Nữ nghệ nhân đi từng nhà kể chuyện bằng lá cọ, tre nứa để giữ nghề truyền thống

Gìn giữ nghề thủ công giữa thời đại công nghệ chưa bao giờ là điều dễ dàng. 'Có những lúc tôi gần như một mình giữ nghề, vì lớp trẻ không còn mặn mà'- nghệ nhân Tạ Thu Hương (Làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) trải lòng.

 Nghệ nhân Tạ Thu Hương - Người giữ hồn nón lá làng Chuông

Nghệ nhân Tạ Thu Hương - Người giữ hồn nón lá làng Chuông

Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 30km, làng Chuông tại xã Phương Trung, huyện Thanh Oai vẫn giữ dáng vẻ yên bình, nơi tiếng gõ khung tre, những đường kim mũi chỉ may nón lá vang lên đều đặn trong từng nếp nhà. Gắn bó với nghề làm nón qua bao thế hệ, người dân nơi đây không chỉ đơn thuần sản xuất một sản phẩm thủ công, mà còn đang gìn giữ một phần hồn Việt Nam.

Người giữ hồn nón lá làng Chuông

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (SN 1968) trong gia đình có ba thế hệ làm nón tại làng Chuông. Dù sau này trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng bà Hương vẫn kiên định với lựa chọn quay về, tiếp tục với khung tre, lá cọ, cây kim và sợi chỉ.

Gìn giữ nghề thủ công giữa thời hiện đại không đơn giản. “Có những lúc tôi gần như một mình giữ nghề, vì lớp trẻ không còn mặn mà. Tôi đã đi từng nhà, dạy miễn phí, truyền lại kinh nghiệm, vừa làm vừa kể chuyện để các em hiểu giá trị của nghề,” nữ nghệ nhân chia sẻ.

Nghề làm nón đối mặt với nhiều khó khăn: đầu ra bấp bênh, nguyên liệu ngày càng khan hiếm, nhân lực thiếu hụt. Nhưng bằng sự kiên trì, lòng yêu nghề và tinh thần đổi mới, bà Hương không chỉ giữ gìn nghề truyền thống mà còn thổi vào đó một sức sống mới.

Đa dạng các mẫu nón lá từ truyền thống đến hiện đại

Đa dạng các mẫu nón lá từ truyền thống đến hiện đại

Mỗi chiếc nón là kết quả của quy trình lao động tỉ mỉ: chọn lá, phơi nắng, là phẳng, dựng khung, khâu lá, nén nón, đánh bóng bằng sáp ong… Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Với bà Hương, đó không chỉ là kỹ thuật mà là nghệ thuật, là cách nghệ nhân “thổi hồn” vào từng sản phẩm.

Không dừng lại ở nón truyền thống, nghệ nhân Tạ Thu Hương còn cải tiến ra những dòng nón mới: nón thêu hoa văn dân gian, nón bài thơ có chữ viết tay, hay nón kết hợp chất liệu như ren, lụa phục vụ thị trường thời trang và quà tặng cao cấp.

Nếu trước đây, nón lá gắn liền với hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài hay người nông dân đi làm đồng, thì nay, nhờ sự sáng tạo và tâm huyết của nữ nghệ nhân, chiếc nón lá đã trở thành biểu tượng văn hóa sống động.

Không chỉ tạo ra những mẫu nón độc đáo phục vụ thời trang và trang trí, nghệ nhân còn chủ động kết nối với các khách sạn cao cấp để đưa trải nghiệm làm nón vào dịch vụ dành cho du khách quốc tế như một cách để họ chạm tay vào văn hóa Việt. Bà cũng hợp tác với nhiều trường học, tổ chức các buổi workshop hướng dẫn học sinh tự tay làm nón, góp phần lan tỏa tình yêu với nghề và giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa dân tộc.

“Mỗi chiếc nón không chỉ là vật dụng mà là một câu chuyện về văn hóa, về nghề và về con người Việt. Tôi muốn mỗi người đội nón đều cảm nhận được điều đó,” nghệ nhân chia sẻ. Chính nhờ tình yêu nghề bền bỉ ấy, nghệ nhân Tạ Thu Hương không chỉ gìn giữ được hồn nón làng Chuông, mà còn góp phần đưa chiếc nón lá, biểu tượng của vẻ đẹp Việt, vươn xa khỏi biên giới, chạm đến trái tim của bạn bè quốc tế.

