Nữ anh hùng Trường Sơn thời chống Mỹ - Biểu tượng niềm tin, đạo lý Việt Nam!
Với chủ trương đẩy mạnh đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, đầu tháng 5/1959, Bộ Chính trị giao Quân ủy Trung ương nghiên cứu tổ chức tuyến giao thông quân sự. Ngày 19/5/1959, 'Đoàn công tác quân sự đặc biệt' - Đoàn 559 được thành lập có đầy đủ các thành phần cơ cấu, gồm hơn 10 vạn quân và hơn 1 vạn thanh niên xung phong, trong số đó có rất nhiều người là nữ (lúc cao nhất tới gần 2 vạn).

Thanh niên xung phong tải đạn trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL
Xin được nhắc lại một vài số liệu. Chỉ riêng mùa khô 1971-1972, vận chuyển tổng cộng 64.785 tấn hàng (chưa kể 15.483 tấn khai thác tại chỗ ở Đông Bắc Campuchia). Lại chuyển hàng dưới “mưa bom bão đạn”. Từ năm 1963 đến năm 1973, có 733.000 lượt/chiếc máy bay Mỹ đánh phá, với 152.000 trận, ném xuống gần 4 triệu tấn bom đạn (vượt cả số bom đạn phe phát xít dùng trong Chiến tranh thế giới 2). Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh, là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.
Để góp phần làm nên kỳ tích ấy, những nữ chiến sĩ Trường Sơn luôn là người trực tiếp hứng chịu bom đạn nơi trọng điểm. Họ lái xe, họ mở đường, họ làm giao liên, họ chấp nhận hy sinh phá bom… Tổ quốc mãi mãi khắc ghi biểu tượng anh hùng “Mười hai cô gái Truông Bồn”, của Tám cô gái (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)… Những hình tượng cực kỳ anh dũng ấy đi vào nhạc, sống mãi cùng năm tháng, như bài “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao (1966) đã điêu khắc hình tượng cô thanh niên xung phong bằng ngôn ngữ bay bổng lãng mạn của thơ và giai điệu tươi tắn, trong trẻo của nhạc: “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường/ Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường/ Em đi lên rừng cây xanh mở lối/ Em đi lên núi núi ngả cúi đầu/ Em đi bắc những nhịp cầu/ Nối những con đường tổ quốc yêu thương/ Cho xe thẳng tới chiến trường”. Hình tượng “em” được đẩy lên sánh ngang, thậm chí vượt lên tầm vóc vũ trụ: “Rừng cây xanh mở lối”, “núi ngả cúi đầu”. Cực kỳ lãng mạn và cũng đích thực sử thi đã nói một cách tinh tế về tính cách Việt anh hùng lại rất mực nên thơ, nhân ái, khoan hòa. Vì còn gì vẻ vang, nhân văn hơn công việc góp phần đuổi giặc dữ để giữ bầu trời hòa bình tự do trong xanh tiếng hát. Nhưng để có con đường cho đoàn quân ra trận giành lại hòa bình thì phải trả bằng máu. Có những cô gái đang tuổi trăng tròn đã hy sinh tuổi xuân đẹp nhất của mình: “Chuyện kể rằng: Em cô gái mở đường/ Để cứu con đường ấy khỏi bị thương/ Để đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom” (Khoảng trời hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ). Với con người thì có gì quý hơn thân thể mình đâu, thế mà có những người con trai, con gái đem cái quý giá nhất cống hiến cho Độc lập, Tự do của Tổ quốc. Có sự hy sinh nào, vinh quang nào lớn lao, thánh thiện hơn thế không?
Phim “Bình minh đỏ” (kịch bản Nguyễn Thị Minh Nguyệt, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Trần Chí Thành) được kể khá giản dị, dễ hiểu, là sự đan xen giữa hiện thực với các cảnh hồi tưởng về chiến trường khói lửa. Bối cảnh của phim là giai đoạn ác liệt nhất: Sau Tết Mậu Thân 1968, Binh trạm 9, 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong đào tạo lái xe vận tải. Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh (tên của nữ Anh hùng quân giải phóng miền Nam) ra đời. Bốn cô gái Châu, Hân, Sa, Thương rất trẻ làm nhiệm vụ lái xe vận chuyển hàng hóa, lương thực ra tiền tuyến; chở thương bệnh binh, tử sĩ từ chiến trường về. Hân, Thương, Sa hy sinh. Không gục ngã, gạt đi nỗi đau, Châu thay bạn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ… Họ đích thực là những vì sao rực sáng trên bầu trời văn hóa yêu nước.
