Viện trợ cho Ukraine gián đoạn chưa từng có và động thái tiếp theo của Mỹ
Tính đến nay, đã hơn 120 ngày kể từ lần cuối Mỹ công bố gói viện trợ vũ khí mới cho Ukraine. Đây là khoảng thời gian dài hơn cả khoảng thời gian Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson từng trì hoãn viện trợ cho Kiev hơn 1 năm trước.
Viện trợ gián đoạn chưa từng có
Trong suốt hơn 1.000 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, cựu Tổng thống Joe Biden luôn duy trì đều đặn các đợt hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm hàng trăm pháo tự hành cùng hàng triệu viên đạn, hàng chục nghìn tên lửa dẫn đường và các hệ thống phòng không tiên tiến nhằm giúp Ukraine chống lại các đợt tấn công của Nga.
Trong thời gian đó, câu hỏi đặt ra không phải là liệu Mỹ có tiếp tục gửi vũ khí hay không mà là loại vũ khí đó tiên tiến đến mức nào và có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga ra sao.

Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành về phía quân đội Nga trên tiền tuyến gần Chasov Yar. Ảnh: Reuters
Ngoại lệ duy nhất là giai đoạn 119 ngày bắt đầu từ tháng 12/2023, khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ngăn cản việc đưa gói viện trợ mới ra bỏ phiếu tại Hạ viện. Quyết định này đã đẩy Ukraine vào tình thế nguy cấp khi nguồn đạn dược gần như cạn kiệt, gây bất mãn trong Nhà Trắng, Quốc hội và dư luận phương Tây thời điểm đó.
Ngày 9/5 đánh dấu một cột mốc ảm đạm mới, đó là ngày thứ 120 kể từ khi Mỹ thông báo gói viện trợ gần nhất vào ngày 8/1, vượt qua cả thời gian trì hoãn trước đó của ông Johnson.
Tại Lầu Năm Góc, bầu không khí im lặng bao trùm. Trước đây, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Biden, các buổi họp báo về viện trợ quân sự thường xuyên được tổ chức với các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD được công bố liên tục.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Pete Hegseth nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào cuối tháng 1/2025, dù cam kết sẽ xây dựng “Bộ Quốc phòng minh bạch nhất trong lịch sử", chính quyền mới chỉ tổ chức duy nhất một cuộc họp báo trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump.
Tại cuộc họp đó, không có bất kỳ thông báo nào liên quan đến viện trợ bổ sung cho Ukraine và chỉ có những phát biểu mơ hồ về việc ủng hộ một lệnh ngừng bắn.
Văn phòng của ông Hegseth cũng không phản hồi khi được hỏi liệu ông có dự định sử dụng phần ngân sách 3,85 tỷ USD còn lại mà Quốc hội đã phê duyệt để hỗ trợ Ukraine từ kho dự trữ quốc phòng hay không.
Lập trường khác biệt của 2 chính quyền
Vào tháng 2/2025, ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, ông Donald Trump đã đưa ra một đề nghị mang tính trao đổi: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải đồng ý chia sẻ khoáng sản chiến lược với Mỹ nếu muốn tiếp tục nhận được viện trợ vũ khí.
Ngày 28/2, khi ông Zelensky đến Nhà Trắng với hy vọng giành được sự hỗ trợ cần thiết về khí tài - nơi từng đón tiếp ông nồng hậu dưới thời chính quyền trước, nhà lãnh đạo Ukraine đã phải đối mặt với những lời công kích gay gắt từ Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance. Tất cả đều diễn ra công khai, ngay trên sóng truyền hình trực tiếp.
Hiện chưa rõ liệu hai nhà lãnh đạo có trao đổi thêm sau đó hay không, cho đến khi họ gặp lại nhau trực tiếp tại Rome trong lễ tang Giáo hoàng Francis vào cuối tháng 4. Tại Vương cung thánh đường St. Pete, ông Trump và ông Zelensky được nhìn thấy trò chuyện riêng trong khoảng 15 phút. Động thái này khiến một số người Ukraine hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ sớm cung cấp thêm viện trợ cho Kiev. Trong bối cảnh đó, Ukraine buộc phải tăng cường dựa vào các đồng minh châu Âu cũng như đẩy mạnh phát triển năng lực công nghiệp quốc phòng trong nước.