"Hồn cốt" làng Chuông

Từ một biểu tượng của làng quê Việt, chiếc nón lá dưới bàn tay nghệ nhân Tạ Thu Hương đã vượt qua mọi ranh giới, trở thành sứ giả văn hóa đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Bà Hương từng đại diện cho Việt Nam tham gia nhiều sự kiện văn hóa và triển lãm thủ công mỹ nghệ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Không chỉ trưng bày sản phẩm, bà còn trực tiếp giới thiệu quy trình làm nón, mang theo cả "hồn cốt" của làng Chuông đến với bạn bè năm châu.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (thứ hai từ trái sang)

Nghệ nhân Tạ Thu Hương (thứ hai từ trái sang)

Một trong những dấu ấn sâu đậm nhất là tại Hội nghị APEC 2006 ở Hà Nội, nơi nữ nghệ nhân chế tác một chiếc nón khổng lồ làm đạo cụ cho tiết mục biểu diễn ca khúc "Việt Nam quê hương tôi". Hình ảnh vừa trang nghiêm vừa mới mẻ, thể hiện sự hòa quyện tinh tế giữa di sản truyền thống và ngôn ngữ biểu đạt đương đại.

Tiếp nối thành công đó, tại Tuần lễ Thời trang Paris 2023, bộ sưu tập áo dài truyền thống kết hợp cùng những chiếc nón thêu tay của bà đã gây ấn tượng mạnh với giới chuyên môn và truyền thông quốc tế.

Trong một diễn đàn quốc tế với 360 khách tham dự ở Quảng Ninh, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã tổ chức trình diễn làm nón, hướng dẫn vẽ họa tiết và chia sẻ những câu chuyện đằng sau từng sản phẩm. Nhiều du khách nước ngoài đã bị cuốn hút bởi sự khéo léo trong kỹ thuật làm nón và đã mua sản phẩm về làm quà lưu niệm như một phần ký ức mang theo từ Việt Nam.

Ông Robert, một giảng viên đại học đến từ Mỹ: “Tôi thấy mỗi chiếc nón là một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh tính kiên nhẫn và sự khéo léo đáng kinh ngạc. Đây không chỉ là một sản phẩm thủ công, nó mang trong mình linh hồn của văn hóa Việt Nam”.

Ông Robert, một giảng viên đại học đến từ Mỹ: “Tôi thấy mỗi chiếc nón là một tác phẩm nghệ thuật, phản ánh tính kiên nhẫn và sự khéo léo đáng kinh ngạc. Đây không chỉ là một sản phẩm thủ công, nó mang trong mình linh hồn của văn hóa Việt Nam”.

Không dừng lại ở việc đi dự hội chợ hay triển lãm, nghệ nhân Tạ Thu Hương còn là người gìn giữ và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại làng Chuông. Rất nhiều du khách quốc tế đã về làng tham quan, trải nghiệm làm nón dưới sự hướng dẫn của bà. Với bà, mỗi lần đón khách không chỉ là cơ hội để lan tỏa nghề, mà còn là dịp để truyền cảm hứng, kể câu chuyện về tình yêu nghề, sự bền bỉ của người dân làng Chuông.

Gần 50 năm gắn bó với nghề làm nón, nghệ nhân Tạ Thu Hương rất tự hào vì là người giữ lửa nghề cho làng nghề truyền thống. Trong thời đại hội nhập, bà luôn đau đáu mong muốn thế hệ trẻ có thể tiếp bước con đường này, không chỉ giữ gìn mà còn sáng tạo, làm mới làng nghề bằng những hình thức như du lịch cộng đồng, kết nối quốc tế, tham gia các hiệp hội thủ công toàn cầu để mở rộng tầm vóc cho chiếc nón Việt.

Trong hành trình của mình, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã kể chuyện bằng lá cọ và tre nứa, là một “đại sứ văn hóa” thầm lặng đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới theo cách mộc mạc nhất.

Phương Nhung - Phương Thảo

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-nghe-nhan-di-tung-nha-ke-chuyen-bang-la-co-tre-nua-de-giu-nghe-truyen-thong-20250426223446072.htm
Zalo