Bằng trải nghiệm trực tiếp của chính mình, nhà văn Lê Minh Khuê viết “Những ngôi sao xa xôi” (1971) khắc họa ba cô gái Thao, Nho, Phương Định - những thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường giữa vùng trọng điểm. Phương Định (nhân vật chính), cô gái thành phố trẻ trung, nhạy cảm, mơ mộng nhưng vô cùng gan dạ. Mỗi người một tính nhưng có điểm chung là tinh thần quả cảm, tâm hồn rất mực trong sáng, thương nhau, vì nhau. Những vẻ đẹp nữ tính thánh thiện ấy như thách thức bom đạn: trong hủy diệt vẫn tươi ròng, mát xanh sự sống. Đó là một biểu tượng của sức mạnh Việt Nam. Truyện được đưa vào tuyển tập “Nghệ thuật truyện ngắn thế giới” xuất bản ở Mỹ, như là một cách giới thiệu, cắt nghĩa vì sao Việt Nam thắng Mỹ: Vì có những con người anh hùng sẵn sàng lấy máu của mình vì Tổ quốc; cũng đồng thời tha thiết yêu đời, yêu cái đẹp đến tận độ. Thì ra sức mạnh Việt Nam còn thể hiện ở một mỹ học Việt Nam sâu thẳm nhân văn tình đời, tình người.
Bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi viết tại đường Trường Sơn tháng 12/1974. Gắn liền với lịch sử dân tộc cùng với ý nghĩa lớn lao, thi phẩm sẽ đi cùng năm tháng để trở thành chứng nhân một thời đại anh hùng: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/ Ðoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/ Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn/ Em vẫy cười đôi mắt trong”.
Bối cảnh ra đời của bài thơ cũng phần nào nói lên chân lý Việt Nam thắng Mỹ bằng niềm tin: Cuối năm 1974, đi thực tế vào chiến trường miền Nam đúng thời điểm quân ta đang dồn sức cho ngày chiến thắng, hành quân qua Trường Sơn, bắt gặp những cô gái thanh niên xung phong đang mở đường vẫy chào đoàn quân đi vào tiền tuyến, tứ thơ đã có ở ngay trong thực tế, xúc động dâng trào, nhà thơ viết một mạch, về sau có chỉnh sửa cũng không nhiều. Tác phẩm được công bố, chỉ một thời gian ngắn, nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thành bài hát, câu chữ thêm bớt không đáng kể. Được nhạc chắp thêm cánh, tác phẩm bay vào tâm hồn người đọc đọng lại trong trái tim một tình yêu thiết tha về đất nước, quê hương, về tình đồng đội, đồng chí, về niềm tin tất thắng. Nhịp điệu bài thơ mô phỏng nhịp bước hành quân của người lính đi đến ngày thắng lợi. Riêng câu Em đứng bên đường như quê hương, như một “điểm nhấn nghệ thuật”, có 7 chữ cấu trúc theo lối so sánh, dồn tụ vào đó linh hồn của bài thơ: “Em” là hiện thân của quê hương cùng ra trận. Câu “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” mang tính khái quát cao. Trên núi cao làm gì có “bụi”? Thì ra, đó là bụi của việc phá đá mở đường, của bom Mỹ dội xuống, của đoàn quân đi (cả xe, cả người)… Một chữ “bụi” này nói lên rất nhiều những hoạt động của chiến tranh. Nhưng đến hai chữ “trời lửa” thì hình tượng thơ đạt đến độ ám ảnh: Cả một bầu trời lửa - tức chiến tranh đang ở mức độ cao nhất. Không có tiếng đạn bom, không có âm thanh máy bay hay đạn pháo hay cảnh máu đổ… nhưng chỉ qua hai chữ này cũng đủ cảm nhận thật rõ tính chất cực kỳ khốc liệt. Bài thơ như một định nghĩa về thơ, phải nói được nhiều ý nghĩa nhất trong lượng câu chữ ít nhất. Sự cô đọng là phẩm tính tu từ cao nhất của thơ. Động từ “nhòa” đứng giữa các chữ “bụi” và “trời lửa” càng làm tăng cường sự hòa trộn giữa không gian gần và không gian xa để nói chiến tranh đang hiện diện ở tất cả mọi nơi.
Với hình tượng “Em vẫy cười đôi mắt trong”, nhà thơ đã tạc vào không gian một biểu tượng văn hóa Việt Nam: Niềm tin, Đạo lý, Lẽ phải Việt Nam! Không chỉ tỏa sáng toàn bài, hình tượng còn tỏa sáng cả thời đại làm rạng ngời lên chân lý: Việt Nam chiến thắng!./.