Nuôi cấy thành công 'răng người' trong miệng lợn

Tạp chí Stem Cells Translational Medicine của Mỹ vừa đăng tải nghiên cứu của Đại học Tufts, nuôi cấy thành công loại răng giống răng người trong miệng lợn. Nghiên cứu này mở ra triển vọng dùng chất thay thế răng sinh học để cấy ghép nha khoa, chữa bệnh cho con người.

 Răng nuôi cấy trong miệng lợn được kỳ vọng sẽ khắc phục bất lợi từ cấy ghép răng tổng hợp như hiện nay. Ảnh: Byfordsmiles

Răng nuôi cấy trong miệng lợn được kỳ vọng sẽ khắc phục bất lợi từ cấy ghép răng tổng hợp như hiện nay. Ảnh: Byfordsmiles

Trong 2 thập kỷ qua, khoa học đã thao túng gene để phát triển các tế bào của con người ở những nơi không ngờ tới. Tai và da của con người đã được nuôi cấy trên chuột. Gần đây là thận của con người đã được nuôi cấy trong bụng lợn...

Phần lớn những nghiên cứu này nhằm dọn đường cho việc sử dụng động vật biến đổi gene tạo ra các cơ quan và mô dự phòng cho nhóm bệnh nhân không thể chờ tiếp cận tạng hiến tặng từ người.

Theo bài báo trên Tạp chí Stem Cells Translational Medicine, các nhà khoa học của Đại học Tufts đã lấy tế bào từ tủy răng người và trộn với tế bào từ men răng lợn, gieo chúng lên một "giàn giáo".

Cụ thể, cấy ghép các cấu trúc răng nuôi cấy vào hàm dưới của 6 chú lợn mini 2 tuổi. Sau đó, tế bào răng được nuôi trong ống nghiệm trong lò phản ứng sinh học một tuần để giúp các tế bào sinh sôi. Mầm răng mới được tái tạo, một phần là của người và một phần là của lợn, được cấy vào hàm dưới của lợn thử nghiệm.

Sau vài tháng kiểm tra lại cho thấy xuất hiện "sự hình thành các mô giống như răng". Miệng của con lợn để lộ những chiếc răng nanh sắc nhọn, giống như ngà voi, bên cạnh những chiếc răng nhỏ hơn, trông giống người hơn một chút. Về mặt lý thuyết, một quá trình tương tự có thể diễn ra ở con người.

Lâu nay, khoa học tin rằng có thể "gieo" một cấu trúc răng vào mô nướu của con người và cuối cùng phát triển thành một chiếc răng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phương pháp này rất nguy hiểm. Các tế bào răng tiếp tục phát triển vô thời hạn có thể trở thành ung thư.

Ghép răng tổng hợp vẫn chưa đạt chất lượng

Cấy ghép răng, thường được chế tạo từ titan hoặc hợp kim titan, sau đó được vặn vào xương hàm của bệnh nhân, đã trở thành giải pháp thay thế cho răng giả trong những năm gần đây. Nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ thực hiện chỉ ra rằng, y học đang tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật cấy ghép răng mới.

Mặc dù cấy ghép tốt hơn là không có răng nhưng chúng không hoàn hảo. Việc nhai nhiều lần những chiếc răng không thẳng hàng có thể gây tổn thương xương hàm và cuối cùng khiến cấy ghép bị hỏng. Vi khuẩn trên răng cấy ghép cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng.

Ngược lại, răng tự nhiên không cần phải khoan mà thay vào đó được gắn vào hàm thông qua các mô dây chằng, về mặt lý thuyết, có thể làm giảm nguy cơ tổn thương hàm sau này. Đó chính là lúc ý tưởng về việc nuôi răng tự nhiên ở lợn xuất hiện.

Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu ở Đại học Tufts đã lấy 6 con lợn mini trưởng thành và phẫu thuật nhổ răng cửa thứ ba và răng tiền hàm đầu tiên của chúng. Những con lợn mini được chọn vì xương hàm của chúng có kích thước và giải phẫu tương tự như xương hàm của con người.

Sau đó, người ta đặt các cấu trúc răng được chế tạo sinh học vào các lỗ nhổ răng. Sau 2 và 4 tháng, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra lại và tìm thấy bằng chứng về sự phát triển thành công của răng ở khoảng 50% số lợn.

Triển vọng ứng dụng răng nuôi cấy ở lợn

Mặc dù kết quả rất hứa hẹn, nhưng chúng vẫn chưa thể dùng ngay cho con người. Những chiếc răng mọc ở lợn nhỏ không đạt đến kích thước răng người đầy đủ và có thể không chịu được việc sử dụng thường xuyên. Cấy ghép răng nuôi trong phòng thí nghiệm vào người cũng là một thách thức và vẫn còn mới lạ.

Tuy nhiên, kết quả đã chứng minh rằng có thể nuôi cấy tế bào răng được biến đổi sinh học, một bước phát triển đáng chú ý mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể đặt nền tảng cho một "giải pháp thay thế có liên quan về mặt lâm sàng tiềm năng" cho các cấy ghép tổng hợp trong tương lai.

Nguồn: Popsci

Mai Nguyễn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nuoi-cay-thanh-cong-rang-nguoi-trong-mieng-lon-2025041814124625.htm
Zalo