Mức sinh thấp, TP.HCM nỗ lực khuyến khích sinh đủ 2 con

Để thực hiện khuyến khích sinh không đơn giản chỉ là thay đổi về số con mà quan trọng là chế độ hỗ trợ các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con.

Vợ chồng chị Đào Mộng Tuyền (35 tuổi, ngụ TP.HCM) hiện có một bé trai 5 tuổi. Chị chia sẻ muốn sinh 2 con nhưng lo khó mà chăm lo tốt cho cả hai nên anh chị thống nhất tập trung nuôi dạy tốt một con.

Chỉ dám sinh 1 con vì... sợ đủ thứ

Thu nhập của vợ chồng chị Tuyền khoảng 40 triệu đồng/tháng, sau khi trả góp mua nhà, tiền chợ, tiền học của con, chăm sóc cha mẹ hai bên... còn dư từ 5-6 triệu đồng. Khoản này chị để riêng phòng khi bất trắc, cha mẹ hoặc con ốm đau phải đi bệnh viện.

“Con trẻ càng lớn chi phí càng tăng nên nhiều bạn bè, người quen của tôi dù muốn sinh thêm nhưng cũng dừng ở một con. Nếu được hỗ trợ về viện phí, học phí, tiền sữa, tạo điều kiện về nhà ở... có lẽ các cặp vợ chồng ở TP sẽ mạnh dạn sinh thêm con" - chị Tuyền chia sẻ.

Anh Nguyễn Đức Danh (48 tuổi, ngụ Cần Thơ) cho biết vợ chồng anh quyết định chỉ sinh một con vì đã lớn tuổi, anh chị sợ rằng lúc con vào đại học thì mình không lo được cho con.

“Tôi mải làm ăn nên lập gia đình muộn, giờ muốn sinh đứa thứ 2 cũng khó vì tuổi đã lớn. Khi sinh con, vợ tôi chịu rất nhiều áp lực về công việc, chăm sóc con cái. Vợ chồng tôi thống nhất chỉ sinh một con để tập trung nuôi dạy con gái 10 tuổi được tốt nhất trong khả năng” - anh Danh bày tỏ.

 Tổng tỉ suất sinh tại TP.HCM giảm còn 1,3 con/phụ nữ vào năm 2023. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tổng tỉ suất sinh tại TP.HCM giảm còn 1,3 con/phụ nữ vào năm 2023. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Báo động đỏ do tỉ suất sinh giảm

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM năm 2022 cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới khoảng 30 và nữ giới khoảng 28 tuổi, tăng lần lượt 3-4 tuổi so với 20 năm trước.

Theo TS Nguyễn Thị Hoài Hương, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình trong đời của phụ nữ) tại TP.HCM giảm nhẹ từ 1,45 con/phụ nữ giai đoạn 2010-2015 xuống còn 1,3 con/phụ nữ vào năm 2023. Đây là một báo động đỏ cho việc khuyến khích sinh để duy trì mức sinh thay thế, từ đó duy trì số lượng dân số bền vững trong tương lai.

Theo bà Hương, xu hướng độ tuổi kết hôn tăng lên trong khi tỉ suất sinh giảm nhẹ lý giải mối quan hệ giữa kết hôn muộn và xu hướng sinh ít con hơn của phụ nữ tại TP.HCM.

Ngoài ra, tỉ lệ kết hôn cũng giảm và độ tuổi sinh con đầu lòng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021, tỉ lệ kết hôn ở độ tuổi từ 20-29 đã giảm 15% so với năm 2010, trong khi độ tuổi sinh con đầu lòng trung bình tăng lên khoảng 30 tuổi.

 TP.HCM đang khuyến khích sinh để duy trì mức sinh thay thế trong bối cảnh tỉ suất sinh giảm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

TP.HCM đang khuyến khích sinh để duy trì mức sinh thay thế trong bối cảnh tỉ suất sinh giảm. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Vấn đề kết hôn muộn và tỉ lệ sinh thấp đang là những thách thức nghiêm trọng đối với TP.HCM trong duy trì mức tăng dân số và phát triển bền vững. Cơ cấu gia đình ngày càng nhỏ gọn, tỉ lệ sinh tự nhiên biến động theo hướng giảm, trong khi tuổi kết hôn và sinh con trung bình gia tăng.

