Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Hành trình từ di sản đến không gian sáng tạo
Trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ngày Quốc tế Lao động (1-5), chiều 25-4, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc triển lãm 'Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Hành trình từ Di sản đến Không gian sáng tạo' nhân dịp kỷ niệm 37 năm thành lập Trung tâm (1988-2025).

Khai mạc triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Hành trình từ Di sản đến Không gian sáng tạo”. Ảnh: Hoàng Lân
Triển lãm đã điểm lại hành trình gần bốn thập kỷ gìn giữ và phát huy giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi hun đúc tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo và trọng dụng hiền tài.
Thông qua các tài liệu, hình ảnh, ứng dụng infographic và công nghệ hiện đại, triển lãm tái hiện sinh động chặng đường từ những ngày đầu gian khó khi di tích đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng đến sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua. Trên chặng đường đó, có sự đóng góp nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo các cấp, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế và đội ngũ cán bộ, người lao động làm việc tại di tích qua các thời kỳ đã chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu phát biểu. Ảnh: Linh Phạm
Triển lãm cũng là lời tri ân dành cho những thế hệ quản lý văn hóa đã và đang tích cực bảo vệ di sản, đồng thời thể hiện rõ định hướng phát triển của Trung tâm để đưa không gian di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, cho biết: “Chúng tôi hy vọng triển lãm không chỉ là dịp nhìn lại chặng đường đã qua mà còn đưa ra thông điệp về sự đối thoại giữa truyền thống và hiện đại tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, giữa gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong điều kiện sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại. Hiện Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang nỗ lực trở thành trung tâm sáng tạo của Hà Nội, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”.

Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Linh Phạm
Tại lễ khai mạc, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong việc giữ gìn và phát huy di sản. Đồng thời, PGS.TS Đặng Văn Bài cũng tin tưởng Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy khu vực hồ Văn trở thành không gian sáng tạo di sản hấp dẫn của Thủ đô.
“Cần đẩy mạnh hợp tác công – tư, mang đến sức sống mới cho khu hồ Văn để di sản thực sự sống trong đời sống”, PGS.TS Đặng Văn Bài góp ý.

Khách quốc tế xem các hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám xưa và nay. Ảnh: Hoàng Lân
Tại triển lãm, công chúng được xem các tài liệu, tư liệu về thời kỳ đầu hình thành Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi mới chỉ có 8 người (năm 1988) cho đến năm 2025 có 87 người. Trải qua các thời kỳ, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có nhiều hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích và phát triển di tích trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.
Bên cạnh đó, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đón tiếp nhiều đoàn ngoại giao quốc tế khi đến Hà Nội.

Quá trình tu bổ, tôn tạo di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoàng Lân
Triển lãm “Hành trình từ Di sản đến Không gian sáng tạo” diễn ra tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 25-4 đến hết ngày 20-5-2025.