Tháng 4 về Bà Rịa- Vũng Tàu

Tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng đất không chỉ nổi danh bởi những bãi biển xanh ngắt và nhịp sống sôi động, mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử – văn hóa quý báu. Chuyến đi là một hành trình khám phá nhiều điểm đến thú vị, từ những công trình kiến trúc cổ kính, các di tích tôn giáo linh thiêng cho đến những di tích lịch sử gợi nhắc về quá khứ cách mạng hào hùng.

Về quê chị Võ Thị Sáu

Từ sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi di chuyển hơn 90 km về huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ô tô chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lỳ, rộng thênh thang. Cảnh vật bên đường trải dài những sắc màu của hoa huỳnh liên vàng rực, hoa giấy hồng tươi, hoa bằng lăng tím ngắt… làm cho lòng người dịu lại trong ánh nắng chói chang.

Chúng tôi dừng chân tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất - quê hương của nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Gần trưa, trời như chảo lửa đổ xuống mặt đất nóng rực, không khí nồng oi, nghèn nghẹt. Dẫn đường cho chúng tôi, các anh chị Báo Bà Rịa - Vũng Tàu giới thiệu từng điểm đến kỹ càng như hướng dẫn viên du lịch.

Nép mình khiêm nhường tại ngã tư Đất Đỏ, ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu vẫn được giữ nguyên vẹn, bên cạnh đó là đền thờ Võ Thị Sáu và công viên tượng đài Võ Thị Sáu.

Tại nhà lưu niệm, đoàn chúng tôi kính cẩn nghiêng mình thắp nén nhang thơm nơi bàn thờ của thân mẫu chị Sáu và bàn thờ riêng của chị. Được biết, nhà lưu niệm trước kia là căn nhà được gia đình chị Sáu thuê ở từ khi chị 4 tuổi, một căn nhà đơn sơ, mang đậm nét kiến trúc của làng quê Nam bộ với vách ván, mái ngói âm dương. Tại đây, chị Sáu cùng gia đình đã trải qua những ngày ấu thơ tuy vất vả nhưng ấm áp. Theo thời gian, căn nhà trải qua vài lần phục dựng, trùng tu và được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1986.

Tham quan căn nhà với những cảnh vật được bày trí nguyên trạng, chúng tôi xúc động và bồi hồi nhớ lại những gì mà mình từng nghe, đọc về cuộc đời người nữ anh hùng cách mạng.

Cách nhà lưu niệm chừng 100m là công viên tượng đài và đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu. Tượng chị được đặt ở một nơi thoáng mát, tĩnh lặng, bốn mùa ngát hương hoa sứ, hoa ngọc lan, hoa lê-ki-ma. Khuôn tượng được đúc bằng đồng, cao khoảng 7m, tạo theo thế chị Sáu ung dung ra pháp trường, tà áo tung bay trong gió với khí thế hiên ngang, bất khuất, kiên cường. Chị Sáu hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sự hy sinh anh dũng của chị được Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng 6 chữ vàng “sống anh dũng, chết vẻ vang”.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Vĩnh Phúc và Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tưởng niệm trước tượng đài chị Võ Thị Sáu.

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Vĩnh Phúc và Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tưởng niệm trước tượng đài chị Võ Thị Sáu.

Đền thờ chị Võ Thị Sáu là nơi trưng bày các hiện vật, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của chị và một số hình ảnh về quê hương Đất Đỏ. Đến đây, mỗi du khách như được tìm về những trang sử vẻ vang của dân tộc, để thêm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của người anh hùng đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tôi nghe bà Nguyễn Thị Mai, Cựu giáo chức ở quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Tôi luôn khâm phục đức hy sinh cao cả của chị Võ Thị Sáu. Khi được đến thăm nơi chị sinh ra và xem hình ảnh, đọc các thông tin về cuộc đời chị, tôi mới cảm nhận một cách rõ nét về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, kiên trung của người nữ anh hùng quê hương Đất Đỏ”.

Đoàn công tác Báo Vĩnh Phúc và Báo Bà Rịa -Vũng Tàu tham quan đền thờ nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Đoàn công tác Báo Vĩnh Phúc và Báo Bà Rịa -Vũng Tàu tham quan đền thờ nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Rời Đất đỏ, trong đầu tôi cứ ngân vang giai điệu trong bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” do nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn phổ lời: “Mùa hoa lê- ki- ma nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho mùa hoa lê- ki- ma nở. Đời sau vẫn còn nhắc nhở, sông núi đất nước ơn người anh hùng đã chết cho đời sau…”.

