Nữ thương binh anh hùng và 50 năm tìm lại tên cho đồng đội
Bà trở thành nhân vật trung tâm của báo chí nhiều năm qua bởi cuộc đời đầy oai hùng và bi tráng.
Ấn tượng sâu đậm nhất ngoài chiến công thời kháng chiến gian khổ là tấm lòng bao dung, là nghị lực vượt lên số phận. Ngót nửa thế kỷ, bà nguyện sống trọn vẹn cùng đồng đội. Bà chính là nữ biệt động anh hùng Lê Hồng Quân.
Đã hẹn trước nhưng khi tìm đến nhà riêng của bà ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ, tôi lại được người thân của bà hướng dẫn: “Cô cứ ra bờ sông cạnh nhà thì sẽ gặp. Mỗi khi có chuyện vui, buồn gì bà cũng ra đó!”.
Thấy tôi, bà liền khoe: “UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị công nhận liệt sĩ cho 5 chiến sĩ biệt động trung kiên của Tiểu đội 3, Trung đội 3 (A3, B3) thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng hy sinh trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Mặt trận liên quận 2-4. Gần nửa thế kỷ trôi qua, cuối cùng đồng đội của tôi đã được công nhận liệt sĩ. Họ được “minh oan”. Lòng tôi mừng không thể tả!”.
Nghe hai từ “minh oan”, tôi hơi tò mò. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, bà giải thích: Sau đợt 1 Tết Mậu Thân 1968, lực lượng đặc công biệt động của ta bị tổn thất nặng nề. Tháng 2-1968, Hội nghị thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định họp và quyết định thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động. Đang chưa biết đặt tên là gì thì đồng chí Nguyễn Thị Tấn (Ba Hồng), Khu ủy viên, Trưởng ban Phụ vận đề xuất lấy tên nữ anh hùng Lê Thị Riêng, nguyên Trưởng ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định vừa bị giặc sát hại.
“Khi thành lập, đơn vị được phân công hoạt động ngay tại nội đô-nơi cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy ở Sài Gòn nên mọi thông tin đều bí mật tuyệt đối. Không ai biết rõ tên hay quê quán thật mà chỉ biết qua bí danh. Thế nên khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị giải tán, những người hy sinh coi như đã hoàn thành nghĩa lớn với đất nước; những người may mắn sống sót có người được ghi nhận công lao nhưng cũng có người lại bị mang hàm oan là chỉ điểm, tay sai, bán nước... Đau lòng lắm cháu à!”, bà Quân sụt sùi kể.
“Vậy cô làm gì để minh oan cho họ?” - tôi hỏi.
Như khơi đúng mạch cảm xúc, bà kể: “Khi kết thúc điều trị từ Đức trở về, vừa xuống sân bay, tôi nghe tin đơn vị giải tán. Lúc đó tôi suy nghĩ đơn giản, đã đi làm cách mạng, đất nước thống nhất, mục tiêu của đại cuộc hoàn thành là coi như xong phận sự. Chỉ đến khi chúng tôi có ý định thành lập Ban liên lạc Tiểu đoàn, đặc biệt là làm chính sách, hồ sơ người có công... thì mới biết là cần phải có đủ giấy tờ để chứng minh: Đơn vị nào? Ngày, tháng, năm thành lập? Ai ký quyết định thành lập?...”.
Vậy là hành trình tìm lại tên cho đồng đội bắt đầu. Để có cơ sở pháp lý, bà phải lặn lội khắp nơi, gõ cửa từng cơ quan chức năng để minh chứng, cung cấp hồ sơ pháp lý về Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Tuy nhiên, thứ duy nhất bà có được lúc bấy giờ chỉ là bức thư tay của ông Trần Bạch Đằng, Bí thư Phân khu Nội đô, người trực tiếp tham dự buổi họp thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Trong thư, ông Trần Bạch Đằng viết: "Vì bí mật bất ngờ tiến công địch nên tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho sáu Xuân (tên thật là Lê Thị Bạch Cát, Bí thư Quận đoàn 2, đã hy sinh) và Hồng Quân phụ trách hai lực lượng biệt động đồng khởi của Quận đoàn 2 và Tiểu đoàn Lê Thị Riêng...".
Dù bức thư khẳng định có sự tồn tại của đơn vị nhưng các đồng chí: Nguyễn Thái Sơn (bí danh Bảy Bình), Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định, thay mặt Bộ chỉ huy Tiền phương Nam truyền đạt tinh thần thành lập tiểu đoàn của đồng chí Ba Hồng; Thiếu tướng Võ Văn Thạnh, Chính ủy Phân khu Nội đô-những người góp mặt trong buổi thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đều không còn nữa nên rất khó để minh chứng.
Nhiều ý kiến tranh luận được nêu lên nhưng quyết tâm không bỏ cuộc của bà cuối cùng cũng được đền đáp. Ngày 12-9-2002, tức 34 năm sau ngày Tiểu đoàn Lê Thị Riêng được thành lập, đồng chí Võ Văn Cương, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký Quyết định số 413-QĐ/TU Công nhận việc thành lập Tiểu đoàn Lê Thị Riêng.
Đang chìm trong mạch nguồn câu chuyện thì đôi chân bà bị đau. Dù vậy bà vẫn vui vẻ nói: “Tôi giờ như chuyên gia dự báo thời tiết. Cứ chân đau là biết hôm nay trời có mưa hay không. Nếu không chê bà già này lắm lời thì mời cô về nhà tôi vừa uống nước vừa trò chuyện”.
