Không vội chọn quốc phục | Hà Nội tin mỗi chiều
Có lẽ mỗi người đều có những quy chuẩn đại diện riêng cho cá nhân mình. Nên việc đề xuất khởi động chọn quốc phục Việt Nam đã trở nên 'nóng' đến vậy.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đưa ra kiến nghị xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam. Đại biểu cho biết: “Việt Nam chưa có bộ nhận diện văn hóa rõ nét như Nhật Bản, Hàn Quốc. Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam còn có quốc phục, quốc hoa, quốc cầm, quốc vũ, quốc võ, quốc tửu, ẩm thực quốc gia. Có vậy mới đủ những yếu tố để tạo nên chuẩn mực cho một quốc yến của Việt Nam tại sự kiện quốc gia, quốc tế lớn”. Vị đại biểu này cũng chia sẻ, thời gian gần đây, giới trẻ quan tâm đến áo dài nam và mặc nhiều tại các sự kiện văn hóa, lễ Tết và ngày cưới. Ông cho rằng "đây là thời điểm phù hợp để Bộ khởi động lại việc chọn quốc phục".
Đây là một kiến nghị rất đáng xem xét và cân nhắc vì đây là vấn đề cực kỳ quan trọng và phải làm rất thận trọng.
Trong thời buổi giao lưu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là vô cùng quan trọng. Ít nhất là từ lời ăn, tiếng nói cho tới nếp ăn mặc rồi cao hơn là giao tiếp, ứng xử. Như Cố đô Huế và những tà áo dài - địa phương đã có nhiều cách làm hay về câu chuyện này.
Không phải ngẫu nhiên nói tới Huế người ta nghĩ ngay tới áo dài. Địa phương này đã phát động và đẩy mạnh việc gìn giữ và phục hưng áo dài truyền thống, phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững.
“Người Huế luôn quan niệm y phục xứng kỳ đức. Vì vậy, trang phục áo dài không chỉ thuần túy là chuyện áo quần mà đặc biệt đã được biểu tượng hóa rõ nét hệ chuẩn mực giá trị thẩm mỹ và đạo đức, luân lý của xã hội, gắn liền việc phân định danh phận, vị thế, vai trò cá nhân, giai tầng trong xã hội” – Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã chia sẻ như vậy trên một tờ báo.
Ngày 12/8, thông tin từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Bộ đã công nhận Tri thức may mặc, áo dài Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Trước đó, từ tháng 9 năm 2020, cán bộ, công chức của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống khi đi làm việc; trong đó nam công chức mặc áo dài ngũ thân; quy định áp dụng vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng, đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung toàn cơ quan.
“Nói về tính thời điểm để đưa ra kiến nghị xây dựng bộ nhận diện bản sắc văn hóa Việt Nam trong đó có quốc phục, tôi nghĩ chưa phải là hợp lý hoàn toàn. Việc chọn quốc phục là việc làm không đơn giản bởi Việt Nam là một đất nước có cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Vì vậy, làm thế nào để tôn trọng sự đa dạng nhưng tạo ra được cái mới và sáng tạo để thể hiện bản sắc của đất nước là cả một vấn đề lớn, cần rất nhiều thời gian và công sức.” - TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã trao đổi như vậy khi biết thông tin này.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, việc chọn một loại trang phục nào đó hay sáng tạo quốc phục phải làm sao để thể hiện đó là một trang phục bản sắc Việt Nam, đại diện cho một cộng đồng lớn, một quốc gia đa dạng các dân tộc cùng chung sống và chúng ta phải nhìn thấy trong đó có sắc thái của nhiều dân tộc. Nôm na là trang phục đó phải thể hiện bản sắc văn hóa của đất nước trên cơ sở đồng thuận của cộng đồng. Do vậy, cần tiến hành các cuộc khảo sát, đánh giá và những nghiên cứu công phu hơn nữa chứ không thể nói rồi để đó.
Học sinh cấp 1, cấp 2 ngày trước có quy định đồng phục học sinh là áo trắng, quần sẫm màu, sơ vin và đi dép quai hậu hoặc giày. Có vậy thôi nhưng cũng nảy sinh ra nhiều vấn đề nào là: nếu áo lỡ có in chữ nhưng vẫn màu trắng có được chấp nhận không hay áo có cổ hay không cổ thì được cán bộ lớp thông qua, không trừ điểm thi đua…Huống hồ, câu chuyện này đại diện cho cả một dân tộc thì việc có nhiều ý kiến trái chiều là không thể tránh nổi.
Chúng ta không nên “vội” trong thời điểm này khi đưa ra kiến nghị chọn bộ nhận diện văn hóa, trong đó có quốc phục nhưng cũng nên sớm có những cuộc làm việc để tìm ra quốc phục cho đất nước trước làn sóng văn hóa ngoại nhập đang ngày càng có nguy cơ tiến sâu hơn qua các nền tảng số.