NSƯT 'bật mí' chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Bài ca chiến thắng'
Sau nhiều thập kỷ gắn bó với các chương trình nghệ thuật cách mạng, NSƯT Trường Bắc luôn tâm niệm rằng: nghệ thuật không chỉ tái hiện lịch sử, mà phải khiến người xem 'sống cùng' với lịch sử. Trong chương trình đặc biệt 'Bài ca chiến thắng' nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NSƯT Trường Bắc không chỉ đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn mà còn trực tiếp biểu diễn trên sân khấu – một sự kết hợp không chỉ đòi hỏi bản lĩnh và kinh nghiệm, mà còn thể hiện trọn vẹn tinh thần dấn thân, tận hiến cho nghệ thuật.

NSƯT Trường Bắc
NSƯT Trường Bắc cho rằng, mỗi tiết mục, mỗi bản nhạc được dàn dựng là một lát cắt thời gian được sắp đặt bằng cảm xúc, bằng chiều sâu hiểu biết và bằng tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ.
Ở NSƯT Trường Bắc, “chiến thắng” trong nghệ thuật không nằm ở sự ghi nhận bên ngoài, mà ở khoảnh khắc khán giả lặng người, xúc động, và mang theo điều gì đó sau khi chương trình khép lại.
Với NSƯT Trường Bắc, nghệ thuật chưa bao giờ chỉ là những tràng pháo tay hay ánh hào quang sau cánh gà. Đó là hành trình tri ân, là tiếng lòng kể lại lịch sử bằng xúc cảm, là khát vọng thổi hồn vào quá khứ để người hôm nay rung động, thấm thía và biết ơn.
Cuộc trò chuyện dưới đây với NSƯT Trường Bắc, bên cạnh việc chia sẻ những câu chuyện hậu trường của một chương trình lớn, NSƯT Trường Bắc còn bộc bạch những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật, về lịch sử, và sứ mệnh cao quý của người nghệ sĩ trong việc kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai.
.P.V: Thưa NSƯT Trường Bắc, với vai trò là Tổng đạo diễn kiêm nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình đặc biệt “Bài ca chiến thắng”, nghệ sĩ có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi đảm nhận hai trọng trách song hành như vậy?
- Với tôi, đây là một vinh dự lớn, một niềm tự hào và cũng là trách nhiệm thiêng liêng. Những chương trình gắn liền với các sự kiện trọng đại luôn khiến tôi ý thức rằng, đây không chỉ là một nhiệm vụ nghệ thuật, mà còn là một hành trình tri ân lịch sử.
.Trong hành trình làm nghệ thuật nhiều năm, đâu là dấu mốc khiến nghệ sĩ luôn nhớ mãi và có thể xem là nguồn cảm hứng cho những chương trình lớn như thế này?
-Tôi luôn nhớ những ngày đầu được lãnh đạo cấp trên tin tưởng giao dàn dựng các chương trình nghệ thuật sử thi, giai đoạn khoảng những năm 2010. Lúc ấy, việc kết hợp Ca – Múa – Nhạc cùng với lời bình, phim tư liệu để kể lại những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật lịch sử trên sân khấu là một hình thức còn khá mới mẻ.
Các chương trình như kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay… đều để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi.
Sự đón nhận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo khán giả khiến tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc của người làm nghề.
Đó cũng chính là động lực để tôi không ngừng học hỏi, đổi mới tư duy sáng tạo, nhằm tạo ra những chương trình vừa mang giá trị lịch sử, vừa chạm đến cảm xúc của công chúng hôm nay.
.Được biết, trong chương trình “Bài ca chiến thắng” có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Vậy làm thế nào để nghệ sĩ có thể dung hòa những yếu tố khác biệt ấy tạo nên một tổng thể hài hòa, truyền cảm và dễ đi vào lòng người?
- Tôi bắt đầu từ tinh thần cốt lõi và thông điệp của chương trình, từ đó xây dựng mạch cảm xúc xuyên suốt, có cao trào, có lắng đọng. Tôi đặc biệt chú trọng nhịp điệu, tiết tấu và cách chuyển cảnh sao cho tự nhiên, liền mạch để khán giả không bị ngắt quãng cảm xúc.
.Vậy điều gì khiến “Bài ca chiến thắng” khác biệt so với những chương trình nghệ thuật kỷ niệm trước đây mà nghệ sĩ từng thực hiện?
-“Bài ca chiến thắng” đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam, khi lần đầu tiên chúng tôi kết hợp một dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc Thính phòng quy mô lớn chưa từng có.
Điều đặc biệt hơn cả là chương trình có sự chỉ huy trực tiếp của nhạc trưởng Lê Phi Phi – một người nghệ sĩ tài năng, đã ghi dấu ấn trên nhiều sân khấu quốc tế. Sự hiện diện của nhạc trưởng Lê Phi Phi trong chương trình lần này mang lại sự đẳng cấp và chiều sâu nghệ thuật rõ rệt.
