Nóng trong tuần: Pakistan tấn công trả đũa Ấn Độ, Mỹ đàm phán thương mại với Trung Quốc
Nga duyệt binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng; Pakistan tấn công trả đũa Ấn Độ khiến xung đột tiếp tục leo thang; Mỹ ký kết thỏa thuận thuế quan đầu tiên với Anh chuẩn bị tiến hành đàm phán với Trung Quốc; tân Giáo hoàng Leo XIV với lịch trình mới bận rộn là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Đoàn quân nhạc tại Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: TTXVN.
Nga duyệt binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Ngày 9/5, Nga đã tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva trong niềm hân hoan của toàn thể người dân "Xứ sở Bạch Dương" cũng như cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Vladimir Putin, Tổng Tư lệnh Tối cao Các lực lượng vũ trang Nga nhấn mạnh ngày 9/5 là ngày lễ chính của mọi gia đình cũng như mọi dân tộc chống phát xít trên thế giới. Nhà lãnh đạo nước Nga xúc động nhắc đến công lao và sự hy sinh của hàng chục triệu chiến sĩ tiền tuyến và hậu phương để đi đến ngày Chiến thắng. Tổng thống Putin cũng đặc biệt nhấn mạnh đến những bài học của cuộc chiến tranh khốc liệt nhất lịch sử nhân loại, đó là sự đoàn kết quốc tế, ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh chống các tư tưởng phân biệt chủng tộc, cực đoan dân tộc, các tư tưởng gây hận thù dân tộc.
Hơn 20 nhà lãnh đạo nước ngoài đã đến tham dự sự kiện lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm cũng nhiều nguyên thủ các nước khác trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov chủ trì Lễ duyệt binh năm nay. Mở đầu Lễ duyệt binh là hình ảnh Lá cờ Chiến thắng, phiên bản của lá cờ được cắm trên nóc Tòa Quốc hội Đức ngày 30/4/1945 và quốc kỳ Nga xuất hiện trên quảng trường.
Xuất hiện đầu tiên qua lễ đài là đoàn bộ binh các quân chủng, các học viên trường quân sự trên toàn nước Nga. Bên cạnh đó, Lễ duyệt binh có sự tham gia diễu hãnh của các vũ khí, khí tài quân sự hiện đại của nước Nga. Người xem đã được chứng kiến đoàn 183 xe quân sự, đi đầu là chiếc chiếc T-34 huyền thoại dẫn đầu đoàn xe tăng đã từng tiến vào Berlin năm 1945 trong ngày Chiến thắng. Tiếp theo sau là các đoàn xe hậu cần, xe bọc thép, xe tăng thế hệ mới T-72. Đặc biệt, các đơn vị pháo tự hành Giatsint-K và Malva hiện đại nhất hiện nay lần đầu tiên được trình diễn trên Quảng trường Đỏ. Đi trong khối tên lửa hạng nặng có S-400, các đơn vị tên lửa chiến lược Yars, Boomerang…
Đặc biệt, tại Lễ duyệt binh năm nay, lần đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam cử đoàn 86 chiến sĩ và cán bộ tham gia. Trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5, lá cờ đỏ sao vàng tung bay cùng với cờ các nước cử đoàn tham dự khác như Belarus, Kazakhstan, Trung Quốc, các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG … tạo nên cảm xúc đặc biệt trong cộng đồng người Việt tại Nga nói riêng và mọi người dân Việt Nam nói chung.
Pakistan tấn công trả đũa Ấn Độ, xung đột hai cường quốc hạt nhân tiếp tục leo thang

Một ngôi nhà tại Muzaffarabad, thuộc khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát bị phá hủy sau cuộc tấn công tên lửa của Ấn Độ ngày 7/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 10/5, Pakistan đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn mang tên Bunyanun Marsoos (Cấu trúc vững chãi) để đáp trả các động thái quân sự gần đây của Ấn Độ. Theo nhiều nguồn tin này, chiến dịch trên nhắm vào nhiều mục tiêu trên khắp Ấn Độ, trong đó kho tên lửa BrahMos tại thành phố Beas của Ấn Độ được cho là đã bị phá hủy trong đợt tấn công đầu tiên.
Kênh News18 của Ấn Độ dẫn nguồn tin tình báo cho biết, Pakistan đã phóng 6 tên lửa đạn đạo nhằm vào bang Punjab của Ấn Độ trong ngày 9/5. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang Ấn Độ được cho là đã đánh chặn được tất cả các tên lửa này.
