Ông Biden cảnh báo Ấn Độ sẽ không có lợi khi mua thêm dầu của Nga
Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 11/4, Tổng thống Joe Biden kêu gọi New Delhi không gia tăng sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Reuters dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho hay, trong cuộc hội đàm kéo dài 1 tiếng đồng hồ với Thủ tướng Narendra Modi, Tổng thống Joe Biden cảnh báo vị thế của Ấn Độ trên thế giới sẽ không được nâng cao nếu phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga.
Ông Biden đã đề nghị giúp Ấn Độ thu mua dầu và năng lượng khác từ các nguồn khác. Mỹ và các đồng minh đã nỗ lực trong nhiều tháng để ngăn chặn nguồn thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki sau đó cũng cho biết: “Tổng thống Joe Biden đã nói rõ ràng rằng việc gia tăng điều đó không có lợi cho họ".
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã bác câu hỏi về việc nước này mua năng lượng từ Nga. Ông nói rằng trọng tâm nên tập trung vào châu Âu, không phải Ấn Độ. "Có lẽ tổng số lần mua hàng của chúng tôi trong tháng sẽ ít hơn những gì châu Âu làm trong một buổi chiều", ông nói.
Cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Washington tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn từ New Delhi trong việc lên án và gây áp lực kinh tế đối với Nga liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine.
Ấn Độ là thành viên thuộc nhóm "Bộ Tứ" - QUAD (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản). Quốc gia Nam Á này đã cố gắng cân bằng mối quan hệ với Nga và phương Tây, song không giống như các thành viên khác của QUAD, nước này không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Ấn Độ từ lâu đã phụ thuộc vào Nga về khí tài quân sự. New Delhi gần đây đồng ý mua một lượng dầu thô của Nga với giá chiết khấu, một quyết định không được lòng Mỹ và một số đồng minh khi các quốc gia này đang đẩy mạnh chiến dịch trừng phạt toàn diện đối với Nga. Trong tháng 3, lượng dầu xuất khẩu từ Nga sang Ấn Độ đã tăng gần gấp 4 lần so với năm 2021 - lên tới 360.000 thùng/ngày.
Bất chấp sức ép từ Mỹ và các đồng minh, chính quyền Tổng thống Modi cố gắng giữ thái độ trung lập - không chỉ trích Nga, đồng thời kêu gọi đàm phán và tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.
Hôm 11/4, Thủ tướng Narendra Modi cũng cho biết, trong các cuộc điện đàm gần đây, ông đã đề nghị rằng Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp.