'Báu vật' của già làng người Pa Cô ở vùng biên

Trong kho nhạc cụ dân tộc của mình, vị già làng Hồ Cu Chảnh có cặp xar (tiếng Pa Cô) gắn bó với cụ 50 năm, là kỷ niệm tuổi trẻ được những người có chức sắc cũng như bà con dân bản xem như báu vật.

Đồng bào Pa Cô cư trú chủ yếu trên những vùng núi cao, cuộc sống gắn bó với núi rừng. Trong quá trình lao động sản xuất, họ tạo ra cho riêng mình những loại hình âm nhạc dân gian phong phú. Người Pa Cô thường gửi gắm những tình cảm của mình đến trời, đất bằng lời ca, tiếng hát, các làn điệu dân ca truyền thống. Qua thăng trầm của thời gian, những thế hệ sau này vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống của cha ông từ ngàn xưa để lại.

Người Pa Cô thường gửi gắm những tình cảm của mình đến trời, đất bằng các lời ca, tiếng hát, các làn điệu dân ca truyền thống (ảnh: N.P.).

Người Pa Cô thường gửi gắm những tình cảm của mình đến trời, đất bằng các lời ca, tiếng hát, các làn điệu dân ca truyền thống (ảnh: N.P.).

Người dân xã biên giới Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho rằng, những lễ hội của đồng bào Pa Cô trong vùng phải có sự góp mặt của "ban nhạc" với nhiều nhạc cụ dân tộc do già làng bản Kỳ Tang Hồ Cu Chảnh (87 tuổi) làm trưởng nhóm thì mới thật trọn vẹn.

"Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Pa Cô, đặc biệt là khi diễn ra lễ hội. Tiếng hát hòa với tiếng khèn, tiếng đàn sẽ xua tan mệt mỏi, tạo niềm vui trong cuộc sống. Mỗi lần tổ chức các lễ hội truyền thống, nhóm chúng tôi sẽ đến để chơi nhạc cụ. Người thổi khèn, người thổi tù và, người hát, tôi đảm nhiệm vai trò gõ xar và nhạc trưởng", cụ Chảnh chia sẻ.

Cụ Hồ Cu Chảnh cùng cặp nhạc cụ xar.

Cụ Hồ Cu Chảnh cùng cặp nhạc cụ xar.

Theo cụ Chảnh, người Pa Cô có nhiều nhạc cụ độc đáo với nhiều làn điệu hay. Nhạc cụ của người Pa Cô có thể sử dụng riêng lẻ hoặc cùng hòa tấu. Nhạc cụ đa dạng thường góp vui trong các dịp lễ hội, Tết, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giao duyên, nghỉ ngơi giữa giờ lao động...

Là người con của bản làng, với niềm đam mê và trách nhiệm phát huy, lưu truyền văn hóa dân tộc, cụ Chảnh thành thục sử dụng nhiều loại nhạc cụ. Trong kho tàng nhạc cụ của mình, vị già làng này có cặp xar (tiếng Pa Cô) với cách chơi như chập cheng. Cặp xar này gắn bó với cụ Chảnh 50 năm, là kỷ niệm tuổi trẻ được vị già làng xem như báu vật.

Cặp xar gắn bó với cụ Chảnh hơn 50 năm.

Cặp xar gắn bó với cụ Chảnh hơn 50 năm.

"Lúc trẻ đi bộ đội tôi nhặt được những nắp bom bi. Vì yêu âm nhạc, tôi dùng búa tạo tác thành loại nhạc cụ có cách chơi như chập cheng. Sau những phút giây căng thẳng chiến đấu, tôi lấy xar ra cùng các đồng đội hòa ca", cụ Chảnh cho biết.

Theo cụ Chảnh, thông thường chập cheng được làm bằng đồng, nhưng cái của cụ được làm bằng nhôm nên cho ra một âm thanh khác biệt, vang và thanh thoát hơn. Cặp xar không chỉ là nhạc cụ mà còn là ký ức tuổi trẻ cống hiến vì độc lập dân tộc của cụ và những người dân bản.

Tuổi đã cao, cụ Chảnh mong muốn tất cả người Pa Cô đều yêu văn hóa dân tộc mình và phải biết các nhạc cụ, làn điệu dân ca để biểu diễn và trao truyền lại cho thế hệ mai sau. Ngoài việc biểu diễn cụ còn dày công sưu tầm và sẵn sàng truyền dạy cho ai có niềm đam mê.

Cụ Chảnh mong muốn tất cả người Pa Cô đều yêu văn hóa dân tộc mình và phải biết các nhạc cụ, làn điệu dân ca để biểu diễn và trao truyền lại cho thế hệ mai sau.

Cụ Chảnh mong muốn tất cả người Pa Cô đều yêu văn hóa dân tộc mình và phải biết các nhạc cụ, làn điệu dân ca để biểu diễn và trao truyền lại cho thế hệ mai sau.

Trong câu chuyện dài về những nhạc cụ được làm từ phế liệu chiến tranh, cụ Chảnh nói về những cây đàn ta lư từ vỏ máy bay, vỏ bom của anh Hồ A Chõ (46 tuổi) là đồng bào Vân Kiều, trú xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Cũng như chiếc xar của cụ Chảnh, đàn ta lư được sử dụng để hòa nhịp và biểu diễn trong các dịp lễ hội quan trọng của người Vân Kiều.

Anh Chõ cho biết, để làm được một cây đàn từ phế liệu chiến tranh, anh lặn lội khắp nơi thu mua vỏ bom, đạn... rồi đưa về cho nghệ nhân chế tác thành đàn. Bên cạnh 3 cây đàn được anh Chõ xem như báu vật, trong "bảo tàng" tại gia của mình, người đàn ông Vân Kiều còn trưng bày nhiều loại nhạc cụ khác như: khèn, sáo pi, cồng chiêng hay cả những vật dụng được người Vân Kiều - Pa Cô sử dụng trong đời sống thường ngày.

Đàn ta lư làm từ vỏ bom, vỏ máy bay của anh Hồ A Chõ.

Đàn ta lư làm từ vỏ bom, vỏ máy bay của anh Hồ A Chõ.

"Tôi mong muốn giữ gìn, bảo tồn những giá trị đẹp của người Vân Kiều - Pa Cô, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ có đam mê với nhạc cụ dân tộc, tiếp nối với thế hệ trước để bảo vệ văn hóa cộng đồng", anh Chõ chia sẻ.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bau-vat-cua-gia-lang-nguoi-pa-co-o-vung-bien-169250115114441117.htm
Zalo