'Ông lớn' xăng dầu hưởng lợi 9.700 tỷ đồng, cửa hàng bán lẻ thua lỗ
Từ việc Bộ Công Thương ban hành thông tư không rõ ràng đã dẫn đến tình trạng thương nhân đầu mối mua bán xăng dầu tự mua hưởng phần lớn tiền chiết khấu/chênh lệch trong suốt 5 năm với số tiền khoảng 9.700 tỷ đồng, kéo theo chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ bị giảm, thậm chí không còn. Đây là một trong những nguyên đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán, gây gián đoạn nguồn cung.
Kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách và pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xăng dầu, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra những bất cập về quy định quyền được mua/bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối với nhau và mua bán giữa thương nhân phân phối với nhau tại Thông tư số 38/2014/TT-BCT.
Cụ thể, TTCP cho rằng, từ việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã quy định không cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu. Thậm chí quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau là trái quy định của khoản 12 Điều 13 và Điều 15 Nghị định này; đồng thời vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo kết luận thanh tra, đến 31/10/2022, một số thương nhân đầu mối KDXD vẫn nợ Ngân sách Nhà nước số tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 6.323 tỷ đồng, thế nhưng lại cho các cá nhân vay, nợ hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức thường xuyên kê khai sai, thiếu thông tin về thuế bảo vệ môi trường, dẫn đến tăng thêm 3.287 tỷ đồng trong 3 năm (từ năm 2018 đến hết năm 2021). Tuy nhiên, công ty này đã cho ông Chu Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch HĐQT công ty (mẹ ông Khoa) mượn số tiền trên 7.485 tỷ đồng.
Theo TTCP, điều này dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu (KDXD) bị phá vỡ; “biến” thương nhân đầu mối KDXD thành thương nhân phân phối. Bởi trách nhiệm của thương nhân đầu mối KDXD là phải thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, khi mua bán xăng dầu, thương nhân đầu mối đã chuyển sang vai trò của thương nhân phân phối, có cơ hội để mua bán qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông. (Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phúc làm trung gian mua bán xăng dầu để hưởng chênh lệch giá hàng tỷ đồng).
Ngoài ra, việc thương nhân đầu mối KDXD mua bán với nhau và thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau tạo ra tầng nấc trung gian, dẫn đến việc hưởng chiết khấu, chênh lệch giá. Điều này đã dẫn đến việc một phần tiền chiết khấu và chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối KDXD. Trong vòng 5 năm (2017-2022), đã xảy ra tình trạng một số thương nhân đầu mối KDXD mua bán xăng dầu, hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá khoảng 9.700 tỷ đồng; trong khi đó, một số thương nhân phân phối chỉ hưởng hơn 75 tỷ đồng.
Hệ quả của tình trạng trên là chiết khấu của đại lý, cửa hàng bán lẻ giảm đi, thậm chí không còn. Đây là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.
“Khi thương nhân đầu mối KDXD dừng không mua - bán xăng dầu với nhau, dẫn tới gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xăng dầu trong nước” - kết luận thanh tra chỉ rõ.
Quản lý lỏng lẻo
Vẫn theo TTCP, từ 1/1/2017 đến 30/6/2022, Bộ Công Thương đã cấp tổng cộng 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không bao gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Một trong những điều kiện để được cấp phép là phải có kho, bể xăng dầu hoặc thuê từ đơn vị khác trong thời gian từ 5 năm trở lên, theo Nghị định 83/2014. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã thuê kho theo mùa vụ để đáp ứng yêu cầu cấp phép. Sau khi được cấp phép, nhiều doanh nghiệp đầu mối không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng dầu, với nhiều hợp đồng thuê kho không phát sinh gửi hàng.
Kết luận thanh tra nêu rõ, Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát và quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các vi phạm trong duy trì điều kiện kho, bể chứa và hệ thống phân phối. Chính vì thế, trong khoảng gần 5 năm từ 2017 đến tháng 9/2022, một số thương nhân phân phối xăng dầu đã bán xăng dầu sai quy định cho một số thương nhân đầu mối với khối lượng 828.963 m3 xăng dầu để hưởng chiết khấu và chênh lệch giá bất hợp pháp với số tiền 950 tỷ đồng. Điều này đã gây ảnh hưởng đến chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ.
Ngoài ra, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã không tạo nguồn xăng dầu theo nghĩa vụ, và trách nhiệm theo quy định dẫn tới ảnh hưởng nguồn cung và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu cho thị trường.