Những huân, huy chương của bà treo đầy phòng khách không khiến tôi ngạc nhiên, bởi những chiến công của nữ biệt động Lê Hồng Quân đã quá nổi danh. Ngay khi mới 8 tuổi, cô bé Đào Thị Huyền Nga (tên thật của bà Quân) đã đi theo mẹ tiếp tế lương thực, thực phẩm và làm liên lạc... Năm 14 tuổi, bà được bầu làm Phó bí thư Xã đoàn, rồi Xã đội phó phụ trách lực lượng du kích, dân quân; hướng dẫn nhân dân làm hầm chông và kêu gọi lính cộng hòa bỏ ngũ. Năm 1962, bà được đề nghị kết nạp Đảng, nhưng vì thiếu tuổi (15 tuổi) nên địa phương không quyết định được. Hồ sơ chuyển vượt cấp trình Tỉnh ủy Cần Thơ chuẩn y. Tại Lễ kết nạp Đảng ngày 13-12-1962, bà được tổ chức đặt tên là Lê Hồng Quân. Năm 16 tuổi, bà chính thức nhập ngũ, được điều về đơn vị thuộc bộ đội Tây Đô. Sau đó, theo chủ trương của Trung ương cục miền Nam, cuối năm 1965, bà được điều động tăng cường cho chiến trường Sài Gòn-Gia Định.
Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, nữ chiến sĩ Lê Hồng Quân với vai trò là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng được biết đến là một trong những nữ biệt động gan dạ, mưu trí. Bà tự cắt một cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu kiên cường.
Sự kiên cường của nữ anh hùng này còn được biết đến qua hành trình khổ luyện để tự đi lại dù 23 lần phải lên bàn mổ. Đặc biệt trong lần điều trị tại Đức, các y, bác sĩ chẩn đoán bà bị gãy xương sườn, vỡ xương mặt và hai chân, tai phải điếc, mũi trái không ngửi được mùi, mắt trái không nhìn được, hiện còn gần 200 mảnh đạn trong người nên không thể vận động được.
Dù vượt qua số phận nhưng thương tích trong chiến tranh và những đòn roi tra tấn trong thời gian bị tù đày nơi Côn Đảo khiến người phụ nữ ấy không còn khả năng làm mẹ. Nhà không có tiếng trẻ con, nhưng niềm vui tuổi già của bà giờ đây là việc đồng đội hy sinh được công nhận liệt sĩ, những người còn sống thì được hưởng chính sách theo quy định hoặc ít nhất không còn mang tiếng oan tay sai, bán nước... “Sau nhiều năm miệt mài, số lượng hồ sơ chính sách được xác nhận đến nay đã lên tới 200 người. Trong đó có 80 trường hợp được nhận huân, huy chương, bằng khen, chế độ của Nhà nước hiện hành", bà Quân vui vẻ nói.
Chạm tay vào những mảnh đạn chi chít ở chân, nhìn những bước đi đầy khó nhọc của bà, tôi hỏi: “Vì sao cô không an hưởng tuổi già mà lại chọn công việc vất vả này?”. Giọng bà mạnh mẽ khẳng định: “Đó là tình đồng đội. Lãng quên người đã mất là giết họ thêm lần nữa!”.
Với chất giọng khi đanh thép, khi nhẹ nhàng, bà kể về rất nhiều trường hợp được bà và đồng đội xác nhận. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Nhiều, quê ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh-một đồng đội thuộc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng nhưng được tổ chức phân công hoạt động bí mật tại bót Hàng Keo. Bót Hàng Keo vốn nổi tiếng ác ôn nên khi hòa bình, đồng chí này bị tiếng oan là bán nước, tay sai. Do không có gì để chứng minh nên sau này các con ông Nhiều đều bị xếp vào dạng theo dõi, dè chừng dù công tác, cống hiến, là những nhân tố tiêu biểu trong thời kỳ kiến thiết, xây dựng quê hương. “Phải mất 4 lần làm hồ sơ, tìm lại các nhân chứng, trình ký các cấp, ngành chức năng, ông Nhiều và gia đình mới được nhận Huy chương và các chế độ theo quy định. Thế nhưng đó không phải là tất cả với ông. Điều ông Nhiều vui nhất là giải phóng cho các con của mình khỏi “vết đen” từ lý lịch của ba. “Tôi vẫn nhớ ngày cầm tờ giấy xác nhận, anh đã khóc như đứa trẻ uất ức, tủi hờn bao lâu nay. Anh chỉ gọi các con ơi rồi nghẹn ngào...”, bà Quân xúc động kể.
Với cái tâm sáng của người cộng sản kiên trung 62 năm tuổi Đảng; cái tâm của Bộ đội Cụ Hồ, của một nữ biệt động luôn làm theo lời Bác, đi theo lá cờ của Đảng quang vinh luôn xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, “hành trình sáng tác” những khúc anh hùng ca do chính những người phụ nữ như bà Quân và đồng đội viết nên bằng những âm điệu bi tráng như đã thấm vào đất, hòa vào mây.
Trò chuyện hồi lâu, giọng bà khàn hơn, cơ thể không cho phép ngồi lâu nên tôi chào bà để ra về. Lúc rời đi, bà còn ưu ái tặng tôi tập thơ mang tên “Nước mắt chảy ngược” do bà sáng tác với lời dặn chân tình: “Tôi làm thơ không hay nhưng vẫn cứ làm như một mệnh lệnh trái tim thiêng liêng. Viết để nhớ về người thân, về đồng đội, về quê hương đất nước; viết để không quên những người đã ngã xuống cho Tổ quốc trường tồn”.
Biết ơn quá khứ để sống tốt đẹp hơn. Đó là tất cả những gì bà Quân muốn gửi gắm.