Nữ tướng Nam Bộ viết nên huyền thoại

Đầu tháng 4/2025, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đi thực tế, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm ở tỉnh Bến Tre dành cho hội viên. Trong chuyến đi này, đoàn đã đến nhiều điểm di tích lịch sử của tỉnh Bến Tre: Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu; Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển bến Thạnh Phong và Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định. Đồng chí Nguyễn Thị Định là nữ anh hùng Nam Bộ, là nữ tướng đã viết nên huyền thoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời ngợi khen: 'Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta mới có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam và cho cả dân tộc ta'.

Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định tọa lạc tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nơi đây lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật và một số công trình nhằm tái hiện sự kiện liên quan tới cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nữ tướng huyền thoại của “Đội quân tóc dài” trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Bà còn là người chỉ huy con tàu không số đầu tiên vượt trùng khơi đưa 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào tận chiến trường Nam Bộ. Đây là tiền đề để Trung ương nghiên cứu, đánh giá, đi tới quyết định thành lập tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, tiền thân của những đoàn tàu không số sau này.

Về Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển bến Thạnh Phong - nghe kể chuyện nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Định vượt biển chở 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam. Ảnh: NGỌC HẢI

Về Di tích đường Hồ Chí Minh trên biển bến Thạnh Phong - nghe kể chuyện nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Định vượt biển chở 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam. Ảnh: NGỌC HẢI

Nữ tướng Nguyễn Thị Định (được người dân gọi là cô Ba Định) sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đồng chí là con út trong gia đình có 10 anh em. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, 16 tuổi, Út Định bắt đầu tham gia cách mạng, nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và tham gia vận động quần chúng đấu tranh. Đến 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong thời gian này, đồng chí Út Định xây dựng gia đình với đồng chí Nguyễn Văn Bích (Ba Bích) - Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, ở bộ phận hoạt động công khai.

Năm 1939, khi cô Ba Định mới sinh con trai được 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt đồng chí Bích. Không bao lâu, đồng chí Bích bị đày đi Côn Đảo. Năm 1940, đồng chí Định cũng bị mật thám vây bắt, bị đày đến nhà tù Bà Rá (tỉnh Bình Phước hiện nay). Năm 1942, đồng chí Bích đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Đau đớn tột cùng, nhưng nhớ lời chồng dặn dò: “Dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu gian khổ, hy sinh”, cô Ba Định có thêm nghị lực để đứng vững cho đến khi ra tù (năm 1943).

Tháng 3/1946, khi mới 26 tuổi, cô Ba được Khu 8 chọn là thành viên nữ duy nhất tham gia chuyến vượt biển đầu tiên ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo với Bác về tình hình Nam Bộ sau Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1945 và xin vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: NGỌC HẢI

Phòng trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: NGỌC HẢI

Trong hồi ký của nữ tướng Nguyễn Thị Định đã viết: “Tôi đang say sưa làm công tác thăm hỏi bộ đội thì có lịnh Tỉnh ủy gọi về. Tôi được giao nhiệm vụ mới, rất đặc biệt, hoàn toàn không ngờ tới. Tôi được cử đi trong phái đoàn ra miền Bắc, báo cáo với Hồ Chủ tịch và Chính phủ tình hình sau Hiệp định sơ bộ 6/3 và xin chi viện cho Nam Bộ. Trong đoàn có anh Đào Văn Trường - Tư lệnh Quân khu 8; anh Ca Văn Thỉnh và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Nhận được tin này, tôi băn khoăn, nửa muốn đi, nửa muốn không. Muốn đi để thấy miền Bắc, nhứt là được gặp Bác Hồ, điều mà nhân dân Nam Bộ từ trẻ già, trai, gái thường ghen với nhân dân miền Bắc được vinh dự sống gần Bác. Nhưng tôi lại không muốn đi vì mình còn non kém, ra miền Bắc biết báo cáo, ăn nói thế nào? Nhưng phần muốn đi thì nhiều, nên khi Tỉnh ủy đả thông lại, tôi nhận ngay”.

Sau khi gặp Bác Hồ và tiếp nhận vũ khí, cô Ba được phân công chỉ huy lái con thuyền chở vũ khí về lại Bến Tre. Đến tháng 11/1946, đoàn quay về với 12 tấn vũ khí. Chính chuyến đi lịch sử đầu tiên này đã mở ra con đường tiếp tế vũ khí trên biển, mở ra đường Hồ Chí Minh trên biển sau này. Điều đặc biệt, phương tiện vượt biển chở vũ khí chỉ là một con thuyền gỗ, chèo bằng tay và sử dụng buồm để lợi dụng sức gió. Nhưng với sự mưu trí, sáng tạo, nữ thuyền trưởng đã chỉ huy, lèo lái chở thành công 12 tấn vũ khí từ Bắc về Nam.

Đầu năm 1960, đồng chí Nguyễn Thị Định đã cùng với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Bến Tre làm nên cuộc Đồng Khởi lịch sử, mở màn cho một giai đoạn đấu tranh cách mạng mới ở Bến Tre và cả miền Nam. Phong trào Đồng Khởi này thắng lợi hoàn toàn một phần nhờ vào 1 đội quân, đó là “Đội quân tóc dài”, lực lượng chủ yếu là phụ nữ có thể huy động số lượng rất đông. Chính bà Ba là người khởi xướng và lãnh đạo đội quân này. Khi phong trào Đồng Khởi đang ở giai đoạn 2 (phong trào có 3 giai đoạn), tháng 5/1960, bà Ba nhận được tin người con trai duy nhất bị bệnh mất. Điều này làm bà rất buồn, suy sụp tinh thần rất nhiều. Nhưng khi bà nghĩ, con bà mất rồi nhưng con chiến sĩ, con của những bà mẹ vẫn còn cho nên bà nén đau thương, biến đau thương thành sức mạnh đứng lên lãnh đạo phong trào Đồng Khởi giành thắng lợi.

Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: NGỌC HẢI

Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: NGỌC HẢI

Năm 1965, cô Ba Định được phân công làm Phó Tư lệnh quân giải phóng miền Nam; tại Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam, cô Ba làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Tháng 4/1974, cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nữ tướng duy nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, nữ tướng Ba Định đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước: Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Từ tháng 6/1987 đến tháng 8/1992, nữ tướng Ba Định giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Bà được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin, danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân…

Với 72 năm tuổi đời, cô Ba Định có 56 năm hoạt động cách mạng kiên cường, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thị Định là nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần yêu nước, sự kiên trung và ý chí bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Và đồng chí mãi là tấm gương sáng, trao truyền những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/202504/nu-tuong-nam-bo-viet-nen-huyen-thoai-12032f1/
Zalo