Trắng đơn hàng, 'đại gia' may mặc cho thuê đất làm sân pickleball

Garmex Sài Gòn sử dụng một phần khu đất do công ty quản lý để hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục thể thao, sân bóng pickleball và các bộ môn thể thao khác.

 Garmex Sài Gòn sử dụng ít nhất 1.000 m2 đất làm sân pickleball. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Garmex Sài Gòn sử dụng ít nhất 1.000 m2 đất làm sân pickleball. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

CTCP Garmex Sài Gòn (UPCoM: GMC) vừa công bố Nghị quyết thông qua hợp đồng giao dịch với CTCP VinaPrint - tổ chức có liên quan đến ông Bùi Minh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn, hiện cũng là Chủ tịch và người đại diện theo pháp luật của VinaPrint).

Theo đó, Garmex sẽ sử dụng một phần khu đất do công ty quản lý (tối thiểu là 1.000 m2 và tối đa là 3.000 m2, tiến độ bàn giao theo nhu cầu thực tế) để hợp tác kinh doanh cùng VinaPrint trong lĩnh vực giáo dục thể thao, sân bóng pickleball và các bộ môn thể thao khác mà pháp luật không cấm.

Thời hạn hợp tác là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, xem xét gia hạn theo điều kiện thực tế. CTCP VinaPrint tự quản lý và chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

VinaPrint sẽ thanh toán cho Garmex hàng tháng mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh theo tiến độ của hợp đồng.

Giá trị hợp đồng ước tính chiếm 0,45% trên tổng giá trị tài sản của công ty theo báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán tại ngày 30/6/2024 và chiếm 0,44% trên tổng giá trị tài sản của công ty theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán tại ngày 30/6/2024. Như vậy, giá trị hợp đồng ước tính khoảng 1,8 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn thành lập năm 1976, từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may TP.HCM với doanh thu mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Công ty có 5 nhà máy với hơn 70 dây chuyền sản xuất trên tổng diện tích trên 10 ha.

Garmex Sài Gòn cũng là một trong những công ty dệt may đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào năm 2006.

Tuy nhiên, cuối năm 2022, đối tác lớn của Garmex Sài Gòn là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất khẩu Bình Thạnh - Gillimex (HoSE: GIL) bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng, dù đã đầu tư vào cơ sở vật chất và hàng tồn kho... Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến Gilimex mà còn tạo áp lực lớn lên Garmex Sài Gòn, trực tiếp khiến công ty dệt may này suy yếu.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 khiến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trở nên nghiêm trọng hơn. Từ năm 2023, Garmex đã phải ngừng sản xuất may mặc, tập trung thanh lý tài sản và tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực này đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Năm 2022, doanh thu của Garmex Sài Gòn giảm 80% còn 292 tỷ đồng và báo lỗ từ đó đến nay.

Tháng 4/2023, HoSE đưa cổ phiếu GMC vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 âm 85 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 âm gần 20 tỷ đồng.

Đến tháng 4/2024, HoSE chuyển cổ phiếu GMC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2022 và 2023) đều âm.

Cuối năm 2024, HoSE vừa thông báo hủy niêm yết với cổ phiếu GMC do công ty này ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hơn một năm.

Trên báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2024, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán Phía Nam (AASCS) cũng xác nhận Garmex Sài Gòn đã ngưng sản xuất từ tháng 5/2023 đến 15/8/2024 (thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán).

Năm vừa rồi, doanh thu thuần của Garmex chưa đạt nổi 1 tỷ đồng, giảm 90% so với năm 2023. Nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ, kinh doanh nhà thuốc và bán máy thanh lý, trong khi doanh thu ngành hàng may mặc gần như bằng 0.

Tình trạng kinh doanh bết bát khiến ông lớn may mặc một thời lỗ ròng 18 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2024, tổng số lao động của doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 31 người, giảm 2.070 người so với năm 2022. Tính trong 2 năm gần nhất, doanh nghiệp đã cắt giảm tổng cộng khoảng 3.779 lao động.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/trang-don-hang-dai-gia-may-mac-cho-thue-dat-lam-san-pickleball-post1533430.html
Zalo