Oman - Sứ giả hòa bình
Những ngày qua, thế giới ghi nhận tín hiệu tích cực khi nhiều điểm nóng được xoa dịu. Cùng với nỗ lực xuống thang căng thẳng của các bên liên quan, phải kể đến vai trò của những nước trung gian hòa giải, làm cầu nối cho đối thoại, trong đó có Oman, quốc gia được mệnh danh là 'sứ giả' hòa bình.
Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Oman (ONA), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng mô tả Oman là “người kiến tạo hòa bình”. Không phải ngẫu nhiên khi người đứng đầu Liên hợp quốc dành mỹ từ trên tặng Oman, đất nước nhỏ bé ở vùng Vịnh. Nhiều năm qua, với chính sách ngoại giao hòa hảo, quốc gia này đóng vai trò cầu nối tích cực, góp phần quan trọng xoa dịu nhiều mối quan hệ căng thẳng tại khu vực Trung Đông và trên thế giới.
Vai trò đó ngày càng được thể hiện rõ nét, khi thời gian vừa qua, cái tên Oman liên tục được nhắc đến bên cạnh những bước tiến đến hòa bình. Mới đây nhất, cùng với những nỗ lực hòa giải của Oman, sau nhiều tháng xung đột căng thẳng, Mỹ và lực lượng Houthi tại Yemen đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đỏ. Bước tiến tích cực này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế, bởi những “sóng gió” liên tiếp trên Biển Đỏ thời gian qua không chỉ kéo theo bất ổn an ninh tại Trung Đông, mà còn làm đảo lộn hoạt động thương mại và vận tải biển toàn cầu.
Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jasem Mohamed AlBudaiwi khẳng định, kết quả nêu trên là minh chứng sống động cho thấy vai trò quan trọng của Oman trong duy trì an ninh và ổn định khu vực.
Một sự kiện khác thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế thời gian gần đây là ba vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran, được tổ chức thông qua vai trò trung gian của Oman.
Các cuộc đàm phán đều ghi nhận kết quả tích cực, là bước tiến quan trọng khi đánh dấu cấp độ liên lạc cao nhất giữa Tehran và Washington kể từ khi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) bị đổ vỡ và quan hệ song phương rơi vào cục diện đối đầu căng thẳng. Lý giải nguyên nhân chọn Oman là nhịp cầu kết nối với Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi khẳng định, Tehran tin tưởng vào sự thiện chí và kinh nghiệm của Muscat.
Đây không phải lần đầu Oman tham gia vào nỗ lực hòa giải mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Iran và các nước phương Tây. Năm 2013, Oman đã tổ chức đàm phán trực tiếp bí mật giữa Mỹ và Iran, đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán đa phương tiếp theo, dẫn đến kết quả Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Ðức) ký kết JCPOA vào năm 2015.
Những dấu ấn nổi bật khác có thể kể đến là Oman đã tổ chức một số vòng đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận thả 5 công dân Mỹ bị Iran giam giữ để đổi lấy việc Tehran được tiếp cận 6 tỷ USD bị phong tỏa tại Hàn Quốc. Oman cùng Trung Quốc và Iraq cũng thúc đẩy thành công thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran.
Việc liên tiếp được tin tưởng lựa chọn trở thành trung gian hòa giải cho những xung đột phức tạp đã giúp tăng cường tiếng nói của Oman không chỉ tại khu vực Trung Đông, mà trên trường quốc tế. Những nỗ lực bền bỉ của Oman góp phần củng cố vị thế nước này như một bên điều phối trong khu vực và là một đối tác quốc tế then chốt đóng vai trò xây dựng trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Giới phân tích nhận định, vai trò “sứ giả hòa bình” được Oman xây dựng dựa trên cơ sở chính sách đối ngoại cân bằng, dựa trên tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp, cùng có lợi và khả năng duy trì lòng tin của các bên. Việc kiên trì giữ thế trung lập cũng giúp Oman không bị cuốn vào vòng xoáy xung đột khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Oman Sayyid Badr Albusaidi nhấn mạnh, nước này luôn nỗ lực phát huy vai trò trung gian để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra xung đột trong khu vực.
Năm 2025, thế giới kỷ niệm 80 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc chiến tàn khốc gây ra vô vàn đau thương, mất mát cho nhân loại. Hơn lúc nào hết, thế giới đang cần những “sứ giả hòa bình” như Oman góp phần xây cầu nối, hàn gắn rạn nứt, gìn giữ nền hòa bình đã phải đánh đổi bằng bao xương máu.