3 xu hướng lớn 'định hình lại thế giới' mà ông Trump cần lưu tâm
Năm 2025, khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ 2, thế giới đang được định hình lại với 3 xu hướng lớn về nhân khẩu, sinh thái và AI.
Những kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể đối diện nhiều thách thức do những khác biệt đáng kể so với cách đây 8 năm vì một số xu hướng lớn “đang định hình lại thế giới”, chuyên gia Stewart Patrick của Quỹ Carnegie vì hòa bình thế giới bình luận.
Ông Patrick lưu ý rằng những xu hướng này không thuận lợi cho các kế hoạch của Tổng thống Trump và chính quyền mới tại Washington cần cân nhắc “khôn ngoan” để thuận theo, chứ không phải chống lại, “những dòng chảy mạnh mẽ” trong các vấn đề nhân khẩu, sinh thái và công nghệ.
Mất cân đối về nhân khẩu học đang thúc đẩy di cư
Đầu tiên, chuyên gia Patrick nhắc với vấn đề nhân khẩu học, lưu ý rằng tỉ suất sinh tại Mỹ chỉ ở mức 1,62 trẻ em trên một phụ nữ, tức là thấp hơn mức sinh thay thế.
Sự mất cân bằng nhân khẩu học là xu hướng lớn trên toàn cầu. Ở các nước giàu đang xảy ra tình trạng già hóa dân số, trong khi ở các nền kinh tế kém phát triển hơn, dân số vẫn bùng nổ.
Một hệ quả của tình trạng mất cân đối về mặt nhân khẩu học này là dòng người di cư hợp pháp cao hơn từ các quốc gia nghèo nhưng trẻ trung sang các quốc gia giàu có nhưng già hóa.
Tờ Washington Post ước tính, “để duy trì tăng trưởng kinh tế, Mỹ cần một lượng nhập cư vài triệu người mỗi năm”.
Tuy nhiên, chuyên gia Patrick lưu ý rằng các chính sách của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã hạn chế không chỉ người nhập cư bất hợp pháp, mà cả những người chuyển tới sống tại Mỹ một cách hợp pháp “mặc dù dòng người nhập cư này có tầm quan trọng trong việc ngăn chặn sự suy giảm dân số của Mỹ”.
Phó Tổng thống JD Vance đã công khai đặt ra mục tiêu khuyến khích người dân Mỹ sinh thêm nhiều con. Tuy nhiên, ông Patrick lưu ý rằng các chính sách khuyến khích sinh đẻ tại Mỹ lâu nay kém hiệu quả. Điều này cũng đặt ra nghi ngờ liệu đảng Cộng hòa có thể đưa ra các chính sách đáng tin cậy để giải quyết vấn đề này hay không.
Biến đổi khí hậu là thực tế, chứ không phải ‘trò lừa bịp’
Xu hướng lớn thứ hai mà chuyên gia Patrick nhắc tới là tình trạng khẩn cấp về sinh thái toàn cầu đang “ngày càng trầm trọng” liên quan biến đổi khí hậu.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), một nửa giá trị sản phẩm toàn cầu phụ thuộc vào những gì con người hưởng lợi từ thiên nhiên và hệ sinh thái. Tuy nhiên, hoạt động của con người đang phá hủy các nguồn lợi tự nhiên.
Ông Patrick lưu ý rằng chúng ta đang đầu tư vào vốn con người bằng giáo dục và y tế, vào vốn vật chất để phát triển đường sá, cảng biển. Ông cho rằng nhân loại cũng cần đầu tư vào “vốn tự nhiên” bằng những nguồn lực có quy mô tương đương Dự án Manhattan về phát triển vũ khí hạt nhân hay Chương trình Apollo về chinh phục vũ trụ.
Ông Patrick chỉ ra vấn đề của Tổng thống Trump nằm ở việc chính trị gia này cho rằng những lo ngại về biến đổi khí hậu chỉ là “trò lừa bịp”. Ông Trump còn cam kết tăng gấp đôi nhiên liệu hóa thạch, đi ngược lại các cam kết về cắt giảm khí thải.
Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), thế giới đang đi chệch hướng nghiêm trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015.
Ông Patrick lưu ý rằng mục tiêu cắt giảm khí thải 42% trong 5 năm tới và 57% vào năm 2035 có vẻ “hoàn toàn bất khả thi”.
Năng lực đầy hứa hẹn của AI cần được quản lý
Những đột phá công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), có tiềm năng lớn về mặt xã hội như thúc đẩy khám phá khoa học, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, cách mạng hóa giáo dục, cải thiện dịch vụ y tế, chống biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất lao động…
Tuy nhiên, nếu không có biện pháp quản lý thích hợp, việc mở rộng sử dụng AI có thể gây tình trạng thất nghiệp hàng loạt, phát tán thông tin sai lệch, làm suy yếu các nỗ lực bảo vệ quyền lợi người dân và kiểm soát vũ khí, hay thậm chí có thể đe dọa toàn nhân loại.
Ông Patrick lưu ý rằng “trong lịch sử, đối mới công nghệ thường vượt qua các nỗ lực quản lý” và ngày nay, khoảng cách giữa thực tiễn và năng lực quản lý còn bị kéo giãn hơn nữa khi cách chính phủ quan tâm nhiều hơn tới các lợi ích thương mại và địa chính trị.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu rủi ro liên quan AI và các công nghệ mới tại Mỹ “đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế”, song Tổng thống Trump có vẻ không đặt vấn đề này lên ưu tiên hàng đầu.
Ông Patrick cho rằng các quy định hiện tại để quản lý AI tại Mỹ vốn đã “khiêm tốn” nhưng ông David Sacks - cố vấn cho Tổng thống Trump về khoa học và công nghệ - đề xuất chính phủ sẽ xóa bỏ các rào cản pháp lý này để ủng hộ sự tự điều chỉnh của ngành.
Tổng thống Trump hôm 23-1 đã ký sắc lệnh mới, xóa bỏ các chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden. Chuyên gia Patrick dự đoán rằng nhiều khả năng, tân tổng thống Mỹ sẽ tăng cường cạnh tranh và chấm dứt các nỗ lực đối thoại song phương về an toàn AI với Trung Quốc.
Chuyên gia Patrick tin rằng trước 3 xu hướng lớn trên, chính quyền của Tổng thống Trump có thể “cố gắng điều hướng những dòng chảy này một cách hiệu quả và an toàn nhất có thể và, nếu có thể, định hình quỹ đạo dài hạn của chúng”.
Ông Patrick lưu ý rằng để vượt qua các thách thức này trong khi vẫn thực hiện chủ quyền quốc gia, Tổng thống Trump “phải hợp tác với các quốc gia khác và theo đuổi lợi ích của Mỹ ở các thể chế quốc tế”.