'Ông lớn' ngành năng lượng Czech đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam
Một trong những thương vụ gây chú ý thời gian gần đây là AES - Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ bán 51% cổ phần sở hữu tại Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương II (Quảng Ninh) cho 'ông lớn' đến từ CH. Czech là Se.ven Global Investments (Sev.en GI), đánh dấu mốc quan trọng trong kế hoạch gia nhập thị trường châu Á của Tập đoàn đến từ châu Âu này.
Ông Gabriel Staněk, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Sev.en GI đã chia sẻ với Thế giới và Việt Nam về thương vụ này.
Theo ông, mối quan hệ bền chặt giữa CH. Czech và Việt Nam đang đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển kinh tế của hai nước?
Chúng ta đều thấy Việt Nam và CH. Czech là hai quốc gia có lịch sử quan hệ lâu dài, kể từ khi chính thức thiết lập vào ngày 2/2/1950. Trên chặng đường gần 75 năm, chúng tôi – một doanh nghiệp tiêu biểu của Cộng hòa Czech vô cùng vinh dự và tự hào khi trở thành một người bạn của đất nước Việt Nam.
Dù hai đất nước của chúng ta cách rất xa nhau về mặt địa lý nhưng luôn có sự thân tình, gần gũi. Cộng hòa Czech cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên công nhận cộng đồng người Việt là cộng đồng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn cho người Việt có thể yên tâm sinh sống, làm việc và học tập tại đất nước chúng tôi.
Tôi nhận thấy tương lai đầy tiềm năng giữa Việt Nam và CH. Czech. Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác về chính trị, văn hóa, quốc phòng, hai nước chúng ta cũng đang tăng cường các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế. Đại sứ quán Czech tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Czech cũng thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong các hoạt động này.
Dự án Nhà máy nhiệt điện than Mông Dương II là một trong những dự án lớn nhất của CH. Czech vào Việt Nam cũng như của châu Âu đầu tư vào ngành năng lượng tại đây. Chúng tôi tin rằng, những hoạt động như vậy sẽ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu kinh tế, đầu tư giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Với cá nhân tôi, Đại sứ Czech tại Việt Nam – ông Hynek Kmoníček là một Đại sứ tuyệt vời, một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm. Trước khi trở thành Đại sứ tại Việt Nam, ông từng là Đại sứ Czech tại Hoa Kỳ, trước đó là Đại sứ Czech tại Australia, Liên hợp quốc (UN).
Đại sứ Hynek Kmoníček hiểu rõ nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và luôn sẵn tinh thần hỗ trợ nhiệt tình. Ông cũng tham gia rất nhiều cuộc họp, đặc biệt là với các bộ ngành, cơ quan chính phủ của Việt Nam để thể hiện rõ sự hỗ trợ của chính phủ Czech đối với cộng đồng doanh nghiệp. Những cuộc họp cấp cao nhất của chúng tôi trong thương vụ Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương II, Đại sứ đều có mặt và hỗ trợ chu đáo.
Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về hoạt động kinh doanh của Sev.en Global Investments trên thế giới? Các lĩnh vực chính mà Tập đoàn đang tập trung là gì và tiềm năng phát triển của các lĩnh vực này ở Việt Nam?
Hiện nay, Tập đoàn chúng tôi đang tham gia hoạt động trong một số lĩnh vực sản xuất chính: phát điện, khai khoáng và sản xuất thép. Sev.en GI cũng vừa mua lại một nhà máy sản xuất thép xanh để phục vụ nhu cầu của Anh và Na Uy.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang kinh doanh hoạt động khai khoáng tại Hoa Kỳ, đặc biệt tập trung vào khai thác than phục vụ cho công nghiệp luyện kim; khai thác mỏ và nhà máy phát điện tại Australia; nhà máy sản xuất phân Kali…
Trên toàn cầu, chúng tôi đang tham gia rất sâu vào lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, sản xuất sắt thép. Chúng tôi hiện có những dự án quy mô từ 500 tỷ Euro cho đến 1.000 tỷ Euro.
Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương II là dự án đầu tiên của Tập đoàn chúng tôi tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục phê duyệt và chờ cấp phép. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sẽ có thêm những lĩnh vực mà Tập đoàn có thể mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực năng lượng, “khẩu vị” đầu tư của các doanh nghiệp Cộng hòa Czech tại Việt Nam là gì?
Các doanh nghiệp Czech rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Về "khẩu vị" đầu tư, tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng công ty khi họ mong muốn tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại, tôi được biết bên cạnh lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp CH. Czech cũng đang quan tâm các lĩnh vực như mỏ, khai khoáng, sản xuất thép…
Dự án Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương II có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế và ngành năng lượng của Việt Nam?
Dự án là một trong những nguồn phát điện quan trọng và chắc chắn sẽ đóng góp cho an ninh năng lượng của Việt Nam. Tập đoàn chúng tôi hiện đang tập trung duy nhất vào dự án Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương II nên khó có thể đưa ra những bình luận hay đánh giá về chiến lược năng lượng chung của Việt Nam vào thời điểm này.
Quan điểm của ông về kinh doanh gắn với phát triển bền vững và Tập đoàn sẽ thực hành ESG tại Việt Nam ra sao?
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực đi đầu về các tiêu chuẩn về môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp (Environmental - Social – Governance - ESG). Theo đó, bắt đầu từ năm 2025, tất cả những doanh nghiệp đặt trụ sở trong khối EU sẽ phải áp dụng quy tắc ESG của khu vực và chắc chắn chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc những quy định này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng và thực hành ESG tại Việt Nam giống như những nhà máy khác tại các khu vực trên thế giới. Chuyển dịch năng lượng là một quá trình, cho đến khi chúng ta chuyển hoàn toàn sang năng lượng xanh, chúng ta vẫn phải đảm bảo được an ninh và sự ổn định về năng lượng, đó chính là lý do các nhà máy nhiệt điện than như Mông Dương II vẫn đang đóng một vai trò quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Thương vụ mua lại toàn bộ 51% cổ phần của Tập đoàn năng lượng hàng đầu nước Mỹ AES Corporation tại Nhà máy Nhiệt điện than Mông Dương II của Sev.en Global Investments là giao dịch lớn thứ hai của doanh nghiệp này, chỉ sau thương vụ mua lại 51% của nhà máy luyện kim Coronado Global Resources tại Australia hồi tháng 9/2023.
Trước đó, Nhà máy Mông Dương II thuộc sở hữu của Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương, là dự án 100% đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức BOT.
Nhà máy nhiệt điện BOT đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ lò hơi đốt than phun, có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất 1.242 MW đã đi vào hoạt động từ năm 2015 và sẽ được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam vào năm 2040, sau 25 vận hành.