Nóng trong tuần: Triển khai quy định về dạy học thêm và nhiệm vụ chuyển đổi số

Địa phương triển khai quy định mới về dạy học thêm; Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Từ 14/2, các cơ sở giáo dục đồng loạt dừng hoạt động dạy thêm có thu phí trong nhà trường. Ảnh minh họa.

Từ 14/2, các cơ sở giáo dục đồng loạt dừng hoạt động dạy thêm có thu phí trong nhà trường. Ảnh minh họa.

Triển khai quy định về dạy thêm học thêm

Từ ngày 14/2, quy định mới về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT chính thức có hiệu lực. Từ thời điểm này, các cơ sở giáo dục đồng loạt dừng hoạt động dạy thêm có thu phí trong nhà trường.

Trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã trả lời phỏng vấn báo chí về quy định mới này. Bộ GD&ĐT đồng thời có Công văn số 545/BGD&ĐT-GDTrH gửi UBND cấp tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông; trong đó lưu ý triển khai đúng quy định về quản lý dạy thêm, học thêm.

Triển khai Thông tư 29, nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo, chuẩn bị hướng dẫn về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Tại TP.Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT xây dựng dự thảo quyết định ban hành quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn và lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 17/2.

UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đã ban hành văn bản về triển khai thực hiện Thông tư 29. Tại văn bản này, Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn Thành phố. Tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Giao Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT hướng dẫn, tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn.

Ngày 11/2, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản số 362/SGD&ĐT-VP về triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGD&ĐT quy định về quản lý dạy thêm, học thêm gửi các đơn vị giáo dục trên địa bàn Thủ đô.

Trong văn bản này, Sở GD&ĐT đề nghị Phòng GD&ĐT, các trường, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị phải báo cáo kịp thời về Sở GD&ĐT những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 29. Các đơn vị tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành văn bản số 603 ngày 13/2 việc triển khai Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Văn bản quán triệt các nội dung theo Thông tư số 29 và giao Sở GD&DT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về dạy thêm, học thêm để phù hợp với quy định của Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT.

Ngày 14/2, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đã thực hiện các bước xây dựng dự thảo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh thay thế Quyết định số 23 ngày 29/10/2020 của UBND tỉnh.

Hiện tại, dự thảo đã gửi Sở Tư pháp thẩm định và sẽ tiếp thu, hoàn thiện trình UBND tỉnh ký ban hành. Trong thời gian chờ ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm từ UBND tỉnh, Sở đã ban hành Công văn số 335/SGD&ĐT-MNPT về việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ kế hoạch giáo dục năm học 2024-2025, trong đó trọng tâm có định hướng ôn thi tốt nghiệp THPT.

Hàng loạt Sở GD&ĐT khác cũng đã ban hành công văn chỉ đạo về triển khai thực hiện Thông tư 29 như: Đồng Nai, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Gia Lai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa…

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2025 Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2025 Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính năm 2025

Sáng 11/2, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ GD&ĐT tổ chức tổng kết nhiệm vụ năm 2024 và kế hoạch nhiệm vụ năm 2025.

Theo báo cáo công tác về chuyển đổi số và triển khai Đề án số 06 của Bộ GD&ĐT, năm 2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành các bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của: cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục ở địa phương (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT), cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục mầm non. Khung năng lực số cho người học cũng đã được ban hành.

Về phát triển cơ sở dữ liệu, đã số hóa gần 24,55 triệu hồ sơ là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành Giáo dục về cơ sở dữ liệu giáo dục đại học (Hệ thống Hemis) và cơ sở dữ liệu giáo dục phổ thông; kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (do Bộ Nội vụ quản lý).

Triển khai Dịch vụ công trực tuyến, 2 dịch vụ công là “Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông” (có 1.029.678 hồ sơ đăng ký trực tuyến) và “Công nhận bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam” (có 9448 hồ sơ) đã được triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thành triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học với 11.400 trường tiểu học trên tổng số 14.663 trường tiểu học (đạt tỷ lệ 77,75%); 100% cơ sở giáo dục tham gia thí điểm thuộc 63 tỉnh/thành thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu học bạ về cơ sở dữ liệu học bạ số do Bộ GD&ĐT quản lý. Mở rộng triển khai Học bạ số đối với giáo dục trung học. Tiếp theo thành công triển khai học bạ số, Bộ GD&ĐT đang triển khai thí điểm văn bằng số, hướng đến việc quản lý, sử dụng văn bằng hoàn toàn trên môi trường mạng.

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Bộ GD&ĐT đã có công văn đôn đốc các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng được phép đào tạo cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào tiêu chí đánh giá tại các Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số; hướng dẫn mô hình tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 100% thí sinh xét tuyển đại học thực hiện thanh toán lệ phí xét tuyển bằng hình thức không dùng tiền mặt; các cơ sở giáo dục.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Liên quan đến lĩnh vực công việc này, năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2025 của Bộ; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Kế hoạch năm 2025 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Kế hoạch năm 2025 của Đề án số 06 của Trung ương.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 100% các thủ tục hành chính do Bộ GD&ĐT thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành Giáo dục trong các lĩnh vực quản lý giáo dục và thực hiện các hoạt động chuyên môn của ngành…

Tại hội nghị, những vấn đề có khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục được tập trung trao đổi. Các Thứ trưởng trong phát biểu đều nhấn mạnh tác động lớn, thiết thực của chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ và đưa ra vấn đề cần lưu ý trong thời gian tiếp theo để triển khai tốt nhiệm vụ này.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định một số kết quả đã đạt được, những công việc được triển khai ráo riết; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu mới được đặt ra ở một cấp độ khác hẳn, cả về quy mô, tốc độ, chiều sâu, tính quyết liệt trong chuyển đổi số ngành Giáo dục; từ đó yêu cầu cách làm, cách triển khai không thể như cũ. “Chúng ta phải hướng đến toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước của ngành sẽ thực hiện trên nền tảng số, không phải chỉ vài thủ tục hành chính”, Bộ trưởng nói.

Đưa ra một số lưu ý trong triển khai công việc thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu phải nhìn thấy hết những việc cần làm, cả vĩ mô và vi mô trong chuyển đổi số cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ, cũng như của toàn ngành; đặt ra những việc cần làm có lộ trình, tư duy thiết kế một cách tổng thể để không bị động, thiếu đồng bộ…

 PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT.

Sẽ công bố Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng 2

Chia sẻ với một số cơ quan truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cho biết: Bộ sẽ công bố quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 trong tháng 2 với một số điều chỉnh so với dự thảo quy chế tuyển sinh được công bố trước đó.

Theo đó, sẽ bỏ hẳn xét tuyển sớm và chỉ xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT. Các hình thức tuyển sinh xét học bạ, xét chứng chỉ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy... các trường vẫn có thể dùng, nhưng phải xét chung đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT. Các cơ sở đào tạo phải quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển về một thang điểm chung.

Nếu thí sinh dùng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển thì phải sử dụng kết quả của cả năm học lớp 12.

Các trường có thể quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ (theo danh mục của quy chế thi tốt nghiệp THPT) thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển đại học.

Bộ GD&ĐT cũng quy định điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa (điểm cộng này là sau khi đã cộng điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng), đồng thời tổng điểm xét của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa 30/30 điểm.

Với các quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành sư phạm và sức khỏe, quy chế tuyển sinh năm nay vẫn giữ nguyên như quy chế hiện hành, chưa thay đổi.

Hải Bình t/h

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-trien-khai-quy-dinh-ve-day-hoc-them-va-nhiem-vu-chuyen-doi-so-post719725.html
Zalo