Ô tô nhập khẩu giảm mạnh: Cơ hội cho ai?
Lượng ô tô nhập khẩu giảm có thể tạo động lực cho các nhà sản xuất ô tô trong nước gia tăng về thị phần, thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa để cạnh tranh về giá.
Doanh số ô tô giảm vào đầu năm 2025
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2025 có 7.226 ô tô nguyên chiếc các loại đã được các doanh nghiệp nhập khẩu về nước, giảm 43,9% so với tháng liền trước, kéo kim ngạch nhập khẩu xuống còn 163 triệu USD, giảm 46,2%.
Cùng với đó, báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường tháng 1/2025 chỉ đạt 18.893 chiếc, giảm 40% so với tháng 12/2024.

Thị trường ô tô nhập khẩu có diễn biến mới trong đầu năm 2025. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Được, phụ trách kinh doanh tại một đại lý của Toyota (Hà Nội) cho biết, doanh số thị trường ô tô trong tháng đầu năm 2025 sụt giảm mạnh là điều dễ dự đoán do sức mua đã bắt đầu chững lại từ tháng 12/2024 khi ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước hết hiệu lực.
Hơn nữa, dịp Tết Nguyên đán năm nay rơi vào cuối tháng 1/2025 nên cũng ảnh hưởng phần nào đến doanh số toàn thị trường nói chung. “Trong tháng cận Tết, người tiêu dùng thường hạn chế chi tiêu cho những tài sản có giá trị lớn như ô tô hay nhà cửa, thay vào đó họ ưu tiên dành ngân sách cho các khoản khác như mua sắm Tết, du lịch… Với tâm lý này, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu, tránh tình trạng hàng tồn kho cao trong giai đoạn sức mua chưa phục hồi”, anh Nguyễn Văn Được chia sẻ.
Trao đổi thêm với phóng viên báo Công Thương về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, bên cạnh yếu tố chính sách, biến động tỷ giá tiền tệ cũng phần nào tác động đến thị trường ô tô. Giá xe nhập khẩu tăng làm người mua cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định xuống tiền.
Đồng thời, theo ông Nguyễn Thường Lạng, đầu năm Âm lịch thường là thời điểm các hãng xe tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, vì vậy khách hàng có xu hướng tạm hoãn quyết định mua xe, chờ đợi các đợt giảm giá hoặc dòng xe mới ra mắt.
Cơ hội cho các nhà sản xuất ô tô trong nước
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, khi lượng ô tô nhập khẩu giảm, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng chỉ ra những cơ hội dành cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô. Theo ông Nguyễn Thường Lạng, việc nhập khẩu giảm cũng có thể xem là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp nội địa có thể tận dụng lợi thế để gia tăng thị phần, đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thời gian gần đây, nhiều hãng xe trong nước như: VinFast, Thaco hay TC Motor (đơn vị sản xuất các dòng xe Hyundai) đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cấp công nghệ, cải thiện chất lượng xe để cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa không chỉ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong nguồn cung linh kiện mà còn giảm bớt tác động từ những biến động kinh tế toàn cầu, như tăng giá vận chuyển hay thiếu hụt nguyên liệu. Điều này quan trọng trong bối cảnh người dùng vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu.
Hơn nữa, các doanh nghiệp ô tô trong nước có lợi thế nhờ các chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ từ Chính phủ, giúp các hãng nội địa duy trì mức giá cạnh tranh hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
"Nếu biết tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước có thể đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về chất lượng xe Việt, nhấn mạnh vào yếu tố như chi phí bảo trì thấp, dịch vụ hậu mãi tốt hơn và phụ tùng dễ thay thế hơn so với xe nhập khẩu. Việc tận dụng tâm lý ủng hộ hàng Việt sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước củng cố vị thế trên thị trường", ông Nguyễn Thường Lạng nhận định.
Tuy nhiên, dù có nhiều cơ hội, nhưng việc mở rộng thị phần trong bối cảnh nhập khẩu giảm không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Theo ông Nguyễn Thường Lạng, xe nội địa có lợi thế về giá nhưng thực tế cho thấy nhiều mẫu xe nhập khẩu từ Đông Nam Á hiện nay cũng được hưởng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.
Cùng với đó, một số người dùng còn tâm lý rằng vẫn có khoảng cách nhất định về thương hiệu, trải nghiệm người dùng và chất lượng tổng thể của xe nhập khẩu khi so với ô tô sản xuất trong nước. Họ từ lâu đã quen ưa chuộng những mẫu ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ, nên để thay đổi nhận thức và tăng độ tin cậy với xe lắp ráp trong nước cần một chiến lược dài hơi, từ cải thiện chất lượng sản phẩm đến dịch vụ hậu mãi.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng vào xu hướng ô tô điện và các công nghệ thân thiện với môi trường, khi đây đang là xu hướng tiêu dùng tất yếu. Việc đầu tư vào hạ tầng trạm sạc, cải thiện thời gian sạc và mở rộng mạng lưới dịch vụ sẽ giúp các hãng xe nội địa gia tăng sức cạnh tranh trong dài hạn.
Hiện nay, các hãng ô tô có nhà máy sản xuất tại Việt Nam có thể kể đến như: VinFast, Thaco, TC Motors, TMT Motors, Mercedes-Benz,…