Giấc mơ vườn giữa phố
Ngày thứ Bảy, nhà tôi nhận được chiếc hộp trong đó đựng hai chậu cây. Một cây bầu, một cây mướp, đều vừa mọc lên mỗi bên hai chiếc lá. Chúng rung lên trong gió, mỏng manh.
Đó là cây do một thầy giáo trẻ đồng nghiệp trong trường đem tặng, để về trồng cho vui. Chủ Nhật, vợ tôi ra vựa cây mua về bao đất dinh dưỡng, một tấm lưới bảo tôi giăng lên ở ban công nhà rồi trồng hai cây nhỏ vào hai chiếc chậu sành cũ. Tưới tắm chăm bẵm một tháng rưỡi, bầu, mướp leo dần lên tấm lưới ấy đón nắng sớm mưa chiều, giờ đã sắp ra hoa. Dây mướp dây bầu loanh quanh trên một không gian nhỏ hẹp, chẳng hiểu rồi sẽ “đậu” trái ra sao. Nhưng mỗi khi ngắm nhìn màu xanh của chúng, những chiếc vòi mảnh mai vươn ra nắm lấy sợi lưới, có cảm giác vui vui. Lại vu vơ nhớ thuở nao quê nhà bầu và mướp vươn đầy trên giàn, che khoảng sân nhà râm mát, lõng thõng cơ man là trái. Mỗi lứa như vậy, vừa ăn vừa hái đem cho xóm giềng từ mùa xuân sang mùa hạ. Cũng lâu lắm rồi!
Rồi tôi chợt nhớ đến anh bạn đồng nghiệp cùng quê, vào đây mưu sinh, nhà ở cùng quận Gò Vấp, TPHCM. Mỗi bận í ới nhau lai rai vài ly bia, anh lại xách ra để trên bàn một bọc. Khi thì cóc, khi thì ổi, lại có hôm một túi ớt trái vừa xanh vừa tím, đủ màu. Đó là một người mê vườn mê cây đến độ chăm trồng rồi viết sách về cây, lập trang web Thích trồng cây thu hút cả hơn 500.000 thành viên, sớm chiều trao đổi kinh nghiệm làm vườn, nói chuyện giống cây và trăm thứ chuyện xoay quanh khu vườn của bao người giữa phố.
Ngày ngày ngoài giờ làm việc, hầu như anh xoắn xuýt bên cây. Chăm bón, bắt sâu, nâng niu từng mầm từng đọt. Trong cuốn Nụ cười trên lá của mình xuất bản năm 2018, anh tự sự: “Mỗi sáng sớm, tôi mò lên vườn tưới cây, mỗi cuối tuần, tôi ở trên vườn gieo hạt, giâm cành, trồng cây, khi mệt thì ngồi uống trà khổ qua rừng tự làm, ngắm chồi non lá biếc và nghĩ ngợi. Và tôi viết, trên nhật ký của điện thoại, những chuyện vui vui hàng ngày”. Anh viết báo, bút danh Ngọc Hồ, người quê Quảng Trị, có thâm niên làm báo gần 30 năm thì đã phân nửa thời gian ấy, anh lập khu vườn riêng của mình trên sân thượng cho đến nay.
Rồi tôi cũng nhớ đến Hà, một gã lãng tử yêu cây và hoa theo kiểu rất riêng. Một buổi chiều đầu tháng 12, tôi nhận cuộc điện thoại của một người bạn rủ đến nhà Hà chơi, hóa ra là nhạc sĩ Đăng Hà, tác giả của các ca khúc Chiều Nam Giang, Thị trấn cổ bình yên, Bảo Lộc trong tim tôi... Ngôi nhà trong con hẻm ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TPHCM, anh trồng đủ loài cây trên sân thượng. Trồng cây và hoa để ngắm, và để tụ hội dưới bóng xanh mát ấy với vài ba anh bạn nhạc công đến cùng hòa tấu vào mỗi đêm cuối tuần. Hà yêu nhạc và chơi guitar, phối khí cho nhiều show âm nhạc. Nhưng mỗi khi buông đàn, anh lại rong ruổi núi rừng, tìm hoa và cây lạ đem về trồng, chăm bẵm công phu lắm.
Chúng tôi ngồi nhâm nhi vài ly rượu trên sân thượng. Xung quanh là sứ Thái Lan, kim sa tùng, dừa Nam Mỹ, phong lan đủ giống, có cả cây lồng đèn dại…, Hà cùng mấy người bạn so đàn hòa tấu. Âm thanh từ các cây đàn accordion, violon và guitar hòa điệu, réo rắt du dương. Nghe, tưởng như một thoáng nước suối róc rách, cây rừng dào dạt. Tưởng như các loài phong lan anh lặn lội đi tìm hái ở trên rừng tự đâu đem về, gió đùa thoảng chút hương đưa.
*
* *
Sự thưởng thức kể ra có vẻ an nhàn, song tôi biết nhạc sĩ Đăng Hà đã phải chịu gian khổ vì sự đam mê ấy ra sao khi dựng ngôi vườn hoa lá ấy. Cũng như nhà báo Ngọc Hồ, để có những phút giây trầm ngâm nghĩ ngợi trong khu vườn nhỏ của mình, mỗi ngày phải cật lực thế nào khi bao bận lên xuống cầu thang, mang xách đủ thứ lên sân thượng của ngôi nhà ba tầng lầu, để chăm chút vun trồng. Hỏi vất vả lắm không, anh cười “cũng là thể dục thôi mà”!
Tôi hình dung nụ cười, niềm vui của họ chắc chẳng khác gì mình, khi mỗi sáng nhìn dây bầu dây mướp nho nhỏ vươn nụ.
Để thỏa một chút giấc mơ vườn giữa phố, có sao đâu!