Nuôi cá xen canh giúp cải tạo ao nuôi tôm hiệu quả
Nhiều hộ dân ở Long An tận dụng ao, đầm nuôi tôm, nuôi cá tra bột xen vụ nuôi cá chốt.

Ao nuôi cá chốt khu vực vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN phát
Với người dân vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, con cá chốt là một loại da trơn rất được ưa thích vì chất lượng thịt ngọt, béo. Những năm gần đây, loài cá chốt dần cạn kiệt do môi trường sinh sản bị tác động, số lượng cá chốt khai thác từ sông, rạch không còn nhiều. Do vậy, giá trị con cá chốt trở thành cá đặc sản. Với giá bán từ 100.000 - 120.000/kg, mức lợi nhuận cao so với các loài cá khác đã thúc đẩy một số nông dân trên địa bàn Long An chuyển sang nuôi cá chốt.
Long An có 2 vùng nuôi thủy sản nước lợ tại các huyện phía Nam ( Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước) và nuôi nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười (Tân Thạnh, Thạnh hóa, Mộc Hóa, Đức Huệ,…). Nhiều hộ dân tận dụng ao, đầm nuôi tôm, nuôi cá tra bột xen vụ nuôi cá chốt.
Anh Tạ Văn Vững, ngụ xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa, từ 5 ha sản xuất lúa, anh Vững mạnh dạn đầu tư 2 ha nuôi cá chốt thương phẩm. Qua 2 năm nuôi, anh Vững khá thành công với con cá chốt. Giá cá chốt thương lái thu mua từ 80.000 - 100.000 đồng. Với 4 ao nuôi, sau 4 tháng nuôi, anh dự kiến thu hoạch 12 tấn cá. Sau khi trừ chi phí 60.000 đồng/kg, anh Vững lãi trên 20.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn so nhiều loại cá khác.
Còn ông Đoàn Văn Hướng, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, sau hai năm nuôi cá chốt xen canh với tôm sú trên diện tích 9.000 m2, ông Hướng thấy đây là mô hình khai thác ao đầm rất hiệu quả. Bởi sau những vụ nuôi tôm, ao đầm bị ô nhiễm, con tôm sú phát sinh nhiều dịch bệnh, nuôi kém hiệu quả, thậm chí còn dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, khi tìm hiểu con cá chốt, ông thấy đây là con nuôi không đòi hỏi đầu tư lớn, không yêu cầu kỹ thuật nuôi và cá chốt ít dịch bệnh. Trong môi trường nước lợ cũng như nước ngọt, cá đều tăng trưởng tốt.
Ông Hướng cho biết thêm, cá chốt thích hợp với nguồn nước ngọt và ít tốn nhân công, ít rủi ro bị dịch bệnh. Thị trường cá chốt hiện chỉ bán hàng nội địa, nếu có nhà đầu tư đưa cá chốt xuất khẩu, sẽ có lợi nhuận cao và ổn định hơn.

Nông dân thu hoạch cá chốt. Ảnh: TTXVN phát
Toàn xã Nhựt Ninh có trên 27 ha nuôi tôm sú kém hiệu quả. Hội Nông dân xã nhận thấy mô hình nuôi cá chốt giúp cải tạo ao đầm nên đã tuyền truyền, vận động 17 hộ nuôi xen canh cá chốt với tôm. Tháng 4 vừa qua, Hội Nông dân xã ra mắt Tổ hợp tác nuôi cá chốt, gồm 12 thành viên hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi” để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong việc nuôi cá chốt từ khâu cải tạo ao, mua con giống, thức ăn đến những kiến thức, kỹ thuật nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhựt Ninh, hội phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ kinh tế hợp tác nuôi cá chốt với mỗi hộ vay 50 triệu đồng, giúp nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn đề nghị các ngành chức năng tỉnh xây dựng mô hình trình diễn cá chốt để chuyển giao kỹ thuật đến nông dân.
Phát huy lợi thế tiềm năng của các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở địa phương theo hướng ổn định và bền vững, đến nay diện tích nuôi thủy sản ngọt tỉnh Long An đạt gần 2.640 ha. Thời gian gần đây, người nuôi nhận thấy nhiều loại thủy sản nước ngọt bị mai một, vì vậy con cá chốt đã được một số nông dân quan tâm và phát triển diện tích.
Theo bà Lê thị Ngọc Hiếu - PGĐ Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Koa học - Công nghệ Long An, cá chốt đem đến một hướng làm kinh tế với mức lợi nhuận cao cho bà con. Đặc biệt, với sự thích nghi với môi trường nước lợ của con cá chốt đã tháo gỡ cho người nuôi tôm vùng hạ xen canh với con tôm sú hàng chục năm nay. Cá chốt đang là hướng đi phù hợp cho nông dân không chỉ thu lợi nhuận cao, còn góp phần cải tạo ao đầm hiệu quả.