Ô tô nối đuôi xếp hàng dài từ sáng sớm chờ đăng kiểm ở Hà Nội
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, một số trung tâm đăng kiểm của Hà Nội ghi nhận lượng phương tiện tới kiểm định tăng đột biến. Từ sáng sớm các ô tô đã nối đuôi xếp hàng dài chờ đến lượt đăng kiểm.
Chưa đến 7h sáng ngày 7/5, tại Trung tâm Đăng kiểm 29.08D (Hoài Đức, TP Hà Nội), hàng chục xe đã xếp hàng dài chờ kiểm định.
Ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29.08D cho biết, sau dịp nghỉ lễ, lượng xe đến kiểm định tăng lên.
“Trước đây trung bình mỗi ngày trung tâm khám 90 - 100 xe. Sau nghỉ lễ, mỗi ngày trung tâm nhận 170 xe. Lượng xe đông nên thời gian chờ đợi lâu hơn trước, trung bình khoảng 2 giờ”, ông Sinh thông tin.

Ô tô xếp hàng chờ vào đăng kiểm tại Trung tâm 29.08D. Ảnh: N. Huyền
Dự báo lượng xe đến đăng kiểm còn tiếp tục tăng. Trong khi đó, ông Sinh chia sẻ, mặc dù có 3 dây chuyền kiểm định nhưng trung tâm hiện nay còn 6 đăng kiểm viên, chỉ phục vụ được tối đa 160-180 xe/ngày.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung tâm Đăng kiểm 29.03V (Đống Đa, Hà Nội). Ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, lượng xe bắt đầu tăng từ đầu quý 2 (tháng 4) nhưng sau nghỉ lễ 30/4 - 1/5 mới tăng đột biến.
Trong các ngày 5-6/5, xe xếp hàng kín sân trung tâm, kéo dài đến chân cầu vượt đối diện Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Ô tô đỗ kín sân Trung tâm 29.03V vào sáng 7/5. Ảnh: N. Huyền
Theo ông Hoan cho biết: “Trong tháng 4, lượng xe tới kiểm định chỉ chiếm khoảng 80% công suất của trung tâm, nhưng từ đầu tháng 5 đã tăng thêm 30 - 40%.
Từ ngày 5/5 đến nay, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận 210 - 230 xe, trong khi công suất phục vụ chỉ là 180 xe. Đơn vị phải tăng cường nhân lực, làm thêm giờ để phục vụ người dân”.
Theo ghi nhận tại các trung tâm đăng kiểm, nguyên nhân lượng xe gia tăng là do bắt đầu bước vào “cao điểm” chu kỳ kiểm định. Đây cũng là thời điểm nhóm xe miễn kiểm định cách đây 2 năm đã đến hạn đăng kiểm.
Một số xe bị từ chối kiểm định
Ông Trần Nguyên Sinh cho biết, tại Trung tâm 29.08D, khoảng 5% số xe đến kiểm định bị từ chối do 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, xe dính lỗi phạt nguội mà chưa nộp phạt.
Thứ hai, chủ phương tiện chưa cập nhật quy định về các loại giấy tờ cần mang. Theo Thông tư 47, những phương tiện thế chấp ngân hàng cần có bản sao công chứng đăng ký xe (trước đây cần giấy biên nhận đi đường).
Thứ ba, do có sự sai khác thông tin xe trên hệ thống giữa đăng ký và đăng kiểm.
Trong 3 nguyên nhân trên, xe dính lỗi phạt nguội chiếm nhiều nhất. Theo ông Trần Quốc Hoan, tại Trung tâm 29.03V, có những trường hợp mắc lỗi từ năm 2017, 2018 mà chủ phương tiện không biết.

Dòng ô tô xếp hàng chờ đến lượt đăng kiểm. Ảnh: N. Huyền
Ông Hoan cho biết, nguyên nhân là do trước đây trung tâm chỉ tra phạt nguội trên trang của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, theo Thông tư 47 (có hiệu lực từ 1/1/2025), xe đủ điều kiện đăng kiểm khi đã khắc phục xong lỗi phạt nguội được công bố trên trang của Cục Cảnh sát giao thông.
Từ ngày 1/1 đến nay, trung tâm từ chối đăng kiểm cho 1 trường hợp chưa khắc phục lỗi phạt nguội từ năm 2017, 5 xe mắc lỗi từ 2018, còn lại chủ yếu từ 2022, 2023, 2024.
Cá biệt, vừa qua trung tâm từ chối 1 trường hợp mắc lỗi phạt nguội chưa khắc phục từ năm 2024 nhưng vẫn qua được đăng kiểm lần trước.

Cán bộ đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: N. Huyền
Cụ thể, qua tra cứu lịch sử phát hiện tài xế này mắc lỗi phạt nguội hôm trước thì hôm sau đưa phương tiện đi đăng kiểm. Trên hệ thống cảnh báo chưa kịp cập nhật nên phương tiện vẫn được kiểm định. Sau 1 năm đến hạn đăng kiểm, lỗi phạt nguội được cập nhật trên hệ thống.
Để tránh những tình huống phải đi lại nhiều lần, ông Hoan khuyến cáo chủ phương tiện nên kiểm tra lỗi phạt nguội trên hệ thống cảnh báo của Cục Cảnh sát giao thông trước khi đi đăng kiểm.
Đồng thời, chủ phương tiện nên đi đăng kiểm sớm, tránh đi vào những chu kỳ cao điểm rơi vào các tháng trong quý 2, quý 4 hằng năm.