Ở nơi nặng tình thủy đình, con trò
Khởi thủy là trò vui nông thôn nhưng quyết tâm thành loại hình nghệ thuật biểu diễn thì nghệ nhân phải khéo tay làm con trò, sáng tạo tích trò, diễn cho ra trò
Quả là thích thú với hình ảnh bên cạnh cổng làng là cây đa, đình làng, giếng nước, ao làng. Hình ảnh đó như một cụm biểu trưng của thôn làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Ở thôn An Liệt (xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cụm hình ảnh biểu trưng còn đặc sắc hơn khi có thêm bia "Hạ Mã" dưới gốc cây đa phía trước đền An Liệt - một di tích cấp quốc gia.
Niềm tự hào của người dân An Liệt
Hồ làng An Liệt đối diện đền, là nơi có thủy đình - khu vực biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. Có cây hoa gạo trên bờ hồ, phía trước thủy đình, làm đẹp thêm khung cảnh đầu làng.
Thấy thủy đình, lại thấy gần đấy có Nhà Truyền thống Nghệ thuật rối nước Thanh Hải, chúng tôi biết mình đang ở nơi có phường múa rối nước.
Gặp ông Phạm Khắc Xoa, Trưởng phường rối nước Thanh Hải, chúng tôi hiểu ngay thủy đình không đơn thuần để trang trí cho cảnh sắc, mà đó là niềm tự hào của người dân An Liệt. Chính nơi này đã góp phần phục hồi và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian múa rối nước của tỉnh Hải Dương, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2012.
Ông Xoa nói các bậc cao niên kể múa rối nước ở An Liệt có từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII), thuở đầu như một trò vui của người nông thôn. Theo lịch sử, trò rối nước trải qua bao giai đoạn thăng trầm. Những năm 1959 - 1960, khi miền Bắc được giải phóng, phường rối nước được tổ chức, do cụ Vũ Đình Rục làm trưởng phường.
Rồi phường ngừng hoạt động khi làng dồn sức cho kháng chiến. Đất nước thống nhất thì dồn sức xây dựng lại quê hương. Tuy vậy, tình yêu múa rối nước vẫn sâu nặng trong tâm. Các cụ Vũ Đình Rục, Nguyễn Văn Nhiên, Ký Phương, Nguyễn Văn Đô, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Huân, Phạm Khắc Khang, Phạm Khắc Hợi… đã kiên trì truyền nghề cho con cháu.
Mãi đến năm 1999, phường rối nước mới được khôi phục và ông Phạm Khắc Tham làm trưởng phường, để phục vụ những lễ hội. Lúc ấy, các nghệ nhân đã gặp muôn vàn khó khăn, vì không có kinh phí. Họ phải vận động bà con trong xã ủng hộ để dựng thủy đình bằng tre nứa, đi xin từng khúc gỗ sung về đục đẽo làm con trò, tự góp gạo, góp tiền nấu ăn, tranh thủ thời gian ngâm mình dưới nước để tập điều khiển con trò.
Khởi thủy múa rối có thể đơn thuần là trò vui nông thôn nhưng khi đã quyết tâm đưa thành loại hình nghệ thuật biểu diễn thì các nghệ nhân phải khéo tay làm con trò, tìm tòi sáng tạo các tích trò và diễn cho ra trò.
Nói đến đây, ông Xoa kể chuyện được hỗ trợ khôi phục nghệ thuật múa rối nước đã khiến phường rối một phen "khóc ròng". Ấy là năm 2002, từ nguồn tài trợ của Quỹ Ford, 16 phường rối nước ở đồng bằng Bắc Bộ được xây một loạt thủy đình cùng hình mẫu, kích cỡ và được cung cấp bộ con trò để biểu diễn giống hệt nhau, vì từ một đầu mối sản xuất; chưa kể tích trò cũng như nhau. Mục đích bảo tồn cứng nhắc đã làm mất bản sắc riêng, sự sáng tạo tích trò của từng phường rối, khiến múa rối nước dân gian không phát triển được. Còn thủy đình xây cất theo một kích cỡ, không phải cái nào cũng hài hòa với hồ nước hay ao làng lớn, nhỏ, phù hợp cảnh quan làng xóm ở phường rối. May mà hồ nước, cảnh quan ở thôn An Liệt vừa đủ rộng và thoáng đãng để đặt thủy đình và có chỗ cho người xem.
