Nữ giám đốc điều hành 'thủ' hơn 6 tỷ đồng bằng cách nào?
Lợi dụng sự tin tưởng tuyệt đối của nhà đầu tư nước ngoài, Đỗ Thị Hà Xuyên, Giám đốc điều hành doanh nghiệp đã âm thầm rút ruột hơn 6 tỷ đồng trong suốt 4 năm, bằng những bản sao kê bị làm giả và các báo cáo được trình bày tinh vi bằng tiếng Hàn.
Chiếc mặt nạ giám đốc và kế hoạch âm thầm suốt 4 năm
Tháng 10/2016, ông Lee Hoon Bok (SN 1970, quốc tịch Hàn Quốc) đến TP. Đà Nẵng với mong muốn tìm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh hóa chất phụ trợ phục vụ ngành dệt nhuộm. Là một nhà đầu tư nước ngoài, ông Lee gặp không ít khó khăn trong việc làm quen với hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính tại Việt Nam.
Trong quá trình tìm kiếm người hỗ trợ ngôn ngữ và pháp lý, ông tình cờ gặp Đỗ Thị Hà Xuyên (SN 1988, trú phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), một phụ nữ có thể sử dụng thành thạo tiếng Hàn và tỏ ra nhiệt tình với công việc.
Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, ông Lee đã tin tưởng giao cho Xuyên vai trò hỗ trợ thủ tục thành lập doanh nghiệp, trực tiếp điều hành hoạt động, thay mặt ông xử lý mọi giao dịch tài chính.
Dưới sự tham gia của Xuyên, hai công ty lần lượt ra đời đó là Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ KSTC VINA (gọi tắt là Công ty KSTC) và Công ty TNHH MTV KESAN TEX-CHEM VIỆT NAM (gọi tắt là Công ty KESAN). Trong đó, Xuyên đứng tên sở hữu Công ty KSTC; còn với Công ty KESAN do ông Lee làm chủ, Xuyên giữ chức Giám đốc điều hành.

Bị cáo Đỗ Thị Hà Xuyên
Ngay từ khi thành lập, ông Lee trực tiếp phụ trách công tác đối ngoại, ký kết hợp đồng, tìm kiếm đối tác; còn Xuyên chịu trách nhiệm toàn bộ các giao dịch ngân hàng, dòng tiền, điều hành nhân sự, sổ sách kế toán.
Lợi dụng sự tin tưởng tuyệt đối của nhà đầu tư, từ tháng 11/2019, Xuyên bắt đầu thực hiện những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản. Cô đề xuất mở tài khoản ngân hàng tại Publicbank với lý do thuận tiện giao dịch quốc tế và dễ kiểm soát biến động qua Internet Banking. Đề xuất được chấp thuận, nhưng thực chất đây là bước đi tính toán để khởi động một kế hoạch rút tiền âm thầm kéo dài gần bốn năm.
Với việc chỉ đăng ký một mình có quyền truy cập Internet Banking, Xuyên nắm toàn quyền theo dõi và thao tác trên tài khoản ngân hàng của hai công ty. Lợi dụng sự độc quyền thông tin này, Xuyên thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền với số dư vượt mức cần thiết cho đối tác.
Phần chênh lệch sau khi thanh toán được chuyển vào tài khoản cá nhân rồi rút ra sử dụng cho các mục đích riêng như mua nhà, sửa nhà, tiêu dùng sinh hoạt, trả nợ… Toàn bộ hành vi được thực hiện khéo léo, đều đặn và không để lại nghi ngờ trong suốt thời gian dài. Chỉ đến khi ông Lee bắt đầu nhận thấy dấu hiệu bất thường trong dòng tiền, câu chuyện mới dần hé lộ.
Che mắt nhà đầu tư bằng những bản báo cáo có chủ đích
Không chỉ chiếm đoạt tiền từ tài khoản công ty, Xuyên còn thể hiện sự tinh vi trong việc che giấu hành vi phạm tội.
Là người duy nhất có quyền truy cập, mỗi tuần, Xuyên vẫn đều đặn gửi báo cáo tài chính cho ông Lee bằng tiếng Hàn. Những báo cáo này chỉ thể hiện các khoản thu chi liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, hoàn toàn không đề cập đến các giao dịch rút tiền cá nhân.
Để tăng mức độ tin cậy, Xuyên tự điều chỉnh số dư tài khoản trong các báo cáo gửi nhà đầu tư sao cho khớp với dòng tiền giao dịch thực tế. Những con số được tô vẽ hợp lý đến mức không gây ra bất cứ nghi ngờ nào. Đến cuối mỗi tháng, Xuyên tiếp tục tải bản sao kê tài khoản ngân hàng từ hệ thống, rồi tự tay chỉnh sửa bằng file excel xóa đi các giao dịch liên quan đến rút tiền cá nhân, thêm vào các giao dịch giả định, làm cho bản sao kê trở nên “trơn tru” và khó phát hiện sai phạm.
Trong suốt gần 4 năm từ tháng 11/2019 đến tháng 5/2023, hành vi ngụy tạo này đã giúp Xuyên qua mặt nhà đầu tư Hàn Quốc một cách trót lọt. Tổng số tiền bị rút khỏi tài khoản của hai công ty lên đến hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1,86 tỷ đồng thuộc Công ty KSTC và hơn 4,14 tỷ đồng thuộc Công ty KESAN.
Đến giữa năm 2023, khi bắt đầu nghi ngờ về tình trạng tài chính, ông Lee đã tự mình kiểm tra lại lịch sử giao dịch tại ngân hàng. Bất ngờ phát hiện nhiều khoản chuyển tiền không rõ lý do, ông lập tức trình báo cơ quan chức năng. Thời điểm này, Xuyên đã nghỉ việc và không bàn giao lại bất kỳ tài sản hay hồ sơ nào của công ty.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử Đỗ Thị Hà Xuyên
Quá trình điều tra cho thấy, toàn bộ số tiền hơn 6 tỷ đồng bị chiếm đoạt đã được Xuyên sử dụng vào chi tiêu cá nhân, gửi cho chồng.
Điều đáng nói, đến khi bị điều tra, Xuyên không còn tài sản nào đứng tên, các bất động sản đã sang nhượng hoặc thuộc quyền sở hữu người khác, tiền trong tài khoản cũng không còn. Điều này khiến cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi tài sản cho bị hại. Mặc dù Xuyên thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng việc khắc phục hậu quả gần như không thể thực hiện.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/4, bị cáo Đỗ Thị Hà Xuyên thừa nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt tài sản, xin được hưởng sự khoan hồng. Tuy nhiên, HĐXX TAND TP. Đà Nẵng nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện trong thời gian dài, có tính toán, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việc lợi dụng sự tin tưởng của người nước ngoài để chiếm đoạt tài sản không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp cụ thể, mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, tạo tâm lý e dè, hoài nghi trong cộng đồng doanh nhân quốc tế về tính minh bạch trong điều hành doanh nghiệp.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ và quá trình xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Hà Xuyên mức án 18 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Đồng thời, buộc bị cáo có nghĩa vụ bồi thường số tiền chiếm đoạt còn lại cho hai công ty bị hại.