Cùng ngày 10/5, quân đội Ấn Độ cho biết Pakistan đang tăng cường triển khai quân đội dọc biên giới. Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn quân đội Ấn Độ thông báo: "Quan sát thấy quân đội Pakistan đang di chuyển lực lượng tới các khu vực tiền tiêu, cho thấy ý đồ tấn công nhằm tiếp tục làm leo thang tình hình". Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Lực lượng vũ trang Ấn Độ vẫn duy trì mức sẵn sàng chiến đấu cao. Lực lượng vũ trang Ấn Độ khẳng định cam kết không leo thang, với điều kiện phía quân đội Pakistan cũng có động thái tương tự".
Trong một diễn biến khác cùng ngày, người phát ngôn quân đội Pakistan Ahmed Sharif Chaudhry cho biết Ấn Độ đã phóng tên lửa không đối đất vào 3 căn cứ không quân Pakistan, bao gồm căn cứ không quân Nur Khan ở quận Rawalpindi gần thủ đô Islamabad, căn cứ không quân Murid ở quận Chakwal và căn cứ không quân Shorkot ở quận Jhang.
Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan leo thang trong những tuần gần đây kể từ sau cuộc tấn công hôm 22/4 ở Pahalgam, thuộc phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 du khách thiệt mạng. Đây là các cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa hai nước láng giềng trong 3 thập kỷ và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột lớn hơn giữa hai bên. Nhiều nước trong và ngoài khu vực đã hối thúc New Delhi và Islamabad hạ nhiệt căng thẳng, giữ các đường dây liên lạc được thông suốt và tiến hành đối thoại trực tiếp.
Trong đó, ngày 10/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết căng thẳng. Bên cạnh đó, ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Rubio đã đề nghị sẵn sàng hỗ trợ "khởi động các cuộc đàm phán mang tính xây dựng nhằm tránh xung đột trong tương lai".
Mỹ ký kết thỏa thuận thuế quan đầu tiên với Anh; đàm phán với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington D.C. ngày 27/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Ngày 8/5, Mỹ chính thức ký kết thỏa thuận thương mại đầu tiên với một đối tác kinh tế kể từ khi Nhà Trắng công bố mức thuế quan toàn diện vào tháng trước. Thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với sự tham gia qua điện thoại của Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Theo thỏa thuận, Mỹ hủy bỏ thuế quan đối với thép và nhôm xuất khẩu của Anh và giảm mức thuế quan từ 27,5% xuống 10% cho 100.000 ô tô xuất khẩu của Anh sang Mỹ mỗi năm, chiếm tới 80% tổng lượng ô tô của Anh xuất khẩu sang Mỹ. Đổi lại, chính phủ Anh hủy bỏ thuế đối với ethanol của Mỹ và đồng ý quyền tiếp cận thị trường có đi có lại đối với thịt bò, với nông dân Anh được cấp hạn ngạch miễn thuế cho 13.000 tấn thịt bò. Tuy nhiên, các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận vẫn đang được đàm phán trong vài tuần tới và đây chưa phải là một “văn bản” cuối cùng.
Việc đàm phán chưa thực sự ngã ngũ khiến các kết luận về một thỏa thuận giữa hai bên vẫn đang được đề cập một cách thận trọng. Hiện nay, giới phân tích đang chú ý đến một số vấn đề quan trọng sau khi thỏa thuận ký kết như việc ông Trump vẫn giữ lại một số mức thuế đã từng tuyên bố áp đặt cũng như việc Mỹ đã chấp thuận một ngoại lệ để miễn thuế với hàng hóa cụ thể từ Anh. Đặc biệt, Mỹ cũng đã không đưa ra yêu cầu đối với Anh trong vấn đề thương mại với phía Trung Quốc – trái ngược với việc Washington nhiều lần yêu cầu các đối tác phải gây sức ép về thương mại lên Bắc Kinh.
Giới phân tích cũng nhận định rằng thỏa thuận Mỹ - Anh không phải là mô hình dễ áp dụng cho các nền kinh tế khác. Thặng dư thương mại của Mỹ với Anh và mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia đồng minh này khiến cho thỏa thuận thương mại mới được ký kết không thực sự là “một kinh nghiệm” tốt cho các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Liên minh châu Âu (EU) đang bước vào các cuộc đàm phán riêng.