Thường xuyên ngâm nước nên con trò nhanh hỏng. Những con trò từ trên đưa về không còn sử dụng được, nên nay phường biểu diễn bằng con trò do chính mình làm ra. Không ngừng sáng tạo, từ 5 tích trò ban đầu, giờ phường rối đã có hơn 20 tích trò.
Một tích trò biểu diễn, muốn thành công phải phối hợp tốt giữa nghệ nhân điều khiển con trò và nhóm nhạc công, nghệ sĩ hát, thể hiện lời thoại. Nghĩ mà thương, với những môn nghệ thuật khác, nghệ sĩ học diễn để lên sân khấu cho mọi người biết mặt, còn với người múa rối nước thì phải đứng sau tấm mành khuấy động mặt nước làm sân khấu, vào vai thông qua một cây sào điều khiển con trò bộc lộ hết tâm tư, thái độ, tình cảm của nhân vật.
Ông Xoa bảo ngày xưa không có quần áo cao su chống nước như bây giờ, mà biểu diễn dịp lễ hội thường là vào tháng trời rét, ngâm mình xuống nước cả tiếng đồng hồ lạnh cóng, dù đã uống nước mắm cốt để chống lạnh. Nếu không có tình yêu với múa rối nước thì không chịu được. Những tràng vỗ tay của khán giả là nguồn động viên để các nghệ nhân quên khó nhọc.
Một nghệ nhân điều khiển thuần thục con trò cần có tay điều khiển con trò đúng, mắt phải quan sát, tai lắng nghe nhạc - thoại để phối hợp. Phường rối Thanh Hải không bao giờ dùng nhạc, thoại thu sẵn, mà dùng "nhạc sống, giọng sống" để có sự linh hoạt trong biểu diễn, ứng biến theo không gian, đối tượng khán giả. Với khán giả, nghe thoại, hát trực tiếp vẫn thích hơn, thấy con rối "có hồn" hơn.
Hơn 20 năm từng lớp kế tục nhau, phường rối nước Thanh Hải hiện có 30 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công. Các cụ 80-90 tuổi vẫn luôn có mặt trong những buổi diễn hoặc hướng dẫn làm con trò. Lớn tuổi nhất là cụ Phạm Văn Uẩn, 98 tuổi.
Mọi người luôn nhớ đến những tiền bối đã có công gầy dựng lại phường rối, không để thất truyền nghệ thuật dân gian này nơi làng quê mình. Đặc biệt, cụ Phạm Khắc Toan là người gắn bó lâu nhất trong nhiều giai đoạn thăng trầm của phường rối, cụ mới mất cách nay 3 năm, lúc 104 tuổi.
Đem chuông đi đánh xứ người
Đất diễn là điều các nghệ nhân phường rối luôn đi tìm, bởi nếu chỉ quanh quẩn thủy đình ở hồ làng chờ dịp lễ hội để biểu diễn thì sẽ tụt hậu, nghệ nhân phường rối cũng khó nâng cao trình độ.
Quyết "đem chuông đi đánh xứ người", bên cạnh phục hồi trò rối cổ, các nghệ nhân ra sức sáng tác thêm tích trò, sáng tạo các cách biểu diễn mới lạ, tích cực tham gia các liên hoan, cuộc thi múa rối, nghệ thuật dân gian. Ngoài các trò diễn bằng sào, phường rối tập luyện thêm biểu diễn trò dây và trò vừa dây vừa sào.
