Ông Nguyễn Văn Được làm Chủ tịch UBND TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Được, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM vừa được bầu giữ chức Chủ tịch UBND Thành phố, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chiều 20/2, tại kỳ họp thứ 21 HĐND TP.HCM khóa X, ông Nguyễn Văn Được, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM được bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM.

Trước đó, HĐND Thành phố đã làm công tác miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP.HCM với ông Phan Văn Mãi để chuyển công tác khác. Cụ thể, ngày 18/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Mãi làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Tân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được. Ảnh: Trọng Tín.

Tân Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được. Ảnh: Trọng Tín.

Trình bày chương trình hành động, tân Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, trong năm 2025, ông sẽ cùng với tập thể Thường trực UBND Thành phố tập trung ngay rà soát, bổ sung triển khai giải pháp đột phá thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025.

Trong đó trọng tâm là tăng trưởng GRDP 8,5% trong năm 2025 và chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng TP.HCM đạt và vượt trên 10% trong những năm tiếp theo.

Triển khai theo tiến độ, hiệu quả các đầu việc Trung ương giao như thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp bộ máy; Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Chỉ thị số 35 về đại hội đảng bộ các cấp; giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài trên địa bàn; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng thời rà soát và chuẩn bị kế hoạch mang tính trung hạn để thúc đẩy các trọng tâm của TP.HCM trong giai đoạn 2026 - 2030.

Về nhiệm vụ lâu dài, ông sẽ cùng với tập thể Thường trực UBND Thành phố cam kết tập trung vào các mục tiêu căn cơ, phát triển Thành phố văn minh, hiện đại, hạnh phúc, nghĩa tình, đổi mới sáng tạo, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, cực tăng trưởng, mô hình phát triển tiên phong của TP.HCM trong vùng động lực phía Nam.

Đồng thời, khắc phục hạn chế, khó khăn đã được nhận diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Qua đó trong giai đoạn 2026 - 2030, tập trung vào 6 nhóm giải pháp trọng tâm.

Đầu tiên là triển khai các chương trình, giải pháp về quản lý và phát triển Thành phố, gắn với các kết quả thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy. Chẳng hạn như: Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Kế hoạch tổng kết Nghị quyết 131/QH về chính quyền đô thị TP.HCM và đề xuất ban hành Nghị quyết mới hoặc Luật về Chính quyền đô thị đặc biệt; hay Kế hoạch xây dựng 5 vùng đô thị theo Quy hoạch, gồm Thành phố trung tâm, TP. Thủ Đức và các khu Đông - Nam - Tây - Bắc).

Thứ hai là triển khai các chương trình, giải pháp về đô thị và phát triển hạ tầng gắn với liên kết Vùng Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chẳng hạn như Đề án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, kết hợp phát triển các vùng đô thị và các mô hình TOD hay Dự án cảng trung chuyển quốc tế gắn với không gian phát triển Vịnh Gành Rái và khu Thương mại tự do tại Cần Giờ.

Thứ ba là triển khai các chương trình, giải pháp về chuyển đổi mô hình kinh tế gắn với các kết quả triển khai của Trung ương về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Nghị quyết 57). Chẳng hạn như Kế hoạch phát triển kinh tế số với mục tiêu đạt 30% GRDP từ kinh tế số vào năm 2030 hay Kế hoạch xây dựng TP.HCM thành trung tâm dịch vụ lớn với mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ ASEAN trong 10 lĩnh vực vào năm 2030.

Thứ tư là triển khai các chương trình, giải pháp về phát triển văn hóa xã hội, giải quyết tốt các vấn đề an sinh, xã hội, môi trường của một đô thị lớn. Chẳng hạn như: Kế hoạch phát triển giáo dục TP.HCM với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực ASEAN vào năm 2030 hay Kế hoạch chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân thành phố.

Thứ năm là triển khai các chương trình, giải pháp để huy động nguồn lực trong giai đoạn 2026 - 2030, dự ước gần 5 triệu tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trên 1,2 triệu tỷ đồng, các nguồn vốn xã hội gần 3,8 triệu tỷ đồng. Chẳng hạn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; thực hiện đề án TOD, kết hợp sắp xếp và khai thác hiệu quả tài sản công.

Cuối cùng là triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội-củng cố quốc phòng; thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế; hoạt động liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Chẳng hạn như Chiến lược nâng tầm Công tác đối ngoại của TP.HCM; thúc đẩy xây dựng Quỹ hạ tầng Vùng Đông Nam Bộ.

Trọng Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ong-nguyen-van-duoc-lam-chu-tich-ubnd-tphcm-d248115.html
Zalo