.Là người nghệ sĩ gắn bó với sân khấu cách mạng nhiều năm, nghệ sĩ nhìn nhận như thế nào về vai trò của nghệ thuật trong việc “kể lại” lịch sử một cách sống động, chạm đến cảm xúc hơn là chỉ tái hiện thông tin?
Tôi luôn tâm niệm rằng nghệ thuật không đơn thuần -là phương tiện tái hiện lại lịch sử, mà phải là chiếc cầu nối cảm xúc, nơi lịch sử được kể lại một cách sống động, chân thực và chạm tới trái tim người xem.
Những tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ thời chiến không chỉ là những giai điệu, mà là những trang sử sống được viết ra bằng máu và nước mắt, bằng chính hơi thở của chiến trường.
Vì thế, với tôi, khi dàn dựng lại những ca khúc ấy trên sân khấu hôm nay, không thể chỉ làm cho đủ, cho hay mà cần phải làm cho thật sâu sắc, thật xúc động.
Khi khán giả không chỉ nghe bằng tai, mà còn cảm nhận bằng trái tim, tôi tin rằng lịch sử sẽ được “kể lại” một cách sâu sắc và đầy xúc động, đó chính là sứ mệnh thiêng liêng của nghệ thuật.
.Theo nghệ sĩ, làm thế nào để nghệ thuật truyền thống cách mạng vẫn giữ được sức hút và chạm tới khán giả trẻ?
-Muốn để thế hệ trẻ ngày nay đón nhận những giá trị truyền thống cách mạng, tôi cho rằng trước hết chúng ta cần kể lại câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ của thời đại.
Tức là phải đổi mới cách thể hiện, từ hình thức sân khấu, cách phối khí âm nhạc hiện đại hơn, đến việc sử dụng công nghệ trình diễn như ánh sáng, hình ảnh đa phương tiện.
Nhưng đổi mới ở đây không phải là thay đổi bản chất, mà là làm sao để cái hồn xưa được truyền tải qua một lớp áo mới gần gũi với giới trẻ.
Ngoài ra, việc kết nối với cảm xúc thật đặt người trẻ vào trung tâm cảm nhận, tạo điều kiện để họ không chỉ là khán giả mà còn là người đồng hành cảm xúc với chương trình cũng rất quan trọng.
Khi người trẻ hiểu rằng những bài hát, câu chuyện này không xa lạ, mà chính là hành trình để họ hiểu về cội nguồn, về giá trị sống, thì khi đó nghệ thuật truyền thống cách mạng mới thực sự có sức sống lâu dài.
.Nếu có một thông điệp mà nghệ sĩ muốn gửi đến khán giả thông qua chương trình này, đó sẽ là điều gì?
-Tôi muốn gửi lời tri ân chân thành và sâu sắc đến những thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến vì hòa bình và độc lập dân tộc.
Đồng thời, tôi cũng muốn nhắn gửi một thông điệp: Lịch sử không chỉ để ghi nhớ, mà còn để sống cùng, để tiếp nối.

“Bài ca chiến thắng” đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam
Chúng tôi làm chương trình này không phải chỉ để nhìn lại quá khứ, mà là để nhắc nhở rằng hôm nay trong từng nụ cười, từng bước đi bình yên của đất nước đều có bóng dáng của những con người đã đi trước.
Tôi mong rằng mỗi khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, khi theo dõi chương trình, sẽ cảm nhận được niềm tự hào, biết ơn, và trên hết là ý thức giữ gìn những giá trị quý báu ấy trong hành trình của chính mình.
.Nhân ngày trọng đại của dân tộc gắn với 2 từ "chiến thắng". Vậy với riêng NSƯT Trường Bắc, “chiến thắng” trong nghệ thuật là gì?
-Với tôi, “chiến thắng” trong nghệ thuật không đơn thuần là sự ghi nhận hay những tràng pháo tay, mà lớn lao hơn cả, đó là khi tác phẩm chạm được vào cảm xúc người xem, khiến họ rung động, lặng người, hay thậm chí là suy ngẫm sau khi chương trình kết thúc. Đó là lúc nghệ thuật đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Mỗi lần đứng sau hậu trường, lặng lẽ dõi theo khán giả, nhìn những ánh mắt chăm chú, những tiếng nức nở khe khẽ hay một tràng pháo tay kéo dài… là tôi hiểu, chương trình đã chạm đến trái tim họ. Với người làm nghề như tôi, đó chính là “chiến thắng” lớn nhất.
Và trên hết, với tôi, chiến thắng cũng là khi bản thân người nghệ sĩ vượt qua được thử thách cả về sáng tạo, cảm xúc lẫn áp lực thời gian, quy mô. Là khi mình không ngừng làm mới nhưng vẫn giữ được hồn cốt lịch sử, giữ được giá trị truyền thống. Mỗi lần như vậy, tôi thấy mình lại chiến thắng chính mình và đó là hành trình ý nghĩa nhất!
Xin cảm ơn nghệ sĩ!