Tiến trình biến đổi khí hậu và thông điệp Ngày Trái đất 2025
Trái đất đang bước vào kỷ nguyên 'sôi sục', với nhiệt độ kỷ lục, biển nóng lên, băng tan nhanh và thiên tai dồn dập, dấu hiệu rõ rệt của biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ toàn cầu tiếp tục lập đỉnh, thời tiết cực đoan gia tăng, băng tan nhanh và đại dương ngày một nóng lên. Những gì chúng ta đang chứng kiến không còn là lời cảnh báo, mà là hậu của một hành tinh đang phát “sốt”.

Google Doodle ngày Trái đất - lời cảnh báo về tiến trình biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu là gì?
Biến đổi khí hậu là tiến trình thay đổi lâu dài về nhiệt độ và các hình thái thời tiết của Trái đất, bắt nguồn từ sự can thiệp của con người, đặc biệt kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ và khí đốt đã tạo ra một lớp “chăn khí nhà kính” bao phủ hành tinh, giữ lại nhiệt lượng và khiến nhiệt độ toàn cầu ngày một tăng cao.
Không chỉ CO₂, khí methane (CH₄) vốn sinh ra từ bãi rác, ruộng đồng, dạ dày gia súc, có khả năng giữ nhiệt gấp hàng chục lần CO₂, cũng đang âm thầm làm dày thêm lớp chăn nhiệt đó. Những gì từng được coi là “tác dụng phụ” của tăng trưởng kinh tế, giờ đây đang trở thành tác nhân chính đẩy hành tinh đến bờ vực.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năm 2024 là lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850–1900, một ngưỡng đỏ mà giới khoa học từng cảnh báo sẽ dẫn đến hậu quả không thể đảo ngược. Đây là lần đầu tiên thế giới vượt ngưỡng mà khoảng 200 quốc gia đã cam kết tránh theo Hiệp định Paris về khí hậu năm 2015, khiến 2024 trở thành năm nóng nhất từng ghi nhận.
Đại dương vốn được coi là “bộ đệm” khí hậu của Trái đất cũng không tránh khỏi cơn sốt. Từ tháng 3/2023-4/2024, nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu cao hơn 0,25 độ C so với kỷ lục trước đó, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển, từ rạn san hô tới chuỗi thức ăn của hàng triệu loài sinh vật.
Trong khi đó, tính đến ngày 7/9/2024, diện tích băng biển tại Nam Cực chỉ đạt 17 triệu km2. Đây là mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thu thập qua vệ tinh, còn Bắc Cực cũng liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm đáng báo động.
Việt Nam ảnh hưởng thế nào?
Tại Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu không còn là lý thuyết. Miền Bắc ghi nhận những đợt nắng nóng kéo dài bất thường, miền Trung đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, trong khi miền Nam lại gồng mình với xâm nhập mặn và nước biển dâng. Không nơi nào còn an toàn.
Trên toàn cầu, thiên tai ngày càng cực đoan: lũ lụt kinh hoàng ở Libya, cháy rừng khốc liệt tại Canada, nắng nóng chết người ở Trung Quốc, hạn hán kéo dài ở châu Phi… Những hiện tượng từng được coi là “hiếm có” nay xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định: “Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai. Nó đang xảy ra – và ngày càng trầm trọng.” Nhưng điều đáng sợ hơn, là sự thích nghi của con người dường như quá chậm so với tốc độ biến đổi của khí hậu.
Hy vọng duy nhất hiện nay đến từ những nỗ lực toàn cầu: Thỏa thuận Paris, các cam kết phát thải ròng bằng 0, sự phát triển công nghệ năng lượng sạch. Chúng ta đang chạy đua với thời gian. Các hội nghị như COP29 là bước đi cần thiết, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa lời nói và hành động. Thế giới không thể tiếp tục chần chừ.