50 năm Thống nhất đất nước: Truyền thông Mexico ca ngợi 'chiến thắng của mọi chiến thắng'
Nhiều tờ báo lớn tại Mexico ngày 29/4 (theo giờ địa phương, tức ngày 30/4 theo giờ Việt Nam) đã đồng loạt đăng tải thông tin đậm nét về thắng lợi lịch sử của Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập, thống nhất đất nước, cũng như hành trình vươn lên trở thành một trong những quốc gia đầy tiềm lực và vị thế trên trường quốc tế.

Tiêu đề bài “Việt Nam sau 50 năm thống nhất: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trên tờ Voces Del Periodista. Ảnh chụp màn hinh
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, với tiêu đề “Việt Nam sau 50 năm thống nhất: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Voces Del Periodista - diễn đàn học thuật và là tiếng nói của các nhà báo Mexico, nêu rõ hình ảnh lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập không chỉ kết thúc hơn 1 thế kỷ chìm trong các cuộc chiến, mà còn mở ra một thời đại mới cho Việt Nam: thời đại của hòa bình, thống nhất và hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội.
Voces Del Periodista khẳng định chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là chiến thắng của riêng nhân dân Việt Nam, mà đã trở thành biểu tượng rực rỡ nhất của của bản lĩnh, của ý chí quật cường và của khát vọng tự do đối với phong trào tiến bộ toàn cầu, cũng như các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Đề cập tới hành trình tái thiết và phát triển, Voces Del Periodista - diễn đàn của 45.000 nhà báo chuyên nghiệp tại Mexico - cho biết 50 năm kể từ ngày thống nhất, gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam hôm nay đã bước vào một giai đoạn phát triển mới – kỷ nguyên của khát vọng dân tộc vươn tầm thế giới.
Cụ thể, từ một đất nước nghèo nàn, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế đang phát triển năng động hàng đầu khu vực, với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt hơn 476 tỷ USD vào năm 2024, đứng thứ 33 thế giới và nằm trong Top 20 quốc gia dẫn đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Không chỉ nổi bật ở tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam còn khẳng định vị thế là một quốc gia trách nhiệm, hòa bình và tích cực hội nhập quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 30 quốc gia – trong đó có toàn bộ các nước lớn và 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).
Trên trường quốc tế, Việt Nam được nhìn nhận như một điểm tựa của ổn định và phát triển bền vững. Những đóng góp của các sĩ quan gìn giữ hòa bình LHQ, các sáng kiến về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh y tế... đều được bạn bè thế giới đánh giá cao. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tiêu đề bài “Việt Nam: 50 năm chiến thắng lịch sử” trên tờ Regeneracíon. Ảnh chụp màn hình
Trong khi đó, tờ Regeneracíon - kênh truyền thông chính luận của Đảng Phong trào tái thiết quốc gia (Morena) cầm quyền tại Mexico – cho biết ngày 30/4 trở thành ngày lễ lớn của người dân Việt Nam khi mang trong mình ý nghĩa thiêng liêng về hòa bình, đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.
Với tiêu đề “Việt Nam: 50 năm chiến thắng lịch sử”, tờ Regeneracíon nêu rõ đối với hàng triệu người từng tham gia phong trào phản chiến trên toàn thế giới, đây không chỉ là một chiến thắng đơn thuần về mặt quân sự – mà là "chiến thắng của mọi chiến thắng", một thắng lợi mang tính biểu tượng, truyền cảm hứng cho cả một thế hệ đấu tranh vì công lý, vì quyền dân tộc tự quyết trên khắp 5 châu lục.
Theo tác giả Pedro Gellert, chiến thắng của Việt Nam khẳng định hai chân lý lớn: Thứ nhất, chủ nghĩa đế quốc hoàn toàn có thể bị đánh bại. Thứ hai, sự đoàn kết quốc tế có thể trở thành một lực lượng quyết định trong việc thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc. Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của dân tộc – luôn coi đoàn kết quốc tế như một trụ cột tinh thần quan trọng trong cuộc trường chinh giành độc lập.
Đánh giá về công cuộc Đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khởi xướng năm 1986, tác giả Pedro Gellert khẳng định đây là một dấu mốc quan trọng, một bước ngoặt lịch sử mang tính quyết định đối với tiến trình phát triển của đất nước bởi sự kiện này phản ánh một nhận thức sâu sắc: không tồn tại mô hình cố định cho mọi quốc gia, mọi thời đại.
Cụ thể, theo tác giả, tại Việt Nam, Đổi mới mở đường cho sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa – nơi khu vực tư nhân được phát triển nhưng Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và giàu lòng nhân ái.
Đề cập tới con đường phía trước, nhà báo kỳ cựu khẳng định Việt Nam hôm nay là đất nước của hòa bình, ổn định và phát triển – nơi quá khứ oai hùng là điểm tựa cho một tương lai hứa hẹn. Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao vào 2045 – thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam đang viết tiếp trang sử vẻ vang bằng trí tuệ, đoàn kết và lòng yêu nước.