Chuyên gia cảnh báo khung chính sách mới của thị trường carbon tự nguyện có thể gây hỗn loạn

Có thể trở thành cơ hội lịch sử trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, nhưng chính sách mới của thị trường carbon tự nguyện cũng gây ra những tranh cãi bên lề COP29.

Bên cạnh thành công trong việc gây quỹ khí hậu trị giá 300 tỷ USD, Hội nghị Thượng đỉnh COP29 còn phê duyệt khung pháp lý mới về tín chỉ carbon mà thế giới đã mong đợi từ lâu. Mặc dù được kỳ vọng đưa thị trường tín chỉ carbon phát triển vượt bậc nhưng khung pháp lý mới mang khuôn khổ toàn cầu này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi xung quanh công cuộc chống biến đổi khí hậu và tình trạng Trái đất nóng lên.

Khung pháp lý mới của thị trường tín chỉ carbon được công bố tại COP29

Tách biệt so với mảng thị trường do chính phủ quản lý, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm trong vài năm qua do bị cản trở bởi các khung chính sách xác minh tín chỉ còn lỏng lẻo và không đồng nhất. Một nghiên cứu về thị trường tín chỉ carbon gần đây cho thấy, trong hơn 2.000 dự án tín chỉ carbon, chỉ có 16% dự án đạt được tiêu chí cắt giảm carbon như đã hứa hẹn.

 Thị trường carbon tự nguyện đã có những chính sách mới sau Hội nghị Thượng đỉnh COP29. Ảnh: AdobeStock.

Thị trường carbon tự nguyện đã có những chính sách mới sau Hội nghị Thượng đỉnh COP29. Ảnh: AdobeStock.

Sự tăng trưởng của mảng thị trường tín chỉ carbon tự nguyện được dự báo sẽ tăng đáng kể sau cuộc họp của Hội nghị Thượng đỉnh COP29 tại Baku, Azerbaijan vừa qua. Theo đó, Liên Hợp Quốc đã phê duyệt chính sách công nhận tín chỉ carbon trong việc hạch toán phát thải carbon toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tiên tín chỉ carbon được Thỏa thuận Paris công nhận và cho phép các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng các khoản bù trừ để đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon.

Động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao dịch tín chỉ carbon trên toàn cầu trong thời gian tới. Chấm dứt thời gian chờ đợi kéo dài hàng thập kỷ, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh COP29 Mukhtar Babayev vui mừng thông báo mở khóa công cụ quan trọng cho thị trường tín chỉ carbon phát triển. Ông hy vọng mảng thị trường tiềm năng này sẽ giữ mục tiêu Trái đất chỉ tăng 1,5 độ C ở trong tầm với.

Hiệp hội Giao dịch Phát thải Quốc tế (International Emissions Trading Association - IETA) ước tính, kể từ năm 2030, thị trường tín chỉ carbon có thể đạt 250 tỷ USD mỗi năm. Theo báo cáo của Ecosystem Marketplace (Mỹ), thị trường tín carbon toàn cầu năm 2023 chỉ đạt 723 triệu USD.

Khung pháp lý mới cho thị trường tín chỉ carbon liệu có lợi thực sự?

Trước những chính sách mới dành cho thị trường tín chỉ carbon, Quỹ Phòng vệ Môi trường (Environmental Defense Fund - EDF) cho biết, chính sách này chỉ thực sự có ý nghĩa tác động khi thế giới thực thi mạnh mẽ các hành động chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, chính sách mới sẽ là cơ hội lịch sử để biến thị trường tín chỉ carbon trở thành một công cụ quan trọng trong hành trình hướng tới Net Zero - Phát thải ròng bằng 0.

 Tín chỉ carbon có thể đem tới những cơ hội cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Kmutt.

Tín chỉ carbon có thể đem tới những cơ hội cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Kmutt.

Trái ngược lại, những nhà phân tích theo trường phái phê bình, phản biện lại bày tỏ quan điểm lo ngại nếu như thị trường tín chỉ carbon phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Khi những đơn vị phát thải dễ dàng đạt được mục tiêu bù trừ phát thải carbon mà không không tốn kém sức lực, tiền bạc, họ sẽ không đặt nặng vấn đề phải giảm phát thải ra sao. Hơn thế, họ sẽ càng phát thải nhiều hơn vì đã có công cụ mới để bù trừ. Với những chính sách mới từ COP29, nhóm nghiên cứu Carbon Market Watch đưa ra cảnh báo, thị trường carbon trong tương lại sẽ giống như một cuộc tranh giành không có người lãnh đạo.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong COP29 mà các chính phủ quan tâm, đó là hiện nay chưa có tiêu chuẩn nào được đề ra để xác định được tín chỉ carbon chất lượng cao là như thế nào. Các dự án năng lượng tái tạo có thể được công nhận là giúp giảm lượng khí phát thải nhưng thực sự rất khó có thể đo lường được lượng phát thải đã giảm. Vì thế, Hội đồng Liêm chính chi thị trường carbon tự nguyện đã từ chối các dự án năng lượng tái tạo cho các tiêu chuẩn về tín chỉ carbon.

Theo Bloomberg, chỉ vài ngày trước khi diễn ra COP29, Ngân hàng quốc tế HSBC đã hủy bỏ kế hoạch ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon mang quy mô lớn. Dấu hiệu đóng cửa này cho thấy người mua và người bán đã hời hợt với việc phải bù trừ carbon. Một số các công ty lớn như Google, Delta Airlines hay Easy Jet cũng từ bỏ việc mua tín chỉ carbon để bù trừ, thay vào đó là tập trung vào việc giảm lượng khí phát thải một cách đúng nghĩa.

Được coi là tiêu chuẩn vàng cho các kế hoạch giảm khí thải carbon cho doanh nghiệp, Tổ chức Sáng kiến Mục tiêu Khoa học (Science Based Targets Initiative - SBTi) quốc tế gần đây cũng bày tỏ quan điểm hoài nghi về việc sử dụng tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí đã phát thải. SBTi dự kiến sẽ tổ chức cuộc tham vấn về tiêu chuẩn Net Zero mới cho doanh nghiệp vào năm 2025. Thông qua đó, các công ty sẽ được hướng dẫn cách sử dụng tín chỉ bù trừ carbon để hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

 Chính sách mới của thị trường carbon tự nguyện cũng gây ra những tranh cãi bên lề COP29. Ảnh: Bitperfect.

Chính sách mới của thị trường carbon tự nguyện cũng gây ra những tranh cãi bên lề COP29. Ảnh: Bitperfect.

Cát Ân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chuyen-gia-canh-bao-khung-chinh-sach-moi-cua-thi-truong-carbon-tu-nguyen-co-the-gay-hon-loan-95145.html
Zalo