Ông già lười
Lê Hữu Trác còn có tên là Lê Hữu Huân (1724 - 1791), người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Đó là quê cha, còn ông được sinh ra trên quê mẹ, làng Bầu Thượng, xã Tinh Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh tư liệu
Ở thế kỷ XVIII - Thế kỷ đầy biến động chính trị trong xã hội phong kiến nước ta, trong khi có không ít kẻ thỏa chí “đục nước béo cò” để kiếm lời bất chính hoặc tiến thân trong chốn quan trường thì có một con người suốt 20 năm “làm nhà ở nơi vắng người, đóng cửa đọc sách, tìm hết sách của mọi nhà, ngày đêm nghiên cứu, một khi được câu cách ngôn của bậc tiền hiền thì ghi lại để suy nghĩ; những câu nào lý lẽ ở ngoài câu nói mà suy ra được thì lại tìm cho rộng ra, như vòng tròn không có đầu mối để biết được đến cùng”, nhưng lại luôn tự nhận mình là người lười, người đời cho là chuyện lạ. Cũng chính người ấy, trong cuộc đời 71 mùa xuân, sau ngót nghét 30 năm loay hoay với việc tiến thân như những kẻ tầm thường khác, hết học văn (Nho học) lại quay sang học võ, rồi đầu quân vào lính mà vẫn không tìm được bến đỗ, đã dành cả thời gian 40 năm cuối đời với bao lao tâm khổ tứ để viết nên hàng vạn trang Bách khoa thư để lại cho đời, nhưng lại vẫn tự nhận mình là người lười thì, lại càng là chuyện xưa nay hiếm, nếu không muốn nói là “vô tiền khoáng hậu”.
Nhưng tất cả đó lại là chuyện thật 100%. Đó chính là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - bậc “thánh y” của Việt Nam.
Lê Hữu Trác còn có tên là Lê Hữu Huân (1724 - 1791), người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Đó là quê cha, còn ông được sinh ra trên quê mẹ, làng Bầu Thượng, xã Tinh Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Gia tộc ông, cả bên nội và bên ngoại đều có truyền thống khoa bảng.
Thân phụ Lê Hữu Trác là ông Lê Hữu Mưu, đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm đến chức Thị lang Bộ Công, dưới triều vua Lê Dụ Tông, được phong tước bá, khi chết được truy phong hàm Thượng thư. Thân mẫu ông là bà Bùi Thị Thưởng, con gái của tướng công Bùi Diệm Đăng.
Ông nội Lê Hữu Trác là Tiến sĩ Lê Hữu Danh, làm đến chức Hiến sứ, được phong tước bá. Bác ruột của Lê Hữu Trác là Tiến sĩ Lê Hữu Hỷ, làm Giám sát Ngự sử, tước bá. Chú ruột Lê Hữu Trác là Tiến sĩ Lê Hữu Kiểu, làm Thượng thư Bộ Lễ, tước Quận công. Anh ruột Lê Hữu Trác là Lê Hữu Kiển và em con chú là Lê Hữu Dung cũng đều đỗ Tiến sĩ và làm quan to trong triều.
Thủa nhỏ, cậu Chiêu Bẩy (Lê Hữu Trác là con thứ 7 trong gia đình) nổi tiếng thông minh, sáng dạ, ham học. Song, không phải ngay từ trẻ gia đình cũng như bản thân ông đã có ý tưởng theo nghề làm thuốc cứu nhân độ thế. Ông có khiếu văn chương, trong thời gian được cha cho lên học ở Kinh thành Thăng Long, đã nổi tiếng khắp kinh thành về học giỏi, biết rộng và ứng khẩu thành thơ. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng ông đã cùng các bạn văn lập ra một thi xã ở Hồ Tây để tụ tập vui chơi, cùng nhau xướng họa văn thơ. Tài thơ văn của ông đã được người đời nhớ đến và gọi ông là “Nhà thơ Lý Đỗ phong lưu”, được Chúa Trịnh hết lòng yêu mến. Vào năm 20 tuổi, cha ông không may qua đời, ông phải bỏ dở việc học hành, về quê chịu tang cha và chăm sóc mẹ già. Chính trong khoảng thời gian ở quê này đã có một tác động mạnh đến tư tưởng, tình cảm và chí nguyện của ông. Ông bỏ nghiệp văn chương, theo học võ, sau đó xung vào quân đội và tham gia trận mạc, lập nhiều võ công hiển hách, được vua chúa nhiều lần ban bổng lộc, giữ lại Kinh đô. Song, ông đều từ chối. Bởi những năm tháng tham gia chiến trận đã giúp ông thấu hiểu sự phi lý của cuộc chiến huynh đệ tương tàn đó chỉ phục vụ quyền lợi ích kỷ của giai cấp thống trị mà không mang lại lợi lộc gì cho nhân dân. Trái lại, nó chỉ đem đến sự đau khổ, chết chóc và đất nước điêu tàn. Vì vậy, Lê Hữu Trác kiên quyết từ bỏ con đường làm quan, công danh phú quý.
Lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già, ông xin ra khỏi quân đội, trở về ẩn dật ở quê mẹ. Được nghiên cứu một cách thấu đáo bộ sách “Phùng thị cẩm nang bí lục” của Danh y Phùng Triệu Trương và được một thầy thuốc giỏi có tên là Trần Độc quê ở Nghệ An hết lòng giúp đỡ, cứu chữa khỏi bệnh và truyền nghề, Lê Hữu Trác đã khai sáng tâm can, nhận thấy “làm một thầy thuốc giỏi còn hơn tu thành tiên, thành Phật” vì vậy đã quyết tâm theo nghề y để trị bệnh cứu người: “Tôi bỏ nghề Nho, theo nghề thuốc, 20 năm nằm gai nếm mật cố để biết được y lý, còn việc đời hay dở, tôi coi như đám mây trên đỉnh núi”. Ông tự lấy hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (Hải là Hải Dương, Thượng là Thượng Hồng quê cha, Bầu Thượng quê mẹ; Lãn Ông - Ông già lười) để mai danh ẩn tích, xa lánh với danh lợi, để thực hiện lý tưởng hiến thân trọn đời cho sự nghiệp y học. Sự nghiệp đó không phải để kiếm tiền, để cầu danh mà để cứu đời, để đạt tới đỉnh cao khoa học. Lê Hữu Trác đi sâu vào cả hai phương diện lý thuyết và thực hành; nghĩa là, vừa trực tiếp chữa bệnh, vừa tổng kết kinh nghiệm chữa bệnh theo y học cổ truyền, những bài thuốc hay và tìm ra những bài thuốc mới, phương pháp chữa bệnh mới, viết sách truyền lại cho hậu thế.
Về phương diện trực tiếp chữa bệnh, cứu người, Lê Hữu Trác không quản sớm hôm, mưa nắng, tận tụy với người bệnh mà không đòi hỏi, vòi vĩnh gì. Chẳng những thế, đối với những người bệnh không đủ tiền thuốc, ông chữa bệnh miễn phí luôn. Bệnh nhân của ông phần lớn là những người dân lao động nghèo trong vùng, từ người đánh cá đến người nông dân, người buôn bán nhỏ,... Y đức của Lê Hữu Trác được người đời hết mực ca ngợi.
Tiếng tăm y đức và tài chữa bệnh của ông ngày một lan rộng, bay tới tận Kinh thành Thăng Long. Cùng thời gian này, cha con Chúa Trịnh là Trịnh Sâm và Trịnh Cán do ăn chơi vô độ, bị bệnh nặng đã lâu ngày mà bao thái y trong cung và nhiều danh y nổi tiếng ở Kinh thành đều bó tay. Năm 1781, nghe danh Lê Hữu Trác chữa bệnh nổi tiếng đất Lam Hồng, Chúa Trịnh Sâm đã chiếu chỉ triệu ông ra Kinh thành để chữa bệnh cho mình và Thế tử Trịnh Cán. Mặc dù trong lòng không muốn, nhưng cuối cùng ông vẫn phải từ giã gia đình, học trò khăn gói rời Hương Sơn. Lúc này ông đã 62 tuổi, sức lại yếu. Sau khi xem mạch, kê đơn thuốc, chữa trị khỏi bệnh cho cha con Chúa Trịnh Sâm xong, mặc dù được Nhà Chúa vị nể, trọng dụng, ban thưởng lớn, có ý lưu lại Kinh thành, nhưng Lê Hữu Trác viện cớ, vẫn một mực xin về quê. Biết là không giữ được Lê Hữu Trác, một năm sau, Chúa Trịnh đã đồng ý để ông trở về Hương Sơn (nhằm ngày 2 tháng 11 năm 1782).