Đến Long Sơn, thăm Nhà Lớn

Trên hành trình di chuyển về trung tâm thành phố Vũng Tàu, chúng tôi ghé thăm khu di tích Nhà Lớn Long Sơn thuộc xã đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu. Nhà Lớn Long Sơn (hay đền Ông Trần) là một quần thể kiến trúc theo lối cổ mang nhiều nét đặc sắc, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời, với các tín ngưỡng dân gian và tâm linh độc đáo. Năm 1991, Nhà Lớn được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Lần đầu đặt chân đến Nhà Lớn Long Sơn đem lại cho chúng tôi cảm giác thật dễ chịu bởi sự tiếp đón niềm nở, nồng hậu của những người phục vụ trong Nhà Lớn. Đi cùng tôi, chị Minh Thanh, phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu thì thầm: “Khách đến Nhà Lớn, dù lần đầu hay nhiều lần, đều được tiếp đón niềm nở, được mời uống trà, ăn mứt, tham quan, tìm hiểu các ngôi nhà dài trong Nhà Lớn. Tới giờ cơm, khách được mời ở lại dùng bữa với mọi người, hoặc có thể nghỉ trưa, ngủ lại buổi tối”.

Đón đoàn tham quan, bà Lê Thị Kiềm (Ba Kiềm) mặc áo bà ba đen, tóc búi gọn gàng, chậm rãi vừa đi vừa giới thiệu. Bà Ba Kiềm năm nay đã 80 tuổi, là cháu đời thứ tư của Ông Trần, cũng là người tiếp quản và gìn giữ di sản của ông nội để lại.

Theo lời bà, Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu - người khai hoang mở đất Long Sơn vào khoảng năm 1900, trên hành trình trốn chạy sự truy nã của giặc Pháp. Khi khám phá nơi đây, ông nhận thấy bốn bề phong thủy hữu tình, có thế núi sông, biển cả giao hòa nên đã quyết định dừng thuyền, lập làng. Dưới sự chỉ huy của ông, nhóm người mới tới chặt cây dựng chòi, chiêu mộ bá tánh đến khai hoang mở đất, hình thành nên một khu dân cư mới. Cái tên Long Sơn được hiểu theo nghĩa là ngọn núi rồng hoặc ngọn núi của sự thịnh vượng.

Quần thể Nhà Lớn được khởi công xây dựng từ năm 1910 đến 1929, trên diện tích hơn 20.000m2 gồm khu đền thờ, nhà Long Sơn hội, trường học, nhà chợ, nhà mát, nhà nghe sấm và các dãy phố quanh chợ… Tất cả chi phí như tiền của, công sức dùng để xây dựng đều do Ông Trần và những người tin theo ông tự nguyện đóng góp.

Tham quan một vòng quanh khu Nhà Lớn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi bố cục kiến trúc, nghệ thuật trang trí không theo một quy hoạch tổng thể mà pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian (trời, đất) với Nho giáo, Lão giáo của Khổng Tử. Từ nhà trước, nhà trệt đến nhà lầu được xây dựng xen kẽ đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ những đăng đối, nghiêm luật của đương thời.

Cách bày trí nội thất khu di tích trang nghiêm, uy nghi với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối, các hình trang trí tứ linh, tứ quý, hoa lạ cỏ thiêng, hoa sen, lão trúc hóa rồng…

Một góc trong quần thể di tích Nhà Lớn.

Một góc trong quần thể di tích Nhà Lớn.

"Ông Trần theo đạo Hiếu Nghĩa, lấy lòng biết ơn ân đức tổ tiên, đất nước và đồng loại làm nền tảng nên giáo lý của đạo mang tính nhân đạo, yêu thương con người. Sinh thời, Ông Trần thường răn dạy con cháu, đệ tử “Tu không thành tiên, mà để thành Phật, thành người. Và có lẽ, chính vì điều đó mà đạo Ông Trần được truyền từ đời này qua đời khác, được người dân gìn giữ và kế thừa”, bà Ba Kiềm chia sẻ thêm.

Từ khi Ông Trần mất năm 1935, nhiều thế hệ người dân địa phương đã bảo tồn, gìn giữ những nếp sống chung một cách nghiêm ngặt. Từ xưa đến nay, Nhà Lớn vẫn là ngôi nhà chung của bà con bá tánh, và việc của Nhà Lớn cũng là việc chung của người dân Long Sơn. Việc cúng lễ, quét dọn, tu bổ hằng ngày đều do các vị hương chức, phiên hầu và phiên ngũ (năm người) đảm nhiệm. Ngày 4 phiên cơm nước kỉnh ông, cứ ba ngày thay phiên một lần, đều do hàng chục lượt người tự nguyện phục vụ.

Hằng năm, 2 dịp lễ chính được Nhà Lớn tổ chức rất trang nghiêm, trọng thể là vào ngày vía Ông Trần (20/2 Âm lịch) và ngày Trùng Cửu (9/9 Âm lịch). Trong dịp này, hàng chục nghìn lượt người từ các nơi về tế lễ, đông nhất là người từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Việc ăn, ở của du khách tại Nhà Lớn đều miễn phí, tất cả đều gói trọn trong hai chữ “từ tâm”…

Rời Đất Đỏ, rời xã đảo Long Sơn, hành trình về thăm Bà Rịa - Vũng Tàu đã để lại cho chúng tôi những cảm xúc khó quên, những trải nghiệm bổ ích, lý thú, khiến chúng tôi mỗi lần đến lại một lần nhớ, mong muốn hẹn ngày trở lại.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127267//thang-4-ve-ba-ria--vung-tau
Zalo