Nửa thế kỷ núi sông liền một dải: Tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại

Cách đây tròn nửa thế kỷ, dân tộc ta đã viết nên bản hùng ca kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng một chương vĩ đại mang tên Đại thắng mùa Xuân - chiến thắng lịch sử làm rạng danh non sông, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất.

Khối nữ Lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam hợp luyện chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Công Nghĩa

Khối nữ Lực lượng gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam hợp luyện chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Công Nghĩa

Vào lúc 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng theo bước chân thần tốc tiến về Sài Gòn, mang theo bụi đường và nắng gió, tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu toàn thắng về ta. Từ đây, đất nước ta hoàn toàn độc lập, tự do, non sông liền một dải. Từ đây, Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, bước vào chặng đường mới, cùng cả nước bước vào thời kỳ dựng xây đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Theo dòng chảy thời gian, chúng ta ngày càng nhận rõ ý nghĩa sâu sắc của chiến công mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại. Chiến công này không chỉ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn thể hiện khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam: Độc lập - tự do - thống nhất. Đó là đài hoa được kết lên từ bao cống hiến hy sinh, xương máu của bao lớp người ngã xuống, là minh chứng cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chiến công này khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đã đánh bại một trong những cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Điều đó chứng minh một cách thuyết phục rằng, với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết và chiến lược đúng đắn, không thế lực nào có thể khuất phục được chúng ta. Chiến thắng vĩ đại 30-4 cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế.

Sau chiến tranh, đất nước bị tàn phá nghiêm trọng, nhất là cơ sở hạ tầng và nền sản xuất. Ở miền Nam, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, gây ra sự xáo trộn lớn. Lạm phát, thiếu hụt lương thực, hàng hóa khan hiếm, đời sống người dân nhiều bề cơ cực. Thêm vào đó, sự cấm vận từ Mỹ và phương Tây càng khiến nền kinh tế thêm kiệt quệ. Gian nan là thế, nhưng với tinh thần tự lực tự cường, chúng ta đã từng bước khắc phục khó khăn, tiến hành khôi phục và tái thiết đất nước. Cái gì đến sẽ phải đến như một tất yếu của lịch sử. Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) khởi xướng công cuộc Đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc và triệt để. Từ mô hình kinh tế bao cấp, Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc Đổi mới sau 4 thập niên đã tạo nên thế và lực vững vàng để đất nước ta cất cánh. Không có những khó khăn, thách thức của thập niên 1980 thì chưa hẳn đã có công cuộc đổi mới, chưa hẳn đã có Việt Nam của ngày hôm nay. Bất chấp nhiều bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, mạnh mẽ và nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất Đông Nam Á.

Trong niềm vui lớn, nhà thơ Tố Hữu với niềm chiêm cảm lớn đã viết: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam”.

(Toàn thắng về ta).

Muốn đi đến tận biển cùng sông, hãy cùng nắm tay bè bạn. Hãy gác lại quá khứ, nhưng không để lịch sử bị che khuất, lãng quên. Hòa giải, hòa hợp dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm đoàn kết toàn dân, hóa giải những mâu thuẫn trong quá khứ, cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp. Lấy tinh thần dân tộc làm nền tảng, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chính trị, cùng chung tay xây dựng đất nước. Tôn trọng sự khác biệt về chính trị, tư tưởng trong cộng đồng, miễn là không đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Thay vì khoét sâu hận thù, là sự bao dung, hòa giải giữa các thành phần dân tộc, trong và ngoài nước, thậm chí cả giữa những người từng một thời bên kia chiến tuyến.

Tháng 9-2024, sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho 2 cựu chiến binh Mỹ là giáo sư, nhà thơ Kevin Bowen và giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl là một biểu tượng sống động, một hình ảnh rực rỡ thể hiện tinh thần hòa giải và hòa hợp.

Phát biểu với các nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, nhà thơ Bruce Weigl nói: “Đây là sự hòa giải của lương tâm”. Ông nói rằng, các bạn có thể tin được không, khi còn là người lính chiến đấu cùng Sư đoàn Không kỵ số 1 ở Quảng Trị, tôi thậm chí đem lòng mến mộ kẻ thù, bởi tôi có dịp chứng kiến tận mắt họ đã chiến đấu anh dũng như thế nào; họ chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ bằng bất cứ giá nào.

Sau khi giải ngũ, người lính ấy tâm nguyện một điều, lan truyền thông điệp về tội ác chiến tranh, về sự hòa giải của lương tâm. Ông quyết tâm học tiếng Việt và dịch thơ ca của những người lính Việt Nam. Dịch giả Bruce Weigl đã dịch thành công tập thơ có tên: Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ (Poems from Catured Documents). Các nhà văn hóa Mỹ gọi ông là “Nhà Việt Nam học”, bởi sự hiểu biết về văn hóa, văn học Việt Nam. Nhà thơ - nhà văn hóa ấy đã thực hiện gần 100 buổi đọc thơ và thuyết trình về đất nước, con người Việt Nam.

Kết nối văn hóa, kết nối tâm hồn dân tộc là con đường gần nhất đi đến hòa bình, hữu nghị. Nhờ việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam đã có những bước đi khôn khéo và linh hoạt để “phá băng”, tăng cường lòng tin chính trị, hội nhập khu vực và quốc tế. Văn hóa Việt Nam thẩm thấu, xuyên suốt trong nền ngoại giao Việt Nam. Đó là tính hòa hiếu và nhân nghĩa, là bản chất hòa bình và khoan dung, là sự ứng xử tinh tế, linh hoạt và mềm dẻo nhưng kiên định theo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tất cả vì lợi ích của dân tộc. Đến nay, nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 12 nước, trong đó Indonesia và Singapore là 2 trong số 5 quốc gia sáng lập ASEAN, vừa nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam trong tháng 3-2025.

Dẫu còn không ít khó khăn, thách thức, gánh nặng đường xa, nhưng chúng ta đã hội đủ điều kiện, với sức nghĩ lớn, tầm vươn cao, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong ngày hội non sông, càng thấm thía hạnh phúc của người dân sống trong hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc. Mỗi người dân đất Việt nghĩ gì đây, làm gì đây ở thời khắc lịch sử này? Văn kiện Đại hội XIV dự thảo những định hướng lớn và những nhiệm vụ cụ thể: “Phấn đấu hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Trong thời đại ngày nay, mọi thứ đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, từ công nghệ, xã hội, đến xu hướng. Không kịp thích nghi là bị bỏ lại phía sau. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự tăng tốc của các quốc gia. Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai. Chậm chân là lỡ tàu - con tàu trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên phát triển, hòa bình và thịnh vượng.

Hải Đường

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/nua-the-ky-nui-song-lien-mot-dai-tam-voc-lich-su-va-y-nghia-thoi-dai-9514ea4/
Zalo