Mọi nỗ lực của họ đã gặt hái thành công. Tại Liên hoan Múa rối nước không chuyên toàn quốc lần thứ nhất năm 2005, phường rối nước Thanh Hải đã đoạt 2 huy chương vàng cho trò diễn "Quay tơ dệt lụa" và "Rồng đốt lá đề - Ngựa chiến trên giàn sóc"; 3 huy chương bạc cho trò diễn "Quần nơm úp cá", "Hội xuống đồng" và "Chuyện chàng câu ếch".
Suốt nhiều năm, phường Thanh Hải thường xuyên có mặt trong các liên hoan nghệ thuật múa rối, các sự kiện văn hóa, tổ chức các chuyến lưu diễn nhiều nơi trên toàn quốc để quảng bá cho múa rối nước tỉnh Hải Dương.
Tháng 10-2018, phường múa rối nước Thanh Hải được vinh dự thay mặt cho nghệ thuật múa rối nước dân gian Việt Nam tham dự Festival Nghệ thuật dân gian quốc tế tại Đài Loan (Trung Quốc). Các nghệ nhân cho đây là dấu mốc quan trọng trong tiếp cận khách quốc tế.
Mong ước đưa phường rối dân gian thành điểm đến của khách du lịch đã thành hiện thực. Ông Xoa cho biết mấy năm qua, mỗi năm phường đón 25-30 đoàn khách nước ngoài và nhiều đoàn khách du lịch trong nước. Mỗi lần biểu diễn cho du khách xem ở thủy đình, người dân địa phương vui khi thấy khách đến thưởng thức múa rối tại chính làng quê mình và khách cũng lao xuống hồ tự tay điều khiển con trò.
Đặc biệt, biểu diễn cho du khách nước ngoài, ông Xoa thường liên hệ các trường trong xã để giáo viên và học sinh đến giao lưu. Theo ông, đây là cách đưa múa rối nước gần hơn với lớp trẻ, giúp các em tự hào nghệ thuật dân gian quê mình.
Miệt mài khôi phục, đưa trò vui ở làng thành nghệ thuật trình diễn, cố gắng tìm lại công chúng, đất diễn đã có nhưng hiện nay các nghệ nhân kỳ cựu đang trăn trở lo cho tương lai của phường múa rối nước. Trăn trở trước mắt là khả năng tài chính có hạn, trong khi nhiều thứ cần thiết cho biểu diễn không phải sử dụng lâu dài mãi. Chúng tôi vào Nhà Truyền thống Nghệ thuật rối nước Thanh Hải thì thấy rất nhiều con trò đã hư hỏng.
Ông Xoa tâm sự những con trò ngâm nước mau hỏng nên cứ vài năm phải thay mới. Bộ đồ chống thấm nước cho nghệ nhân biểu diễn cũng không sử dụng mãi được; thủy đình dùng đi diễn lưu động phải luôn được tu bổ; rồi các dụng cụ khác, phông màn trang trí đều phải đầu tư cho các buổi biểu diễn chỉn chu. Tuy đã có nguồn thu từ các buổi biểu diễn nhưng không đủ trang trải.
Trăn trở cho lâu dài là nhân lực khi nghệ nhân lớn tuổi đang chiếm đa số, không còn sức biểu diễn. Phường múa rối nước Thanh Hải có 6 nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong danh hiệu, đã có 3 người mất do tuổi cao. Các nghệ nhân đang truyền lửa đam mê, tích cực đào tạo lớp tiếp nối nhưng chưa có nhiều người trẻ theo đuổi, vì múa rối nước cũng không phải là nghề bảo đảm cuộc sống. Những ai đam mê thì gắn bó với phường nghề như tham gia một hoạt động văn hóa - nghệ thuật.
Một phường múa rối nước khó khăn lắm mới vực dậy được như ngày nay, không thể để nghệ thuật truyền thống có lịch sử hàng trăm năm lại thất truyền. Nỗi niềm của người đang "đứng mũi chịu sào" cho sự phát triển của phường múa rối nước, cũng là tâm tư chung của những người nặng tình với thủy đình, con trò ở xã Thanh Hải.