Nữ 'phu keo' giữa đại ngàn xứ Nghệ

Giữa cái nắng gió bỏng rát miền Tây Nghệ An, những phụ nữ dân tộc Thái, Khơ Mú ngày ngày oằn lưng trên các đồi keo bạt ngàn. Công việc nguy hiểm và vất vả nhưng họ vẫn kiên cường bám trụ, không chỉ vì mưu sinh mà còn nuôi ước mơ cho con trẻ có tương lai tươi sáng hơn.

 Từ trái qua: Bà Năm, chị Yến, chị Thu - những “phu keo” đến từ xã Ngọc Lâm

Từ trái qua: Bà Năm, chị Yến, chị Thu - những “phu keo” đến từ xã Ngọc Lâm

Từ việc làm thêm thành nghề chính

Mới 9h sáng, những cơn gió phơn Tây Nam (gió Lào) mang theo hơi nóng đã thổi ràn rạt trên những đồi keo trên đỉnh Khe Măng (xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Mùa hè, ở vùng đất này thứ người dân sợ nhất chính là gió Lào bỏng rát. Với những người làm nghề "phu keo", đó còn là nỗi ám ảnh.

"Mùa này chúng tôi bắt đầu công việc từ rất sớm, thường 5-6h sáng và khoảng 10h đã phải rút xuống núi. Buổi chiều cũng bắt đầu rất muộn và phải làm đến lúc tối nhọ mặt người mới nghỉ", bà Vi Thị Năm chia sẻ.

Năm nay tròn 50 tuổi, bà Năm là một trong những "phu keo" lớn tuổi nhất trong số khoảng 30 phụ nữ đang làm nghề chặt keo thuê đang có mặt tại Khe Măng. Bấm trên từng đốt ngón tay, bà năm nhẩm tính đã làm nghề này được 20 năm.

Bà Năm là người dân tộc Thái, sinh ra ở và lớn lên ở vùng rừng núi Tương Dương. Năm 2006, khi thủy điện Bản Vẽ được xây dựng, bà và hàng vạn người dân trên lòng hồ đã về Thanh Chương định cư, lập nên xã Ngọc Lâm.

Ban đầu bà Năm và những người trong bản, trong xã chỉ đi làm lúc nông nhàn. Tuy nhiên, Nghệ An nói chung và Thanh Chương nói riêng có rừng keo nguyên liệu rất lớn. Trong những năm gần đây diện tích ngày càng mở rộng, đồng nghĩa với công việc của bà Năm cũng ngày càng nhiều hơn. Từ công việc thời vụ, nghề thu hoạch keo trở thành nghề chính.

"Làm nghề thu hoạch keo thuê thường hoạt động theo tổ (nhóm), mỗi tổ từ 7-15 người, theo hình thức khoán diện tích, khối lượng hoặc theo ngày. Tổ chúng tôi dao động từ 9-10 người, chủ yếu là nữ. Hiện chúng tôi nhận khoán theo khối.

Nếu làm ngày công chỉ được 200 nghìn đồng nhưng nhận theo khối, ngày có thể lên tới 300-400 nghìn đồng. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi mọi người trong tổ phải có sức khỏe tốt và nhanh nhẹn", bà Năm cho hay.

Vợ chồng chị Moong Thị Yến - Lương Văn Sơn đều làm nghề “phu keo”

Vợ chồng chị Moong Thị Yến - Lương Văn Sơn đều làm nghề “phu keo”

Theo bà Năm, nghề thu hoạch keo thuê rất vất vả và cả nguy hiểm. Việc bị trầy xước, ngã chảy máu hay những tai nạn bất chợt là chuyện thường với các "phu keo". Đó cũng là lý do có nhiều người phải bỏ cuộc sau vài chuyến đi.

Nghề này sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi người trong tổ được phân chia nhiệm vụ cụ thể từ chặt, bóc vỏ cho đến vận chuyển keo trên núi xuống hoặc dưới hố sâu lên điểm tập kết.

"Nghề này rất lao lực, nhất là mùa hè nắng nóng gay gắt cộng với gió Lào khiến nhiều người không trụ được và phải bỏ cuộc. Mùa mưa cây keo bị ngấm nước, nặng hơn và khi vận chuyển cũng rất nguy hiểm. Chúng tôi vẫn nói rằng bán sức khỏe lấy tiền vì quá cực nhọc.

Tôi từng đi làm công nhân trong miền Nam nhưng sau khi lập gia đình, phải nuôi con nhỏ nên ở nhà làm "phu keo". Tuy vất vả nhưng tôi chỉ làm trong huyện, sáng đi tối về. Hiện tại hai vợ chồng tôi đều làm phu keo", chị Moong Thị Yến (35 tuổi, xã Ngọc Lâm) tâm sự.

