Nửa đời tìm nhau

Ở các địa phương miền Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm gặp một số cán bộ lão thành, học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc năm 1954. Trong câu chuyện kể của họ, ngoài ký ức đẹp về tấm lòng Nhân dân miền Bắc dành cho HSMN tham gia học tập, từ nơi ở, chén cơm, manh áo... còn là những mối tình 'cơ duyên trời định'. Người còn sống giờ tuổi đã ngoài 80, nhưng khi nhắc nhớ về kỷ niệm ở miền Bắc, họ lại ngời lên những ký ức năm xưa.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện ủy Thới Bình, trân trọng trao Huy hiệu 55 tuổi Ðảng cho bà Nguyễn Thị Quý. (Ảnh gia đình nhân vật cung cấp)

Ông Huỳnh Quốc Hoàng, Bí thư Huyện ủy Thới Bình, trân trọng trao Huy hiệu 55 tuổi Ðảng cho bà Nguyễn Thị Quý. (Ảnh gia đình nhân vật cung cấp)

Lần tìm những nhân chứng lịch sử tập kết ở bến Sông Ðốc, chúng tôi gặp ông Lê Sang (Sáu Si), sinh năm 1942, người gốc huyện Thới Bình, hiện cư ngụ tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). Gia đình ông có cả thảy 11 anh, chị em và có 3 người tập kết ra Bắc.

“Anh thứ Hai và thứ Ba theo đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc ngay sau những ngày đầu thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cha tôi (ông Lê Văn Chương) khi đó là cán bộ Huyện ủy Thới Bình, nên chuyện các con tham gia cách mạng đều được ưng thuận và cổ vũ”, ông Sang kể.

Lần lượt các anh, chị thứ Hai, Ba, Tư, Năm tham gia kháng chiến, đến năm 1954, ông Sang (12 tuổi) là con thứ Sáu trong gia đình được cha đưa lên tàu tham gia chuyến cuối tại bến Sông Ðốc.

“Tôi may mắn hơn các bạn thời ấy, ra Bắc cùng 2 người anh. Mỗi người học một ngành: anh Hai học bác sĩ, sau đó được đưa sang Liên Xô đào tạo chuyên sâu, anh về nước công tác ở Hà Nội, cưới vợ người Hà Nội rồi có lệnh hành quân về Nam phục vụ kháng chiến. Sau ngày đất nước giải phóng, anh Hai công tác ở tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long) và đón chị cùng vào. Anh, chị Hai sau khi mất được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. Anh Ba tham gia công tác tại Phòng Chính trị Hậu cần Sư đoàn 363, thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân, cưới vợ người Nghệ An, vượt Trường Sơn về Nam sau năm 1968 và công tác ở Minh Hải (nhưng sau đó anh chị mất liên lạc do hoàn cảnh 2 miền Nam - Bắc). Tôi ở lại học Tài chính, đến năm 1970 mới về Nam và được tổ chức phân công công tác tại tỉnh An Giang cho đến ngày nghỉ hưu”, ông Lê Sang kể.

Gia đình ông Sang có 2 người anh hy sinh, 5 người còn lại đều là thương binh. Năm 1985, gia đình ông được Nhà nước tuyên dương gia đình Cách mạng gương mẫu; năm 2010, mẹ ông (bà Nguyễn Thị Lén) được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Theo lời kể của ông Sang, tôi tìm gặp người chị dâu thứ Ba, bà tên Nguyễn Thị Quý, người gốc Nghệ An. Hai người cưới nhau thời ông Lê Ðại Tảng (anh Ba ông Sang) tập kết, công tác ngoài Bắc. Ông, bà có với nhau 2 con: 1 gái, 1 trai. Năm 1968, ông Tảng có lệnh trở về Nam tiếp tục công tác, kháng chiến, rồi bẵng đi một thời gian dài, đến sau giải phóng, hai người không liên lạc được, anh Ba của ông cũng không có điều kiện trở ra Nghệ An tìm gia đình. Mười năm sau giải phóng, ba mẹ ông Tảng đồng ý hôn sự mới cho con. Gia đình mới, ông Tảng có 1 người con. Ðến năm 1993, bà Quý từ Nghệ An, lần theo địa chỉ ngày xưa ông Tảng để lại, tìm về gia đình bên nội.

Bà Quý lục lại ký ức: “Năm ông Tảng chia tay về Nam, tôi ở lại bám trụ kháng chiến và nuôi con. Hòa bình bao nhiêu năm, tôi vẫn mong chờ tin ông nhưng bặt vô âm tín. Phần gia cảnh khó khăn, phần vết thương thời kháng chiến tái lại, nên mãi đến năm 1993, tôi mới cùng 2 con tìm đường vào Minh Hải theo lời kể về quê hương của ông ngày xưa. May thay, khi tìm đến huyện, hỏi về gia đình ông, nhiều người biết đến nên tìm dễ”.

