Khánh Vĩnh: Ngổn ngang sau mưa lũ
Do đợt mưa kéo dài cuối tháng 12-2024, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh chịu nhiều thiệt hại về hệ thống đường giao thông, đất sản xuất và hoa màu… Đặc biệt, một số tuyến đường trong khu dân cư, vào khu sản xuất bị sạt lở; kênh mương nội đồng bị sập; đường ống nước sạch bị đứt gãy… đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Sạt lở nghiêm trọng đường vào thôn Tà Gộc
Mới đây, chúng tôi trở lại thôn Tà Gộc (xã Khánh Thượng) khi trời đã bắt đầu nắng ráo sau đợt mưa kéo dài. Tuy vậy, những vết tích thiệt hại do mưa lũ vẫn còn hiển hiện trước mắt. Từ trục đường chính dẫn vào thôn cho đến một số đoạn đường vào khu sản xuất vẫn bị sạt lở chưa thể khắc phục. Dọc bờ sông Máu, nhiều diện tích đất vườn của người dân bị sạt lở, cây ăn quả đổ xuống nằm chỏng chơ dưới lòng sông…
Trên con đường bê tông dẫn vào thôn Tà Gộc, điểm sạt lở nghiêm trọng nhất có chiều dài khoảng 100m, toàn bộ mặt đường bê tông sập xuống sông Máu, ăn sâu vào vườn mía của dân khoảng 5 - 7m. Cách đó không xa, ở một nhà dân gần bờ sông, phần công trình phụ đã bị sụp xuống sông, căn nhà chính đã bị nứt tường và nghiêng, có thể đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Do đó, hộ dân đã được di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn. Tan trường, em Hà Ghi (thôn Tà Gộc, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Văn Tám, xã Khánh Thượng) vất vả điều khiển xe đạp điện theo lối đi được chính quyền địa phương mở tạm trong vườn mía của người dân dọc đoạn đường bị sạt lở để trở về nhà. “Từ khi đoạn đường này bị sụp xuống sông, đi lại qua đây rất nguy hiểm nên cháu phải rất cẩn thận để bảo đảm an toàn”, em Hà Ghi chia sẻ. Do đoạn đường bị sạt xuống sông, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm nên thời gian qua, UBND xã cho giăng dây và lập chốt canh trực cả 2 phía để cảnh báo và hướng dẫn người dân qua lại nhằm đảm bảo an toàn.
Vượt qua lối đi tạm bên đoạn đường bị sạt lở, chúng tôi theo con đường bê tông huyết mạch tiến sâu vào vùng quy hoạch Khu du lịch sinh thái Thác Bầu và khu sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đến đoạn đỉnh dốc cách vùng quy hoạch Khu du lịch Thác Bầu khoảng 1km thì phải dừng lại, bởi một khối lượng đất, đá rất lớn sạt lở từ đỉnh đồi vùi lấp đoạn đường với chiều dài khoảng 30m. Mé núi phía đông bị sạt lở, tạo nên bờ taluy cao hàng chục mét, trên đó vẫn còn nhiều tảng đá chênh vênh có nguy cơ sẽ lăn xuống bất cứ lúc nào. Lúc chúng tôi có mặt, tại ví trí này có 1 chiếc máy xúc đang xúc đất để giải phóng mặt đường, nhiều xe máy người dân đi làm vườn ở phía bên kia con dốc cũng phải để lại tại đây. Ông Trần Văn Quang (Tổ 5 thị trấn Khánh Vĩnh) cho biết: “Từ khi đoạn đường này bị đất, đá sạt lở vùi lấp, không có loại phương tiện nào có thể đi qua. Nhà có máy xúc nên tôi đã sử dụng xúc đất, san gạt để sớm giải phóng mặt đường cho bản thân cũng như người dân đi lại vào khu sản xuất. Với khối lượng đất, đá khoảng 1.000m3 nên việc giải phóng mất rất nhiều thời gian”.
Nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Trong đợt mưa kéo dài vừa qua, trên địa bàn xã Liên Sang, nhiều tuyến đường ống nước sinh hoạt bị hư hỏng, nặng nhất là tuyến ống vượt sông Cái dẫn nước về thôn Bầu Sang bị đứt gãy hoàn toàn. Điểm đứt gãy nằm dưới lòng sông, mực nước dâng cao nên phương án khắc phục triệt để đến nay vẫn chưa thể triển khai. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân, UBND xã đã sớm huy động lực lượng phối hợp với đơn vị quản lý, vận hành hệ thống nước sạch tiến hành khắc phục tạm. Ông Cao Liễn - Trưởng thôn Bầu Sang cho biết: “Trên địa bàn thôn có hơn 200 hộ dân. Khi đường ống nước bị hư hỏng, xã, thôn và đơn vị quản lý đã rất nỗ lực khắc phục để người dân có nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do chỉ mới khắc phục tạm thời nên lượng nước dẫn về chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Vì thế, người dân chủ động tận dụng các vật dụng để trữ nước mưa để dùng”.
Theo bà Cao Thị Dui - Chủ tịch UBND xã Liên Sang, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã thiệt hại đáng kể về các công trình dân sinh như: Hệ thống nước sinh hoạt, đường giao thông, mương thủy lợi. Trong đó, hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng nhiều tuyến, nặng nhất là đoạn vượt sông dẫn về thôn Bầu Sang. “Địa phương đã có thống kê thiệt hại và báo cáo lên huyện. Những tuyến đường ống nước sinh hoạt bị hư hỏng ở trên cạn đã khắc phục xong, riêng đoạn vượt sông Cái phải chờ nước sông rút cạn mới có thể khắc phục triệt để nhằm đảm bảo nước sinh hoạt cho hơn 200 hộ dân thôn Bầu Sang”, bà Dui cho biết thêm.
Nhiều khu vực sạt lở đất sản xuất
Từ vị trí đoạn đường bê tông bị sạt xuống sông ở thôn Tà Gộc xuôi theo dòng sông Máu, chúng tôi ghi nhận rất nhiều khu vực đất sản xuất của người dân bị sạt lở, có đoạn kéo dài hàng trăm mét, cuốn theo nhiều cây cối, hoa màu xuống sông. Quan sát về phía đối diện, chúng tôi thấy khu đất vườn dài hàng trăm mét dọc bờ sông có bờ taluy dựng đứng, dưới sông có nhiều cây bưởi nằm chỏng chơ. “Đây là điểm sạt lở nhiều nhất trong khu vực trong đợt mưa lũ vừa qua. Dọc khu vườn tiếp giáp bờ sông là một hàng cây keo, nhưng toàn bộ số keo đã bị đổ xuống sông, rồi sạt lở tiếp vào vườn bưởi. Do đây là đoạn sông uốn lượn, lại có độ dốc lớn nên mùa mưa nước chảy xiết và tạo dòng xoáy, đất vườn hai bên bờ rất dễ bị sạt lở. Thời gian qua, khu vực này đã bị sạt lở rất nhiều nên lòng sông bây giờ mới rộng lớn như vậy”, một người dân trong khu vực cho biết. Ngoài khu vực nói trên, dọc bờ sông Cái qua thôn Suối Cát (xã Khánh Thượng) cũng có nhiều điểm sạt lở, đang có nguy cơ ảnh hưởng đến đường giao thông.
Ngoài ra, đợt mưa lũ vừa qua cũng làm hư hại hệ thống kênh mương nội đồng của các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của người dân. Ông Phan Hải Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết: “Hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn thôn Ba Dùi được xây dựng đã lâu, đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đợt mưa lũ vừa qua đã làm sập hoàn toàn 2 đoạn có chiều dài 30m. Chúng tôi đã báo cáo lên huyện và kiến nghị hỗ trợ địa phương khắc phục. Trước mắt, có thể khắc phục tạm những đoạn bị sập, về lâu dài phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống kênh mương này để bảo đảm tưới tiêu cho cánh đồng”.
Từ thực trạng nêu trên, UBND huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương kiểm tra, đề xuất giải pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trong đó, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và địa phương kiểm tra, đề xuất giải pháp khắc phục thiệt hại đối với các công trình, khu vực sạt lở: Hệ thống nước sinh hoạt xã Liên Sang; hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Cầu Bà; kè phía sau trụ sở UBND xã Sơn Thái; kênh mương tại cánh đồng Ba Dùi, xã Khánh Bình; sạt lở bờ sông Cái, thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng; sạt lở tại thôn Tà Gộc, xã Khánh Thượng; cầu tràn đường dân sinh tại thôn Bố Lang, xã Sơn Thái; đường bê tông vào khu sản xuất thác Bầu, xã Khánh Thượng.