Với mong muốn “trước thuật sâu rộng để cắm cờ đỏ trong y giới”, “ôm cái chí muốn đi đến tận cội nguồn”, Lê Hữu Trác đi sâu nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm y học do các bậc tiền nhân để lại để truyền lại cho hậu thế. Lê Hữu Trác đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu, biên soạn sách về y học dân tộc. Sau hơn 10 năm thực hành và thu thập kinh nghiệm, ông bắt tay vào biên soạn bộ sách nổi tiếng “Y tôn tâm lĩnh”, gồm 66 quyển. Từ khi bắt đầu trang bản thảo đầu tiên đến khi hoàn thành bộ sách, Hải Thượng Lãn Ông đã phải mất 30 năm trời lao tâm khổ tứ. Công trình được đánh giá cao, được xem là bộ Bách khoa toàn thư y học của Thế kỷ XVIII. Bởi, bộ sách đã kế thừa có phê phán, chỉnh lý những trước tác y học của nhiều thế hệ danh y trước ông, đồng thời có những sáng tạo, đóng góp mới của chính Lê Hữu Trác.
Công trình này có 3 điều cốt yếu nhất, là:
- Giải thích rõ chân lý y học Việt Nam về cơ bản là khác với Trung Quốc;
- Nghiên cứu cây thuốc và phương pháp chữa bệnh bằng cây thuốc trong vườn nhà, trên đồng ruộng, núi rừng đất Việt (Nam dược trị Nam nhân);
- Chép lại những bệnh nan y mà Lê Hữu Trác đã chữa trị khỏi, được gọi là Dương án và những bệnh chưa chữa được (đến thời ông), gọi là Âm án để đời sau rút kinh nghiệm.

Lễ đón nhận Nghị quyết của UNESCO vinh danh Hải Thượng Lãn Ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Ảnh: Báo QĐND
Trong công trình này, Lê Hữu Trác ngoài phần kế thừa 497 vị Thuốc Nam mà “Vị Tổ của nghề y Việt Nam” Tuệ Tĩnh đã phát hiện và tổng kết, là phần đóng góp mới của Lê Hữu Trác. Đó là hơn 300 vị thuốc được ông phát hiện mới và bổ sung công dụng. Công trình trên thêm một lần nữa khẳng định nước ta có một nguồn dược liệu vô cùng phong phú, đem lại khả năng “Nam dược trị Nam nhân”.
Khi Hải Thượng Lãn Ông còn sống, mặc dù sách này chưa được khắc in và phổ biến, nhưng nó đã được người đời chép tay, truyền nhau đọc và dùng nó để chữa bệnh, rất hiệu nghiệm. Mãi 155 năm sau khi Lê Hữu Trác hoàn thành bộ sách vô cùng quý giá này, nó mới được khắc in. Nhân dân tôn ông là “Thánh thuốc”, là “Đại Y tôn Việt Nam”. Đương thời, khi Lê Hữu Trác còn sống, để tỏ lòng biết ơn cứu mạng, nhiều người đã lập đền thờ, thờ sống ông.
Ngoài việc chữa bệnh, nghiên cứu, viết sách, Lê Hữu Trác còn mở trường dạy nghề thuốc, học trò theo học rất đông.
Cả cuộc đời Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là tấm gương sáng, là bài học lớn về Y đức, về Đạo hành nghề. Những cách ngôn mà ông tự đặt để tự trau mình và cũng để dạy những người lấy việc trị bệnh cứu người làm xứ mệnh cao cả của ông năm xưa, đến nay vẫn đúng, muôn năm đúng.
Bên cạnh những tượng đài đó, tác phẩm “Thượng Kinh ký sự” phản ánh những nét chính yếu trong sinh hoạt của Chúa Trịnh cùng tầng lớp phong kiến quý tộc ở Thăng Long cho thấy Lê Hữu Trác còn là một cây viết ký sự, một nhà văn có tài, một tượng đài văn học nước ta ở Thế kỷ XVIII.
Người xưa nói, chữa được bệnh chứ không ai chữa được mệnh. Câu này cũng ứng với “Ông già lười”. Hải Thượng Lãn Ông qua đời ngày 25 tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại quê mẹ - Bầu Thượng - Hương Sơn. Mộ ông, nay còn nằm ở cạnh khe nước dưới chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Tên hiệu của ông - Hải Thượng Lãn Ông đã được đặt tên phố ở Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố lớn trên cả nước. Tên ông được đặt cho một bệnh viện lớn: Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác.
Ông đã vinh dự được UNESSCO Vinh danh là Danh nhân văn hóa Thế giới.
Khu mộ, Khu lưu niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở Hương Sơn được cấp Bằng xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Được như vậy là bởi ông suốt đời... lười theo thế tục và bon chen danh lợi: “Công danh trước mắt trôi như nước/ Nhân nghĩa trong lòng chẳng đổi phương”.
Được như vậy là bởi chỉ nhờ ông... “không tham” đó thôi!