Nuôi ong giữa đại ngàn Trường Sơn

Từ hàng trăm năm nay, người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chỉ đơn thuần biết khai thác mật ong từ rừng. Nhưng từ sáu năm nay, nhờ sự hỗ trợ tận tình của bà Trương Thị Hiển, cựu Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn, người dân nơi đây đã biết nuôi ong lấy mật tạo nguồn thu nhập ổn định. Và đây cũng là sản phẩm OCOP đầu tiên của người Bru - Vân Kiều

Ấp ủ ý tưởng nuôi ong lấy mật, nên năm 2016 khi vừa nghỉ công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ, bà Trương Thị Hiển đã bắt đầu tìm tòi học hỏi nghề nuôi ong lấy mật. Thế nhưng một xã miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%, trình độ dân trí không đồng đều, nên để triển khai được nghề nuôi ong lấy mật là một bài toán khó. Biết vậy, bà Hiển đã mua một đàn ong về nuôi, vừa làm vừa lấy kinh nghiệm để vận động chị em trong xã cùng làm.

Phát huy lợi thế của rừng

Nghề nuôi ong lấy mật tuy ít chi phí đầu tư nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao, sự khéo léo, dày công chăm sóc. Không chỉ am hiểu đặc tính của loài ong, mà còn cần có sự am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong đến những nơi có nguồn hoa dồi dào... Trong quy trình kỹ thuật nuôi ong, hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm là chọn giống ong và chăm sóc, phòng ngừa các bệnh cho ong. Việc chọn giống ong ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mật. Giống tốt, con chúa đẻ khỏe thì năng suất mật cao và ngược lại.

Bà Trương Thị Hiển, tổ nghề nuôi ong lấy mật ở xã Trường Sơn. Ảnh: N.V

Bà Trương Thị Hiển, tổ nghề nuôi ong lấy mật ở xã Trường Sơn. Ảnh: N.V

Rồi cả những chuyện tưởng như lắt nhắt nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến nghề, như ong bốc bay, mất chúa, ong đói, kiến cắn, ong cắn nhau và bỏ đi…

Bà Hiển mày mò mãi đến năm 2019, khi có dự án do Quỹ Phát triển nông thôn giảm nghèo huyện Quảng Ninh và cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương hỗ trợ thì kế hoạch “cấy nghề” mới thành hiện thực. Hợp tác xã (HTX) Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn được thành lập vào ngày 8-8-2019 với 12 thành viên. Mỗi thành viên được hỗ trợ ba đàn ong và tập huấn những kiến thức, kỹ thuật ban đầu để nuôi, duy trì và phát triển đàn.

Đến năm 2023, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, các thành viên HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn đã được Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Chuyển giao công nghệ chăn nuôi, đến tận nơi tập huấn về kỹ thuật chọn giống, cách chia đàn, cách tạo chúa, cách chăm sóc phòng bệnh cho đàn ong, kỹ thuật sơ chế, bảo quản mật…

Bà Phan Thị Lan là một trong những thành viên tham gia HTX từ những ngày đầu. Lúc đầu bà chỉ nuôi 5-10 đàn, việc chăm sóc chưa tốt nên ong bốc bay nhiều. Từ những kiến thức tiếp thu sau các lớp tập huấn, bà đã biết cách tạo chúa để chia đàn ong, chọn giống kỹ càng hơn, việc chăm sóc phòng bệnh cho đàn ong được đảm bảo hơn. Kết quả là số đàn ong nhân lên rất nhiều, ong ít bỏ đàn và sản lượng mật ong từ đó cũng tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, nhờ áp dụng cách sơ chế, bảo quản mật một cách khoa học nên thời gian bảo quản lâu hơn. Trước đây mật chỉ bảo quản được một năm là chuyển màu đen, hiện nay thời gian bảo quản tăng lên 1,5-2 năm mà mật vẫn vàng ươm.

Mật ong dược liệu

Mảnh đất Trường Sơn với vị trí địa lý, diện tích tự nhiên cũng ban tặng nguồn trữ lượng cây dược liệu quý hiếm trong rừng nguyên sinh, cùng với những tri thức bản địa độc đáo của người dân, đã góp phần làm nên tính đặc biệt của mật ong nơi đại ngàn này.

Trung bình mỗi chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài 20 ngày khi các cầu quay đã lấp đầy mật. Thời gian thu hoạch mật ong tốt nhất là từ tháng 2-5 Dương lịch khi nhiều loại hoa trên núi rừng Trường Sơn nở rộ. Đây là thời gian các loài hoa thi nhau nở rộ, khoe sắc, đưa hương, các con ong thợ tha hồ hút mật. Chất lượng mật sẽ rất ngon, giàu chất dinh dưỡng và số lượng mật khai thác được cũng rất nhiều.