Trong khi đó, ngày 10/5, các quan chức kinh tế cấp cao của Mỹ và Trung Quốc cũng có cuộc gặp tại Geneva trong khuôn khổ các cuộc đàm phán mang tính sống còn, có thể định đoạt số phận của nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo bởi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khơi mào.
Cuộc đàm phán lần này dự kiến kéo dài đến ngày 11/5, và là lần gặp đầu tiên kể từ khi ông Trump nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng Mỹ. Đòn ăn miếng trả miếng này đã gần như làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Lịch trình bận rộn đón chờ tân Giáo hoàng Leo XIV

Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt các tín đồ tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter, ngày 8/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 9/5, Vatican thông báo Hồng y Robert Prevost sẽ chính thức được tấn phong làm Giáo hoàng vào ngày 18/5, khi ngài cử hành Thánh lễ nhậm chức tại Quảng trường Thánh Peter với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Buổi lễ đánh dấu việc tấn phong vị giáo hoàng đầu tiên mang quốc tịch Mỹ trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội Công giáo La Mã.
Sau khi được Vatican bầu chọn ngày 8/9, Giáo hoàng Leo XIV bắt đầu bước vào lịch trình dày đặc với các buổi lễ tôn giáo, các cuộc họp ngoại giao và các sự kiện Năm Thánh. Cụ thể, sau khi chủ trì Thánh lễ đầu tiên của triều đại giáo hoàng của mình với các hồng y tại Nhà nguyện Sistine ngày 9/5, hoạt động công khai tiếp theo của Giáo hoàng mới là một cuộc họp với các hồng y ngày 10/5, sau đó là buổi cầu nguyện vào giữa trưa 11/5 từ ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter. Sau lễ nhậm chức chính thức ngày 18/5, buổi tiếp kiến chung đầu tiên của ngài với công chúng sẽ được tổ chức vào ngày 21/5.
Giáo hoàng Leo XIV sẽ tiếp tục tổ chức Năm Thánh 2025, còn được gọi là Đại lễ, theo truyền thống diễn ra 25 năm một lần, thu hút hàng triệu người hành hương đến Rome để tham dự một loạt sự kiện.
Các hội nghị đặc biệt để tôn vinh những nhóm quan trọng trong Giáo hội, chẳng hạn như ca đoàn, gia đình và giáo sĩ, được lên kế hoạch từ nay đến cuối năm nay. Một trong những sự kiện đáng chú ý là lễ kỷ niệm lớn dành cho thanh thiếu niên từ ngày 28/7-3/8.
Bên cạnh đó, Giáo hoàng Leo XIV sẽ phải nhanh chóng đưa ra quyết định về việc có thực hiện cam kết của Giáo hoàng Francis tiền nhiệm là đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 5 này hay không. Mục đích chuyến thăm là kỷ niệm 1.700 năm thành lập một hội đồng giám mục Cơ đốc giáo lớn tại Nicaea cổ đại, hiện là thị trấn Iznik. Nếu thực hiện chuyến đi này, Giáo hoàng Leo XIV sẽ có dịp gặp Thượng phụ Bartholomew, nhà lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Chính thống giáo Đông phương - trong một cuộc họp tượng trưng cho cam kết đổi mới đối với sự hiệp nhất của Kitô giáo.
Giáo hoàng Leo XIV cũng sẽ kế thừa Thượng hội đồng đang diễn ra, một quá trình tham vấn toàn cầu do Giáo hoàng Francis khởi xướng vào năm 2021 với mục đích làm cho Giáo hội trở nên toàn diện và hợp tác hơn.
Vatican cũng cho biết Giáo hoàng Leo XIV đã yêu cầu tất cả các thành viên của các tổ chức Vatican - những người về mặt kỹ thuật đã mất việc khi Giáo hoàng Francis qua đời - giữ nguyên chức vụ cho đến khi có thông báo mới.
Có nhiều tín hiệu cho thấy Giáo hoàng Leo XIV sẽ theo con đường tiến bộ của người tiền nhiệm, bên cạnh đó các tuyên bố trước đây cho thấy ngài có thể cũng sẽ bám sát hơn vào học thuyết Công giáo truyền thống. Có hai người phụ nữ xuất hiện trong Thánh lễ đầu tiên của ông, nhưng Giáo hoàng Leo trước đó đã nói rằng sẽ không có thay đổi nào đối với truyền thống chỉ trao chức linh mục cho nam giới.