Cần thận trọng với rủi ro lạm phát

Với mức tăng CPI 3,63% năm 2024, Việt Nam đã thành công kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 10 năm liên tiếp. Năm 2025, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động lên chỉ số này nên cần hết sức cẩn trọng với rủi ro lạm phát.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã phục hồi rõ nét, ước đạt 7,09%, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,63%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị. Năm 2025, Việt Nam sẽ phải xử lý không ít thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.

Năm 2025, lạm phát đứng trước nhiều áp lực nhưng có thể được kiểm soát như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Năm 2025, lạm phát đứng trước nhiều áp lực nhưng có thể được kiểm soát như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Tăng trưởng kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm, thậm chí suy giảm trong năm 2025; sự phát triển nhanh của các công nghệ mới một mặt mang lại cơ hội, mặt khác cũng đặt ra thách thức không nhỏ nếu Việt Nam không sớm có cách tiếp cận hiệu quả. Đặc biệt, phấn đấu tăng trưởng cao là yêu cầu quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng vào năm 2030 và 2045, song chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát tốt.

Cụ thể là khi đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%, Việt Nam cần cảnh giác với các nguy cơ gây lạm phát. Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa rồi cũng đưa ra cảnh báo lạm phát toàn cầu có thể tăng trở lại vào năm 2025 và các quốc gia cần có biện pháp để kiềm chế.

Năm 2025, Quốc hội và Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%. Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu này không quá nặng nề tuy nhiên cũng không nên chủ quan vì bối cảnh kinh tế xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tạo áp lực lên lạm phát.

Về mục tiêu này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, dựa trên các yếu tố thuận lợi bất lợi trên thế giới/trong nước tác động lên lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2025 sẽ từ 4,2%-4,5% (nếu không xảy ra các yếu tố đột biến).

Để kiểm soát lạm phát năm 2025 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì, chỉ đạo các bộ, ban, ngành xây dựng và báo cáo các phương án tăng giá các mặt hàng thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục...) với mức độ tăng và thời điểm cụ thể để xem xét quyết định về mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, chủ động, đồng bộ, thống nhất bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cần sớm có phương án, lộ trình điều chỉnh giá đầy đủ, đồng bộ, thống nhất giữa các mặt hàng để tránh bị động trong ban hành và thực thi chính sách về giá. Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng, dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, Tết nhằm hạn chế tăng giá. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

PGS, TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Kiểm soát chi tiêu công và thâm hụt ngân sách giúp giảm áp lực vay nợ, từ đó ổn định CPI. Quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu. Đẩy mạnh sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa. Kiểm soát nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa thận trọng, hạn chế bội chi ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Nhà nước kiểm soát giá các mặt hàng như xăng dầu, điện, thực phẩm, thuốc men để tránh tăng giá đột biến…

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/can-than-trong-voi-rui-ro-lam-phat-i757009/
Zalo