Ông Trump muốn tàu thuyền Mỹ được miễn phí đi qua kênh đào Suez và Panama
Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng cả kênh đào Panama lẫn kênh đào Suez sẽ 'không tồn tại' nếu không có Mỹ, đồng thời yêu cầu cho phép tàu thương mại và tàu quân sự Mỹ đi qua hai tuyến đường thủy chiến lược này hoàn toàn miễn phí.

Một tàu hàng đang di chuyển qua kênh Panama. Ảnh: Bloomberg.
Ông Trump nhiều lần bày tỏ ý định "giành lại" quyền kiểm soát kênh đào Panama, bằng biện pháp kinh tế hoặc quân sự nếu cần thiết. Trong hôm 26/4, mong muốn bảo vệ lợi ích "an ninh quốc gia" trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc của Trump đã mở rộng sang một tuyến đường khác – kênh đào Suez của Ai Cập, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ.
"Những con tàu Mỹ, cả quân sự lẫn thương mại, cần được quyền di chuyển miễn phí qua kênh đào Panama và Suez! Hai kênh đào này sẽ không tồn tại nếu không có Mỹ", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Ông cũng cho biết đã chỉ đạo Ngoại trưởng Marco Rubio "ngay lập tức xử lý và ghi nhớ tình huống này".
Tuy nhiên, ông Trump không giải thích rõ cách mà Hoa Kỳ đã "bảo đảm sự tồn tại" của kênh đào Suez – một công trình được lên ý tưởng, tài trợ và xây dựng vào những năm 1850 hoàn toàn không có sự tham gia của Mỹ. Ban đầu, kênh này do Pháp và Anh kiểm soát, sau đó chuyển giao cho Ai Cập, hoàn toàn không liên quan đến tài chính hay xây dựng của Mỹ. Mặc dù vậy, sau cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa Ai Cập và Israel, Mỹ đã dẫn đầu chiến dịch quốc tế gỡ mìn tại kênh đào này.
Còn đối với kênh đào Panama, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, đúng là Mỹ đã hoàn thành công trình này vào đầu thế kỷ 20 sau khi dự án của Pháp thất bại. Theo Hiệp ước Torrijos-Carter, Mỹ đã chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào cho Panama vào năm 1999, với cam kết rằng tuyến đường thủy này sẽ trung lập và mở cửa cho tất cả các quốc gia.
Ông Trump và các quan chức Mỹ cho rằng các hoạt động kinh tế của Trung Quốc – bao gồm cả dự án cơ sở hạ tầng và khai thác cảng – có thể vi phạm Hiệp ước Trung lập kênh đào Panama năm 1977, vốn cho Mỹ quyền "bảo vệ" tuyến đường này.
Các quan chức Panama trước đó đã bác bỏ những tuyên bố và đe dọa của ông Trump, trong khi Cơ quan quản lý kênh đào Panama khẳng định kênh đào do người Panama hoàn toàn vận hành, và không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc kiểm soát. Tổng thống Panama, ông Jose Raul Mulino, tuyên bố rằng kênh đào là "tài sản bất khả xâm phạm" của quốc gia và nhấn mạnh Panama duy trì toàn quyền kiểm soát.
Tuy nhiên, sau khi ông Rubio trực tiếp gửi tối hậu thư của ông Trump đến Panama vào tháng 2, Mulino đã nhượng bộ bằng cách từ chối gia hạn các thỏa thuận năm 2017 với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth thông báo rằng nhiều tàu Hải quân, lực lượng Bảo vệ bờ biển và máy bay của Mỹ đã được triển khai tại và quanh Panama, như một phần trong "những bước đi táo bạo đầu tiên để khôi phục quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai nước".