và nhôm. Ông kêu gọi công dân của mình từ bỏ việc đi du lịch đến Mỹ và tẩy chay các sản phẩm của Mỹ.

Hàng dài container xếp hàng chờ thông quan ở biên giới Mexico vào Mỹ - Ảnh: Reuters

Hàng dài container xếp hàng chờ thông quan ở biên giới Mexico vào Mỹ - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mexico - Claudia Sheinbaum, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, cho biết bà đang chỉ đạo bộ trưởng kinh tế của mình thực hiện các mức thuế trả đũa nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Canada và Mexico cho biết họ đang hợp tác để đối phó với thuế quan của Trump.

Bộ Thương mại Trung Quốc không nêu rõ các biện pháp đối phó đã lên kế hoạch. Tuyên bố của họ để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh.

"Trung Quốc hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét và xử lý vấn đề fentanyl và các vấn đề khác của riêng mình một cách khách quan và hợp lý", tuyên bố cho biết, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh muốn "tham gia vào cuộc đối thoại thẳng thắn, tăng cường hợp tác và quản lý những khác biệt".

Một tờ thông tin của Nhà Trắng cho biết mức thuế quan sẽ được duy trì "cho đến khi cuộc khủng hoảng lắng dịu", nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về những gì ba nước cần phải làm để Trump hoãn lại việc áp thuế.

Với gần 100 tỷ đô la vào năm 2023, lượng dầu thô nhập khẩu chiếm khoảng một phần tư tổng lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Canada, theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ.

Các nhà sản xuất ô tô sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với mức thuế quan mới cao đối với các loại xe được sản xuất tại Canada và Mexico gây gánh nặng cho chuỗi cung ứng khu vực rộng lớn, nơi các bộ phận có thể vượt biên giới nhiều lần trước khi được lắp ráp ở khâu cuối cùng.

Thông báo về thuế quan là lời đe dọa liên tục của Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 và kể từ khi nhậm chức, bất chấp cảnh báo từ các nhà kinh tế hàng đầu rằng một cuộc chiến thương mại mới với các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ sẽ làm xói mòn tăng trưởng kinh tế của Mỹ và toàn cầu, đồng thời làm tăng giá cho người tiêu dùng và các công ty.

Quyết định áp thuế của Trump có thể khiến nhiều mặt hàng như xăng dầu tại Mỹ trở nên đắt đỏ - Ảnh: Reuters

Quyết định áp thuế của Trump có thể khiến nhiều mặt hàng như xăng dầu tại Mỹ trở nên đắt đỏ - Ảnh: Reuters

Đảng Cộng hòa hoan nghênh tin tức này, trong khi các nhóm ngành và đảng Dân chủ đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về tác động đến giá cả.

Chủ tịch Hội đồng Thương mại đối ngoại Quốc gia Jake Colvin cho biết động thái của Trump đe dọa sẽ làm tăng chi phí của "mọi thứ từ quả bơ đến ô tô" và kêu gọi Mỹ, Canada và Mexico tìm ra giải pháp nhanh chóng để tránh leo thang.

Ba nước nên hợp tác với nhau để "có được lợi thế cạnh tranh và tạo điều kiện cho các công ty Hoa Kỳ có khả năng xuất khẩu sang thị trường toàn cầu" - Colvin cho biết trong một tuyên bố.

Các quan chức cấp tỉnh và giám đốc điều hành doanh nghiệp ở Canada cũng phản ứng phẫn nộ, kêu gọi áp dụng thuế quan mạnh đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế và Đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia để ủng hộ thuế quan, cho phép tổng thống có toàn quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt để giải quyết khủng hoảng.

Các luật sư thương mại cho biết Trump một lần nữa đang thử thách giới hạn của luật pháp Mỹ và thuế quan có thể phải đối mặt với các thách thức pháp lý, trong khi các nhà lập pháp đảng Dân chủ là Suzan DelBene và Don Beyer lên án những gì họ gọi là "một sự lạm dụng trắng trợn quyền hành pháp".

Các quan chức Nhà Trắng cho biết sẽ không có ngoại lệ nào đối với thuế quan và nếu Canada, Mexico hoặc Trung Quốc trả đũa hàng xuất khẩu của Mỹ, Trump có thể sẽ tăng thuế lên hơn nữa.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/ong-trump-no-phat-sung-chien-tranh-thuong-mai_173515.html
Zalo