Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp châu Âu đạt 3,8%
Theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence, các công ty thuộc chỉ số MSCI Europe cho đến nay ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 3,8%, vượt xa dự báo trước mùa báo cáo lợi nhuận là giảm 1,4%.

Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp châu Âu đạt 3,8%. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS
Các công ty châu Âu đang báo cáo lợi nhuận vượt xa kỳ vọng, góp phần trấn an thị trường. Tuy nhiên, vấn đề thuế quan và triển vọng tăng trưởng kinh tế không chắc chắn tiếp tục phủ bóng lên bức tranh chung.
Theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence, các công ty thuộc chỉ số MSCI Europe cho đến nay ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 3,8%, vượt xa dự báo trước mùa báo cáo lợi nhuận là giảm 1,4%. Tăng trưởng doanh thu của nhóm công ty này cũng đang cao hơn dự kiến.
Hiện tại, các nhà đầu tư dường như đang có cách tiếp cận lạc quan hơn. Trong bối cảnh có những dấu hiệu về khả năng căng thẳng thương mại hạ nhiệt, chỉ số Stoxx Europe 600 đã ghi nhận phiên tăng điểm thứ chín liên tiếp vào ngày 2/5, phục hồi về mức trước khi các biện pháp thuế quan được công bố.
Xét về lợi nhuận, bất ngờ chủ yếu đến từ các công ty trong lĩnh vực dược phẩm, ngân hàng và công nghệ, đây cũng là những nhóm ngành hoạt động tốt nhất trong mùa báo cáo lợi nhuận quý IV/2024. Chuyên gia Emmanuel Cau từ ngân hàng Barclays cho biết, các cổ phiếu phòng thủ đang mang lại kết quả tốt hơn so với những cổ phiếu chu kỳ, trong đó ngành chăm sóc sức khỏe và tiện ích đóng góp phần lớn vào những kết quả doanh thu vượt kỳ vọng, theo sau là ngành tài chính và công nghệ.
Cổ phiếu phòng thủ (Defensive Stock), còn gọi là cổ phiếu không theo chu kỳ, là loại cổ phiếu mang lại cho nhà đầu tư cổ tức và thu nhập ổn định dù diễn biến thị trường chứng khoán có ra sao kể cả khi ở trong tình trạng bất ổn.
Các ngân hàng trong khu vực đã công bố lợi nhuận vượt kỳ vọng và duy trì dự báo cho cả năm. Đồng thời, sự biến động của thị trường đã giúp bộ phận giao dịch cổ phiếu của Barclays ghi nhận quý kinh doanh tốt nhất kể từ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả tích cực này bị lu mờ phần nào bởi việc gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và những bình luận thận trọng về tác động của thuế quan đối với cả hoạt động cho vay lẫn các thương vụ.
Trong khi đó, cổ phiếu theo chu kỳ là những công ty tuân theo các giai đoạn của chu kỳ kinh tế. Trong giai đoạn mở rộng, những doanh nghiệp này phát triển và kiếm được lợi nhuận. Giá cổ phiếu cũng tăng lên khi nền kinh tế phát triển. Nhưng khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, các doanh nghiệp này sẽ sụt giảm doanh thu và lợi nhuận. Kết quả là giá cổ phiếu cũng đi xuống.
Ngân hàng HSBC, vốn có hoạt động kinh doanh lớn tại châu Á, dự báo doanh thu có thể giảm đáng kể và tổn thất tín dụng dự kiến tăng thêm 500 triệu USD trong kịch bản "thuế quan cao hơn đáng kể".
Trong khi đó, các nhà sản xuất dược phẩm vẫn đang chờ đợi chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến nhập khẩu dược phẩm và đang đầu tư để mở rộng năng lực sản xuất tại Mỹ. Cho đến khi có sự rõ ràng về tác động của chính sách thuế quan, nhu cầu đối với các loại thuốc điều trị ung thư, tiểu đường, hen suyễn và nhiều loại bệnh khác đã giúp Sanofi và GSK đạt lợi nhuận vượt kỳ vọng, còn Novartis đã nâng dự báo kết quả kinh doanh cả năm.
Ngược lại, những công ty vận tải biển, thương hiệu xa xỉ và các nhà sản xuất ô tô nằm trong số những lĩnh vực chưa đạt được kỳ vọng do sự bất ổn vĩ mô xoay quanh vấn đề thuế quan đang cản trở nhu cầu. Ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, bao gồm các sản phẩm từ ô tô cao cấp đến túi xách hàng hiệu, đã báo cáo lợi nhuận giảm 17% trong quý vừa qua, so với mức giảm 11% được dự báo trước đó.
Một số nhà sản xuất ô tô đã rút lại hoặc cắt giảm dự báo kinh doanh do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, bao gồm Stellantis (chủ sở hữu thương hiệu Jeep), Porsche và Mercedes-Benz Group. Bà Kaidi Meng, chiến lược gia của Bloomberg Intelligence, cho biết ngành ô tô đang đối mặt với thách thức mang tính cấu trúc từ nhu cầu sụt giảm và áp lực lên lợi nhuận, cộng thêm tác động từ thuế quan của Mỹ, khiến khả năng phục hồi trong ngắn hạn là khó xảy ra.
Ngành công nghiệp, bao gồm một loạt công ty đa dạng như “gã khổng lồ” vận tải biển AP Moller-Maersk A/S, nhà sản xuất động cơ máy bay Airbus và nhà sản xuất thang máy Kone Oyj, cũng gây thất vọng cho đến nay, với mức tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu chỉ đạt 6,5% so với kỳ vọng tăng 8%.
Với những dự báo nhìn chung còn bấp bênh từ các doanh nghiệp và việc những dự báo tăng trưởng kinh tế liên tục bị hạ thấp, sự đồng thuận của thị trường về tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2025 có thể vẫn còn quá lạc quan.
Các chiến lược gia của ngân hàng Goldman Sachs dự báo lợi nhuận của những công ty nằm trong chỉ số Stoxx 600 sẽ giảm 7% vào năm 2025, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường. Dự báo này được đưa ra dựa trên cơ sở tăng trưởng toàn cầu yếu hơn, các đồng tiền châu Âu mạnh lên và giá dầu thấp hơn.