Ông Hồ Ai, hơn 90 tuổi và có hơn 75 năm gắn bó với nghề lấy mật ong rừng. Ông kể, hễ vào mùa thì thích nhất là tìm đến các bãi hoa dại để theo dõi các con ong thợ đến hút mật hay đến bên các bờ suối, nơi các con ong sẽ ra lấy nước về tưới mát cho tổ. “Mật được những con ong hút từ hoa của các cây dược liệu quý hiếm từ rừng nguyên sinh như hoa cỏ máu, hoa sâm cau, hoa cỏ kim, hoa trinh nữ, hoa khoai rừng, hoa nhãn rừng, hoa chanh, hoa cam, hoa ngô, hoa lạc, hoa lim, hoa keo (lá) tràm… Chất lượng mật ong ở đây rất tốt, sánh, quyện, ngọt thanh”, ông Hồ Ai nói.

Đến nay, HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn đã nhân tổng đàn lên trên 600 và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, các chương trình dự án hỗ trợ: 1 máy thủy phân, 1 máy đóng chai, 2 máy lọc, 11 thùng quay mật các loại và 6 cầu, 1 máy chiết rót mật, 1 máy nén mật. Đây là những điều kiện vật chất góp phần tạo nên chất lượng và sản lượng mật đảm bảo. Trung bình mỗi năm các thành viên thu hoạch mật ong 5-7 lần. Sản lượng bình quân của mỗi đàn ong là trên 14 lít/năm.

“Từ 75 đàn thời gian đầu, đến nay toàn HTX đã có 600 đàn ong cho thu hoạch mật; mỗi thành viên nuôi khoảng từ 15-30 đàn ong lấy mật. Tổng sản lượng mật ong thu được bình quân mỗi năm khoảng hơn 3.000 lít, giá bán trung bình là 450.000 đồng/lít, doanh thu ước đạt hơn 1 tỉ đồng”, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn, nói.

Đến nay, nghề nuôi ong lấy mật đã là một nghề cho thu nhập ổn định của người Bru - Vân Kiều ở xã biên giới Trường Sơn. Mức thu nhập bình quân của thành viên trong HTX đạt khoảng 32 triệu đồng/người/năm (con số ấn tượng ở xã biên giới đặc biệt khó khăn này - NV).

Sản phẩm mật ong của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, như Hà Nội, TPHCM, Quảng Bình, Nghệ An... Năm 2022 sản phẩm mật ong của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao của huyện Quảng Ninh.

Ong mật trong đời sống của người Bru - Vân Kiều

Trường Sơn là xã biên giới bốn bề là rừng, nằm ở phía Tây huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Xã có tổng diện tích tự nhiên gần 77.430 héc ta, với 1.144 hộ, 4.841 nhân khẩu phân bố rải rác ở 19 thôn, bản, trong đó người Bru - Vân Kiều có 677 hộ, 2.993 khẩu, chiếm 58,6% dân số trong toàn xã.

Lễ mở cửa rừng được người Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng 2 Âm lịch hàng năm.

Ở bản Khe Cát, người luôn được chọn làm chủ lễ là già làng, nghệ nhân dân gian Hồ Ai. Ông là người lưu giữ nhiều tri thức bản địa độc đáo của tộc người. Theo phong tục, cả bản sẽ dâng cúng một con lợn hoặc một con trâu. Mỗi gia đình trong bản, tùy điều kiện kinh tế, có thể đóng góp một con gà hoặc một hũ rượu cần hay cơm nếp... Bàn thờ được làm bằng tre nứa, dựng tại một bãi đất bằng phẳng, bên cạnh dòng suối và ngay trước cửa rừng. Vào thời khắc đã chọn, hai ngọn nến được thắp sáng, già làng Hồ Ai thay mặt dân bản Khe Cát đọc lời khấn cầu mong thần rừng phù hộ cho dân làng một năm trồng trọt, chăn nuôi được mùa. Và xin thần rừng được mở cửa để người Bru - Vân Kiều được vào rừng mưu sinh, để chặt mây, hái rau, hái thuốc, bẻ măng, lấy mật ong...

Ngay sau khi kết thúc lễ cúng, người Bru - Vân Kiều sẽ vào rừng hái lộc, lấy tổ ong rừng… Trong lễ mừng cơm mới được tổ chức sau thời gian thu hoạch, kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới, tổ ong rừng nguyên mật và sáp cũng là một lễ vật không thể thiếu của người Bru - Vân Kiều dâng cúng thần linh, tổ tiên. Đến nhà người Bru - Vân Kiều nào ta cũng dễ dàng bắt gặp những miếng sáp ong khô tạo hình đẹp mắt được treo trang trí trước cửa ra vào, trên cột nhà, trên vách nhà. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta cũng sử dụng rất nhiều mật ong để uống, bôi sát trùng vết thương, sáp ong ngâm rượu...

Có thể thấy các sản phẩm từ tổ ong mật hiện diện sâu đậm trong đời sống tâm linh và đời sống hàng ngày của người Bru - Vân Kiều.

T.H

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nuoi-ong-giua-dai-ngan-truong-son/
Zalo