Trước khi dắt cháu vào nhà, bà Quý lấy hết can đảm của một cựu giáo chức, của chiến sĩ từng dũng mãnh trước làn bom đạn. Gia đình nhà chồng trước mắt bà là những thương binh, cựu nhà giáo, cán bộ hưu trí như những người đồng đội của bà ở quê. Họ cũng từ chiến trường trở về khi quê hương im tiếng súng. Không lời trách, câu nói nặng nhẹ, họ đón bà vào nhà như cách mà ngày xưa những người thân của họ tập kết ra Bắc được Nhân dân ngoài ấy chào đón, trân quý. Những giọt nước mắt lăn nhiều hơn trên đôi gò má hốc hác của bậc làm cha, làm mẹ, của những người con trẻ. Cả nhà bỗng im thinh để chờ nghe ý kiến của người trong cuộc. Ngày gặp lại nhau, ai cũng nghĩ tình cảnh éo le “một kiểng hai quê” khó mà chấp nhận được.

Ngày chiến tranh ác liệt, chiến sĩ ở mặt trận dũng cảm lao vào trận địa, quyết tiêu diệt địch để cứu sống đồng đội, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, nhưng đôi khi sụp ngã trước cảnh tình ngang trái của bản thân trong thời bình. Một câu nói thú nhận sẽ làm lắng dịu không khí trầm lắng ấy ngay lập tức. Những gì mong chờ đã đến. Bản lĩnh của người lính giúp họ nhận nhau. Phận làm mẹ, làm vợ mấy ai chịu cảnh “chung đụng”? Thế mà có hai người mẹ, người vợ đã làm được chuyện ấy. Họ nhận nhau là chị em đặc biệt nhất! Tuy ít gặp nhau từ ngày chấp nhận, nhưng chòm xóm cũng không nghe lời trách móc, giận dỗi gì về nhau.

Cách xử trí của gia đình nhà chồng cũng phần nào an ủi tình cảnh mẹ con bà Quý vượt ngàn cây số tìm người thân. Một khoảng vườn gần 2 công phía ruộng xanh mướt, cánh đồng nhìn ngút tầm mắt trở thành quê hương thứ hai của họ. Ðó là của hồi môn nhà chồng dành riêng để con dâu và cháu nội định cư, tiếp tục học tập và đến nay đều công tác trong ngành giáo dục. Năm nay, bà Quý ở tuổi 88, sức yếu nhiều, vừa qua, Huyện ủy Thới Bình trao tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Ðảng cho bà, cả gia đình, họ hàng đều phấn khởi. Về phận con của ông Tảng, ông Sang cho biết: “Anh em tụi nó (cả con chị trước và sau) cũng thông cảm, thấu hiểu nhau nên không ai bàn đến chuyện người lớn, thân thiết cho đến bây giờ”.

Trải qua 70 năm sau tập kết, nửa thế kỷ, những mối tình trên miền đất mới, giờ mỗi tư liệu, hiện vật và nhân chứng còn sống là một câu chuyện, là hiện thân của khát vọng và tinh thần bất khuất, quả cảm. Một thời “Ði vinh quang - Ở anh dũng” vẫn mãi mãi là thế hệ vàng son của lịch sử dân tộc. Xưa họ đã hy sinh vì niềm hạnh phúc chung, giờ thế hệ con, cháu họ lại tiếp bước vinh quang. Còn họ, đây là thời điểm thụ hưởng niềm hạnh phúc, sum vầy bên gia đình, con cháu; buông bỏ hết muộn phiền, lo toan mà an nhàn tuổi xế chiều.

Anh Lê Hải Tân, con trai bà Nguyễn Thị Quý: “Ngày mẹ đưa tôi vào Nam tìm bố, tôi thấu hiểu bao khó khăn, khổ cực không ngăn được tình cảm. Quê nội với tôi ngày đó lạ lẫm, nhưng bằng tình thương yêu của gia đình bên nội, chúng tôi đã dần quen và gắn bó với quê hương thứ hai này. Tôi được ông, bà khích lệ, động viên tiếp tục theo học và anh em tôi hoàn thành di nguyện, trở thành những người giáo viên trên bục giảng. Giờ bố đã mất, mẹ tuổi già, mình không nhắc lại quá khứ, nhưng những ký ức đẹp cần được trân quý, tôn vinh”.

Phong Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nua-doi-tim-nhau-a36384.html
Zalo