'Nóng' việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ

Chiều 27-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị cân nhắc việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cho rằng, trong xu thế biến đổi khí hậu nhanh như hiện nay, điều hòa nhiệt độ đã trở thành sản phẩm thiết yếu, phổ thông và được sử dụng cho mọi người, mọi nhà. Hơn nữa, khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên hầu hết sản phẩm này được sản xuất theo công nghệ tiết kiệm điện.

Do vậy, đại biểu Đoàn Bến Tre đề nghị xem xét lại việc tiếp tục đưa mặt hàng điều hòa công suất dưới 90.000 BTU vào nhóm các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp vẫn tiếp tục duy trì mặt hàng này, đại biểu đề nghị chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC (Hydrofluorocarbon, là môi chất lạnh thường được sử dụng trong các thiết bị điều hòa không khí - PV) để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

“Bên cạnh đó, để bảo đảm tính công bằng giữa các sản phẩm điều hòa, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm đánh giá về việc chưa thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa có công suất lớn hơn 90.000 BTU”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội. Vì vậy, khi ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì tác động là phải thay đổi hành vi, còn nếu không thay đổi hành vi thì Luật không đạt được. Với nguyên lý như vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, một số đề xuất trong dự thảo Luật còn có điểm chưa hợp lý.

Về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, nếu quy định tăng thuế lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, đại biểu cho rằng, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ.

Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với máy điều hòa. Bởi đây là sản phẩm giúp người dân có được điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là cho sức khỏe của người già và trẻ em. Thay vì đánh thuế, đại biểu cho rằng, nên hướng dẫn người dân cách sử dụng máy điều hòa hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Cần lộ trình tăng thuế với nước giải khát có đường

Thảo luận tại hội trường, quy định trong dự thảo Luật về bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, dự án Luật cần xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường. Trên thực tế, nhiều loại nước có hàm lượng đường cao hơn nước giải khát có đường… Theo đại biểu, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng, chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng.

“Trong khi đó, trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát. Hơn nữa, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam hẹp hơn nhiều so với khái niệm đồ uống có đường”, đại biểu Đoàn Đà Nẵng nói.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, mức áp thuế 10% còn thấp hơn so với một số quốc gia, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia theo hướng tăng, có thể là 20%, thay vì 10% như dự thảo và xây dựng lộ trình tăng thuế phù hợp đến năm 2030.

Đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Theo đại biểu, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng đường cao, chứ không phải chỉ có nước giải khát có đường. “Nếu áp thuế cao thì có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu rất khó kiểm soát vào Việt Nam”, đại biểu nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu làm rõ tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu làm rõ tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Với thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, các đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động toàn diện để có lộ trình và mức tăng thuế phù hợp nhằm tránh tình trạng nhập lậu. Đồng thời, cần có các biện pháp áp dụng đồng bộ và hữu hiệu các công cụ, không nên chỉ tập trung vào việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Phát biểu làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể các loại nước giải khát có đường bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Phó Thủ tướng cho biết, đường trong nước giải khát sẽ dễ hấp thu hơn đường thể rắn, gây ra các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe, do đó cần thiết phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khỏe người dân.

Về thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, điều hòa nhiệt độ hiện nay tiêu thụ lượng điện hóa thạch rất lớn, đồng thời có chất làm lạnh chứa HCFC gây tác hại cho tầng ozone nên cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nong-viec-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-dieu-hoa-nhiet-do-685770.html
Zalo