"Kết hôn muộn, sinh ít con là xu hướng chung ở các đô thị lớn nói chung và TP.HCM nói riêng. Điều này xuất phát từ thay đổi về nhận thức của giới trẻ đối với học vấn, sự nghiệp và các trải nghiệm cá nhân.

Nếu không có các chính sách khuyến khích sinh kịp thời, xu hướng này sẽ dẫn đến sự thiếu hụt dân số trẻ trong tương lai, gia tăng gánh nặng chăm sóc người cao tuổi và áp lực lên hệ thống an sinh xã hội" - bà Hương nhấn mạnh.

 HĐND TP.HCM thống nhất chính sách phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần bằng tiền là 3 triệu đồng. Ảnh: NGUYỆT NHI

HĐND TP.HCM thống nhất chính sách phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần bằng tiền là 3 triệu đồng. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP.HCM thưởng tiền khi sinh đủ 2 con

Mới đây, HĐND TP.HCM khóa X đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết quy định về chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn. Trong đó, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần bằng tiền là 3 triệu đồng.

ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho rằng mức hỗ trợ 3 triệu đồng này không phải là giải pháp duy nhất trong việc giải bài toán khuyến khích sinh, cũng không phải là giải pháp tài chính lâu dài.

"Đây là khoản hỗ trợ một phần chi phí khi thăm khám thai kỳ và đồng chi trả sau khi được BHYT thanh toán lúc sinh con. Chính sách khuyến khích sinh này là bước đầu thể hiện sự quan tâm của TP đối với các cặp vợ chồng đã chung tay thực hiện việc sinh đủ hai con, góp phần giải quyết bài toán mức sinh thấp của TP” - ông Trung giải thích.

Để giải quyết câu chuyện mức sinh thấp, ông Trung nhận định cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của người dân. Đặc biệt, cần có những chính sách cụ thể về an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, y tế, đời sống, nhà cửa, thuế thu nhập cá nhân... để các cặp vợ chồng yên tâm sinh đủ hai con.

"TP cũng đã thông qua nghị quyết về miễn học phí cho gần 500.000 học sinh trung học cơ sở. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giải quyết câu chuyện mức sinh thấp" - ông Trung thông tin.

Cũng theo ông Trung, khuyến khích sinh không đơn giản chỉ là sự thay đổi về số con mà quan trọng nhất là chế độ hỗ trợ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi kết hôn và sinh con. Hiện TP.HCM đang xây dựng các đề xuất chính sách đặc thù cho vùng có mức sinh thấp.

"Việc TP cẩn trọng trong áp dụng các giải pháp khuyến khích sinh con chính là do sự khác biệt ở các nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ như nhóm mong muốn có con nhưng không dám sinh, nhóm lựa chọn không có con, nhóm vô sinh và hiếm muộn và các nhóm khác" - ông Trung nói thêm.

Đồng bộ các chính sách khuyến khích sinh

Để giải quyết vấn đề kết hôn muộn và khuyến khích sinh con, cần triển khai đồng bộ nhiều chính sách. Cụ thể, các khoản trợ cấp tiền mặt, giảm thuế hoặc hỗ trợ chi phí sinh hoạt, đặc biệt là trong những năm đầu sau khi sinh con. Thiết lập các gói vay ưu đãi, đầu tư và phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng trẻ.

Ngoài ra, cần mở rộng hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em công lập, đồng thời giảm chi phí cho các dịch vụ này. Khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chính sách về giờ làm việc linh hoạt, chế độ nghỉ phép cho cha mẹ hoặc khu vực trông giữ trẻ ngay tại nơi làm việc.

Kết hợp các chính sách an sinh xã hội như BHYT, bảo hiểm thai sản và các chương trình hỗ trợ giáo dục mầm non nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cặp vợ chồng trẻ.

TS NGUYỄN THỊ HOÀI HƯƠNG, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/muc-sinh-thap-tphcm-no-luc-khuyen-khich-sinh-du-2-con-post825393.html
Zalo