Ổn định phúc lợi cho người lao động
Theo đánh giá của các ĐBQH, việc duy trì kinh phí công đoàn là một yếu tố quan trọng không chỉ giúp tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả mà còn bảo đảm nguồn lực để công đoàn khẳng định được trách nhiệm, vai trò của mình để tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Duy trì và cải thiện cơ chế tài chính công đoàn
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã nêu ra nhiều nội dung và đề xuất mới, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn và quy định mức đóng kinh phí công đoàn trong bối cảnh mới, nhằm bảo đảm tính minh bạch, công khai và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Một trong những điểm được chú ý của dự thảo là đề xuất giữ nguyên mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo đó, doanh nghiệp vẫn phải đóng góp 2% tổng quỹ lương, tương tự như quy định hiện hành.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, việc duy trì và cải thiện cơ chế tài chính công đoàn rất quan trọng để tiếp tục bảo vệ quyền lợi của người lao động; đồng thời, thúc đẩy phát triển bền vững của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: mức đóng kinh phí 2% đã được áp dụng từ năm 1957, nhằm bảo đảm nguồn tài chính cho tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Do vậy, tỷ lệ 2% là phù hợp với thực tế và đóng góp vào việc bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động.
Qua khảo sát tại các công đoàn cơ sở cũng cho thấy, nguồn kinh phí công đoàn này chủ yếu chăm lo cho người lao động vì số tiền được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm gần 75%) để chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động. Trong đó, chi cho phúc lợi, đại diện, chăm lo, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động chiếm hơn 84% tổng số chi. Do vậy, việc giữ nguyên mức đóng này được đánh giá cần thiết để bảo đảm không gây ra cú sốc về phúc lợi cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức công đoàn đang nỗ lực thu hút và bảo vệ quyền lợi của đoàn viên.
Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ
Đồng tình với việc tiếp tục duy trì mức đóng 2%, ĐBQH chuyên trách Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, việc tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn như quy định tại dự thảo Luật là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như: tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí công đoàn đối với tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn tại Điều 30, nên khi thực hiện chính sách này nguồn thu từ kinh phí công đoàn dự kiến sẽ giảm hơn. Mặc dù vậy, khi đó công đoàn cấp trên vẫn thực hiện hỗ trợ, bảo vệ và duy trì quyền lợi cho đoàn viên, người lao động tại công đoàn cơ sở thuộc trường hợp tạm dừng, miễn, giảm đóng kinh phí.
“Do đó, việc luật hóa và tiếp tục duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn như quy định của dự thảo luật là hết sức cần thiết, bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, người lao động; trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp”, đại biểu Trần Nhật Minh khẳng định.
Theo Khoản 4 mục III Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới có nêu nhiệm vụ, giải pháp “… Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Do vậy, một số ĐBQH cho rằng, việc tiếp tục quy định mức đóng 2% tại dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW, phù hợp với Khoản 2 Điều 32 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ đề nghị xây dựng luật.
Báo cáo công tác quản lý tài chính công đoàn và quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức Công đoàn giai đoạn 2013 - 2023 phục vụ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) của Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi báo cáo Quốc hội đã báo cáo chi tiết về phân phối tài chính công đoàn và tổng hợp số liệu chi tài chính công đoàn trong 10 năm. Trong đó, về phân phối tài chính công đoàn: Nguồn thu tài chính công đoàn giai đoạn 2013 - 2023 được phân phối cho công đoàn cơ sở là chủ yếu. Việc tăng mức phân phối tài chính công đoàn giúp cấp công đoàn cơ sở có thêm nguồn lực để chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và người lao động, tạo tiền đề trong triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.