Gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao thu nhập của người dân, thành phố Hà Nội chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp. Do đó, diện mạo nông thôn mới ở nhiều địa phương có sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại tạo nên không gian sống thân thuộc, yên bình cho người dân. Việc quan tâm gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp cũng là cách để người dân địa phương tích cực, tự giác hơn trong xây dựng nông thôn mới.

Nét đẹp ở các làng quê

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu, diện mạo các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi thay tích cực. Các tuyến đường làng ngõ xóm ngày càng được mở rộng, bê tông hóa, thảm nhựa phẳng lỳ, sạch sẽ; nhiều tuyến đường hoa, cây xanh có lắp đặt điện chiếu sáng, camera an ninh; các công trình nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, rộng rãi, là nơi hội họp của người dân và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; hệ thống mạng wifi miễn phí đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin của người dân… Bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng đồng bộ và hiện đại, điều đặc biệt hơn cả là rất nhiều làng quê của Thủ đô còn giữ được vẻ đẹp truyền thống của những cây đa, giếng nước, mái đình, cổng làng, những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Yên Sở (huyện Hoài Đức) là xã ven đô với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng vẫn giữ được những nét đẹp mộc mạc, cổ kính, thân thương của một làng quê Bắc Bộ xưa với nhiều công trình kiến trúc cổ, nghi lễ, những quy tắc, luật lệ truyền thống và nhiều nét văn hóa riêng có. Theo người dân nơi đây, Yên Sở vốn là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, nổi tiếng với di tích Quán Giá và Rừng Giá đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991. Yên Sở cũng sở hữu nhiều giếng cổ nên được nhiều người biết đến qua câu ca cổ “đình không xà, làng có 73 cái giếng”. Dù đang thực hiện các tiêu chí để trở thành phường nhưng xã Yên Sở luôn quan tâm, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể của địa phương. Hiện, Yên Sở còn giữ được khoảng 30 giếng cổ và được chính quyền địa phương cùng Nhân dân xây dựng khuôn viên sạch sẽ, làm rào chắn để bảo vệ giếng và bảo đảm an toàn cho trẻ em.

 Hà Nội chú trọng kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hồng Đạt

Hà Nội chú trọng kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hồng Đạt

Còn xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì đang cho thấy một bức tranh của miền quê cách mạng đã đổi thay toàn diện, rộn ràng nhịp sống mới. Sự chuyển mình về kinh tế, văn hóa là những giá trị cốt lõi mà NTM kiểu mẫu ở địa phương đem lại cho người dân. Yên Mỹ đã có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, tại các tuyến đường chính, người dân trồng các vạt hoa thạch thảo, ngũ sắc, hoa hồng… xóa bỏ hoàn toàn các điểm rác thải. Điều đặc biệt ở đây là Yên Mỹ tổ chức nhà truyền thống để lưu giữ các hiện vật lịch sử của cộng đồng địa phương truyền lại cho các thế hệ sau. Hiện “Bảo tàng làng Yên Mỹ” trưng bày hơn 300 hiện vật, chủ yếu là vật dụng gắn bó với lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, có hiện vật tuổi đời hơn 100 năm, được đóng góp từ hơn 80 cá nhân, như: chiếc cối xay thóc thành gạo; xay gạo thành bột, các dụng cụ cày, bừa, dụng cụ sinh hoạt của nhà nông.

Nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Nguyễn Văn Chí, quá trình xây dựng NTM, ngoài những tiêu chí cứng về xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội rất chú trọng đến các tiêu chí “mềm” trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong xây dựng và phát huy công năng của các thiết chế văn hóa. Tiêu biểu là tại các xã, các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao… không ngừng được nhân rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.

Minh Quang là xã miền núi đầu tiên của huyện Ba Vì và của thành phố Hà Nội đã “cán đích” xây dựng NTM nâng cao, trở thành điểm sáng cho nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Một trong những điểm nhấn ấn tượng ở vùng quê sơn cước này, đó chính là văn hóa dân tộc Mường được bảo tồn, phát triển. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Tha cho biết, những năm gần đây, được sự quan tâm của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, xã Minh Quang đã cơ bản trang bị đủ dàn cồng chiêng cho các thôn. Theo đó, ở các thôn có đồng bào dân tộc Mường đều thành lập được các câu lạc bộ cồng chiêng. Hằng năm, xã Minh Quang còn tổ chức “Ngày hội bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, không chỉ đem lại niềm vui to lớn cho đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, bảo tồn nét đẹp văn hóa riêng có của địa phương.

Một trong những nét mới khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là bảo đảm NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân. Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa. Bên cạnh đó, Hà Nội đã chú trọng khai thác, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa đa dạng, đặc sắc và coi đó là tài sản quý cần bảo vệ và phát huy để nông thôn không chỉ giàu, đẹp mà còn đậm đà bản sắc văn hóa. Nhờ đó, diện mạo NTM của các địa phương ở Hà Nội không chỉ mang nét hiện đại, sôi động của phố thị mà còn giữ được nét giản dị, yên bình vốn có.

Còn ở thôn 6, xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ), nhà văn hóa thôn được xây dựng từ năm 2015 đến nay đã trở thành một trong những “điểm hẹn tinh thần” cho người dân với rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội họp. Ông Bùi Gia Điều (người dân thôn 6) cho biết, nhà văn hóa có 2 sân bóng nên chiều nào cũng có hơn 40 người cao tuổi tập trung để chơi bóng chuyền hơi. Đây cũng là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hằng ngày, các thành viên gặp gỡ ở nhà văn hóa để trao đổi kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe, thể dục dưỡng sinh, ca hát. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6 Đặng Văn Mão phấn khởi chia sẻ: nhờ có NTM, các công trình hạ tầng nông thôn, trong đó có các nhà văn hóa được xây dựng khang trang, rộng rãi, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm”.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Nguyễn Văn Chí cho biết, trong số 19 tiêu chí của bộ tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao có 2 tiêu chí liên quan đến lĩnh vực văn hóa, là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa. Đến thời điểm này, toàn thành phố có 2.339 nhà văn hóa/2.362 thôn, đạt tỷ lệ 99,3% số thôn có nhà văn hóa. Ở các thôn, xã ngày càng có nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. “Mục tiêu cao nhất của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân theo tiêu chí của hạnh phúc. Bên cạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hà Nội luôn quan tâm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, không “mặc đồng phục” như nhau mà khuyến khích các địa phương phát huy từ thế mạnh, đặc thù, truyền thống để đem lại nét riêng, đa dạng hóa mô hình NTM ở Thủ đô”, ông Chí khẳng định.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội)

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gin-giu-phat-huy-gia-tri-truyen-thong-tot-dep-post400508.html
Zalo