Những phận đời bám trụ nơi rừng keo

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện xã Ngọc Lâm và xã Thanh Sơn (cũng là xã được chuyển về từ huyện Tương Dương - PV) hiện đang có hàng trăm người dân là đồng bào người Thái và Khơ Mú làm nghề "phu keo", chiếm phần lớn là phụ nữ. Ngoài ra, một đội nữ rất đông đảo từ huyện Tương Dương, Kỳ Sơn… cũng tìm về huyện Thanh Chương, Anh Sơn… làm nghề "phu keo".

Một tổ “phu keo” ở xã Ngọc Lâm đang làm thuê tại đỉnh núi Khe Măng, xã Hạnh Lâm

Một tổ “phu keo” ở xã Ngọc Lâm đang làm thuê tại đỉnh núi Khe Măng, xã Hạnh Lâm

"Gần như 100% "phu keo" là phụ nữ Thái và Khơ Mú. Đây là những phụ nữ có sức khỏe rất tốt và cũng rất chịu khó. Họ làm việc chăm chỉ, năng suất và rất thật thà", anh Nguyễn Bảo Trình - chủ rừng keo ở xã Hạnh Lâm chia sẻ.

Trên đỉnh núi Khe Măng, anh Trình đang thuê đến 5 tổ "phu keo" để thu hoạch 35ha. Tại đây, mỗi tổ khai thác một vùng riêng biệt. Có những khu vực gần đường nhưng có khu nằm trên cao chót vót, chỗ khác lại hun hút dưới hố sâu.

"Tùy theo vị trí, các tổ cũng nhận thu hoạch với giá khác nhau. Đặc điểm chung là rừng keo của tôi ở xa, đồi núi hiểm trở. Tất cả được thu hoạch bằng cách thủ công, rất vất vả", anh Trình cho hay.

Tổ "phu keo" của chị Lương Thị Tiến (42 tuổi) gồm 5 người là những phụ nữ người Thái đến từ huyện Tương Dương. Do tổ toàn nữ nên chỉ nhận làm công theo ngày và thường là công đoạn thu dọn và trồng mới. Vì nhà xa nên tổ chị Tiến ăn ở tại chỗ. Ngày thu hoạch keo, tối tìm vách đá hoặc sườn núi để dựng lều ăn, ở tạm.

Chị Tiến có 3 người con và cháu bé nhất năm nay mới 10 tuổi. Chồng chị - anh Lương Văn Xu (43 tuổi) đi làm nghề phụ hồ, nay đây mai đó nên các con phải gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc.

Người mẹ 3 con này nói rằng, nhiều đêm giữa rừng hoang thanh vắng, nhớ các con đến ứa nước mắt nhưng vì cuộc sông mưu sinh nên chị phải tự động viên mình cố gắng.

Bà Năm đã có thâm niên 20 năm làm nghề “phu keo”

Bà Năm đã có thâm niên 20 năm làm nghề “phu keo”

Cũng như chị Tiến, chị Ngân Thị Chài (34 tuổi) cũng phải gửi 2 con nhỏ đang học lớn 5 và lớp 7 ở nhà nhờ ông nội chăm sóc. Chị Chài cùng mẹ chồng là Lục Thị Hường (58 tuổi) rời quê hương đi làm "phu keo".

"Tôi có 8 cháu, 5 cháu nội, 3 cháu ngoại. Tuổi này cũng không còn nhiều sức khỏe và muốn ở nhà chăm sóc các cháu nhưng vì gia đình khó khăn nên vẫn phải cố gắng đi làm "phu keo". Nghề này vất vả và rủi ro nhưng tuổi tôi chẳng còn nghề nào khác", bà Hường nói…

Nghệ An hiện có trên gần 170.000 ha rừng keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 60.000 ha. Riêng huyện Thanh Chương có diện tích keo nguyên liệu lớn với trên 22.000 ha.

Xã Hạnh Lâm có trên 1.500 ha keo nguyên liệu nhưng hầu như chưa có đường lâm sinh vào các vùng nguyên liệu keo nên việc khai thác, vận chuyển vẫn phải dùng sức người đó cũng là lý do ở đây có rất nhiều người "phu keo".

Nghệ An là tỉnh có dân số đứng thứ 4 cả nước, năm 2024 dân số trung bình đạt 3.472,3 nghìn người, với 1653,2 nghìn người là lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, trong đó số người đang có việc làm 1.601,9 nghìn người (tỷ lệ có việc làm đạt 96,89%). Hàng năm, bổ sung hơn 30 nghìn người và đang ở trong thời kỳ "dân số vàng", đây là lợi thế về nguồn lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức về giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, an toàn lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Hoạt động kết nối cung - cầu lao động tiếp tục được tăng cường; các phiên giao dịch việc làm thu hút nhiều doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động, học sinh - sinh viên tham gia. Tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động. Ước thực hiện năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 47.705 người, đạt 101,5% kế hoạch, trong đó: đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 21.000 người, đạt 127,27% kế hoạch.

Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và năm 2024 tỉnh Nghệ An

Nguyễn Cảnh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-phu-keo-giua-dai-ngan-xu-nghe-20250505155611772.htm
Zalo