Mối quan hệ từng được xem là bền chặt giữa Mỹ và Ukraine nay đang có dấu hiệu bị gác lại.
Trong gần 4 tháng trì hoãn của ông Johnson, chính quyền ông Biden vẫn nỗ lực gây áp lực lên Quốc hội và duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tháng 11/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã đến Kiev để khẳng định rằng Mỹ chưa từ bỏ Ukraine.
3 tháng sau đó, Lầu Năm Góc chỉ có thể xoay xở để công bố một gói viện trợ trị giá 300 triệu USD, được mô tả là “giải pháp tạm thời” và “không đủ để đáp ứng nhu cầu chiến trường".
“Thiếu nguồn tài trợ bổ sung sẽ rất khó để Mỹ đáp ứng các yêu cầu năng lực của Ukraine trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh tấn công", Lầu Năm Góc cho hay.
Đến tháng 4/2024, ông Johnson cho phép Hạ viện bỏ phiếu thông qua gói viện trợ mới và Lầu Năm Góc tiếp tục chuyển vũ khí tới Kiev. Quân đội Ukraine bắt đầu giành lại những vị trí đã mất trong thời gian bị gián đoạn viện trợ. Tổng cộng, chính quyền ông Biden đã gửi 74 gói viện trợ quân sự trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Động thái tiếp theo của Mỹ
Hiện nay, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đang hoàn tất một đề xuất về lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Ukraine. Nếu bị từ chối, các bên sẽ phối hợp áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết hôm 9/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày giữa Nga và Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng Washington cùng các đối tác sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt nếu lệnh ngừng bắn không được tuân thủ.
Ukraine đã bày tỏ sẵn sàng chấp thuận đề xuất của Mỹ. Trong khi đó, Nga đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày, từ 8 - 10/5, nhằm kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến II.
“Chúng tôi vẫn chưa hoàn tất đề xuất cuối cùng nhưng hiện đang ở thời điểm có khả năng đạt được đồng thuận”, nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết.
Theo nguồn tin này: “Điều có thể xảy ra trong vài giờ hoặc vài ngày tới là một thông báo về lệnh ngừng bắn hoặc kéo dài 30 ngày, hoặc theo từng khu vực. Vấn đề này hiện vẫn đang được thảo luận".
Trong những tuần gần đây, Pháp, Anh và Đức đã tích cực tăng cường phối hợp với Washington. 2 tuần trước, các nước châu Âu đã phản đối một số đề xuất của Mỹ về cách thức chấm dứt xung đột tại Ukraine và đưa ra các đề xuất thay thế, liên quan đến vấn đề lãnh thổ cũng như trừng phạt.
“Chúng ta đang đi đến giai đoạn mà sẽ không cần chờ phản hồi chính thức từ Moscow để tiến hành đề xuất chung về lệnh ngừng bắn", nguồn tin trên tiết lộ.
Nguồn tin cho biết các bên vẫn đang tranh luận về việc liệu có nên đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn hay cho Nga một khoảng thời gian ngắn để phản hồi. Tuy nhiên, nếu Moscow từ chối, Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ phối hợp áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Hiện hai bên đang tiến hành điều phối các gói trừng phạt chung.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot, người đã đến Washington vào tuần trước để hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, có mặt tại Ukraine vào ngày 9/5.
Theo nguồn tin này, các cuộc đàm phán chính trị và kỹ thuật giữa châu Âu và Mỹ đã được đẩy nhanh kể từ tuần trước. Tổng thống Trump và ông Macron điện đàm vào ngày 8/5 để thảo luận về đề xuất ngừng bắn.
“Chúng tôi cảm nhận rõ trong các cuộc trao đổi với phía Mỹ rằng họ đang có sự bức xúc nhất định trước thái độ của Nga, cụ thể là sự thiếu phản hồi và thiếu nghiêm túc đối với những đề xuất trước đó. Quyết định gần như đã được đưa ra", nguồn tin trên nhận định.